Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 7 năm 2021 | 18:15

Hà Nội không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng” trong phòng chống Covid-19

Sáng 28-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy phòng, chống Covid-19 thành phố đã chủ trì họp trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, các sở, ngành, UBND các cấp thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát cả về quy mô và cường độ; đồng thời cho phép địa bàn nguy cơ cao được áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 17/CT-UBND.
 
221732414_2380401475428742_5038669286614076282_n.jpg
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì phiên họp.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, chiều 27/7, Thường trực Thành ủy đã họp cho ý kiến sau 4 ngày toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó nhận định, việc ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7 của Chủ tịch UBND thành phố là đúng, trúng, kịp thời, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ
 
Tuy nhiên, sau 4 ngày triển khai, kết quả kiểm tra cho thấy có nơi làm rất tốt, có nơi chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là; có hiện tượng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát... Do đó, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo một số giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay để chấn chỉnh; yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá toàn diện và bảo đảm thực hiện đúng, thực hiện đủ từng nội dung Chỉ thị số 17/CT-UBND; lấy hiệu quả thực hiện làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ.
 
Báo cáo tại hội nghị của các đơn vị cho thấy, một số sở, ngành, địa phương đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, cũng như nhanh chóng triển khai những chỉ đạo mới của Thường trực Thành ủy.
 
Trong đó, các ngành đã hội ý nhanh, giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc tạo “luồng xanh” cho xe chở hàng hóa thiết yếu; hoạt động của đội ngũ giao hàng (shipper); thi công các công trình trọng điểm, người thực hiện công vụ ra vào thành phố... Công an thành phố đã lập 29 chốt kiểm soát các cửa ngõ Thủ đô, tăng 7 chốt so với thời gian đầu; đôn đốc 4.147 cảnh sát khu vực quản lý chặt nơi cư trú; huy động 789 tổ công tác ở công an các quận, huyện, thị xã để tăng cường kiểm tra vi phạm; bước đầu đã xử phạt 1.359 trường hợp vi phạm ra ngoài không đúng quy định, không đeo khẩu trang và 32 cơ sở kinh doanh hoạt động không đúng quy định...
 
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nêu rõ, Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và UBND thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, phạm vi, lĩnh vực phụ trách; trọng tâm là thực hiện đúng nguyên tắc: “Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh”.
thumb_660_431779be-5a75-484f-989b-e46242eebd24.jpg
Thành phố xử phạt nhiều trường hợp vi phạm Chỉ thị 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
 
UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, “chia lửa” với lực lượng công an cả trong việc bố trí thêm các chốt kiểm soát; tổ chức thêm lực lượng hỗ trợ như huy động lực lượng quân nhân dự bị, bảo vệ dân phố, dân phòng, đoàn viên, hội viên, các tổ Covid-19 cộng đồng, các tình nguyện viên..., không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Các cấp, các ngành đồng loạt tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ trên toàn địa bàn, bảo đảm chặt chẽ từ cơ sở; trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định “chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết” và việc bảo đảm số lượng người đi làm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để nhiều người dân vi phạm quy định, để cơ quan, đơn vị, tổ chức không tuân thủ quy định về số lượng người đi làm và các quy định an toàn phòng dịch trong Chỉ thị số 17/CT-UBND. Việc kiểm tra, giám sát phải được làm cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.
 
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17/CT-UBND đối với địa bàn có nguy cơ cao. Đây là thẩm quyền đã được thành phố phân cấp cụ thể. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, đoàn kết quyết tâm cao, phối hợp nhịp nhàng để cùng giải quyết những nhiệm vụ, công việc đặt ra như: Vận chuyển các trường hợp F1 về nơi cách ly tập trung, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng dịch tại các điểm tiêm vắc xin; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp ho, sốt, khó thở, các trường hợp có nguy cơ cao...
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top