Hệ thống truyền thanh này hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.
Đối với cấp huyện, đến năm 2023, 100% trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao cấp huyện cơ bản có đủ trang thiết bị và nhân lực thực hiện hoạt động thông tin cơ sở và truyền thông cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ. Đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn thành phố. Cấp thành phố, đến năm 2023, có Hệ thống thông tin nguồn thành phố để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn, bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin nguồn trung ương do Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập. Đến năm 2025, 100% sở, ngành thuộc thành phố và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên Hệ thống thông tin nguồn thành phố.
Trong thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở, đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây FM chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đến năm 2025, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói. Bên cạnh đó, thành phố còn đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại; hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền; phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở.
Trước đó vào tháng 8/2017, thành phố ban hành đề án số 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, thành phố.
Lý do để thành phố ban hành đề án số 5133 là "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", thành phố đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc bỏ thiết bị này.
Tuy nhiên, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân Thủ đô và lãnh đạo thành phố đã thấy rõ vai trò, tâm quan trọng của loa phường đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Thông qua hệ thống loa phường này mọi người dân đều biết được các địa bàn có ca dương tính với Covid-19, các địa điểm mà bệnh nhân mắc Covid-19 đi, đến để người dân chủ động kiểm tra y tế, làm các xét nghiệm để có biện pháp phòng tránh dịch bệnh lây lan. Cũng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đặc biệt là công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm phòng vắc xin được thông tin đến tận hộ gia đình thông qua hệ thống loa phường có hiệu quả rất cao.
Nói về tầm quan trọng của hệ thống loa phường, ông Nguyễn Thế Cương là tổ trưởng tổ dân phố sô 1, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho rằng: "Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, nhờ có hệ thống truyền thanh của phường mà mọi công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tổ chức, triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất".
Tại nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri đã đề nghị khôi phục hệ thống loa phường như trước để phục vụ tuyên truyền phòng, chống dịch.
Tháng 3/2021, Hà Nội quyết định điều chỉnh đề án 5133, không quy định cứng số lượng cụm loa mà giao chính quyền cơ sở tự quyết định phù hợp với điều kiện thực tế. Quyết định điều chỉnh cũng quy định về nội dung, thời gian và thời lượng phát thanh; nội dung khác được thành phố hướng dẫn tiếp tục thực hiện theo đề án 5133.