Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 3 năm 2018 | 22:10

Hà Nội trong tuần: Nông sản rớt giá, không thể giải cứu kiểu tình thế

Củ cải, su hào rớt giá mấy ngày qua khiến nông dân ngoại thành lao đao; hợp tác với Ireland trong lĩnh vực nông nghiệp; lo sốt xuất huyết bùng phát mạnh,... là những tin nóng ở Thủ đô tuần này.

Hà Nội thúc đẩy hợp tác với Ireland trong lĩnh vực nông nghiệp

Chiều 16/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đã tiếp Ngài Andrew Doyle, Quốc vụ khanh về Thực phẩm, Lâm nghiệp và Trồng trọt Ireland, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Đây là sự kiện đặc biệt được người dân Thủ đô chờ đợi vì không chỉ là một dấu mốc trong việc thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa 2 nước mà “nhuộm xanh” Tháp Bút còn thể hiện sự cam kết của chính phủ 2 nước về bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu.

Điểm lại quan hệ ngoại giao giữa 2 nước trong thời gian gần đây, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhận định, mặc dù 2 bên đã tích cực thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn chưa xứng với tiềm năng. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tin tưởng, thời gian tới, với những nỗ lực của cả 2 phía, số lượng doanh nghiệp Ireland đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ gia tăng và ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tìm kiếm được thêm nhiều đối tác tại thị trường Ireland.

Về lĩnh vực nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, những năm gần đây, nhiều địa phương của Việt Nam đã thực hiện rất hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, tuy nhiên, khâu chế biến nông sản, kết nối đầu ra với thị trường còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mong muốn, thời gian tới, Ireland sẽ đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Về các vấn đề quốc tế 2 bên cùng quan tâm, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải vui mừng nhận thấy, những năm gần đây Việt Nam và Ireland thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Việc Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Ireland ứng cử vị trí này nhiệm kỳ 2021-2022 cho thấy sự tích cực tham gia của 2 nước vào các hoạt động nhằm duy trì hòa bình và sự ổn định trên toàn thế giới.

Quốc vụ khanh Andrew Doyle đánh giá cao sự phối hợp tích cực của Hà Nội trong “Chiến dịch Nhuộm xanh của Ireland”. Điều này thể hiện qua thành công của sự kiện “nhuộm xanh” nhà Bát Giác năm 2017. Việc “nhuộm xanh” Tháp Bút ngày 17-3 cũng sẽ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước. 

Về thúc đẩy hợp tác thương mại, Quốc vụ khanh Andrew Doyle khẳng định sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp 2 nước mở rộng quan hệ đối tác, đầu tư. Đồng tình với đề nghị của Bí thư Hoàng Trung Hải, Quốc vụ khanh Andrew Doyle cho biết, thời gian tới, Ireland sẽ tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thân thiện với môi trường.

Nông sản được mùa rớt giá, không thể giải cứu kiểu tình thế

Trước tình hình giá củ cải rớt giá mấy ngày qua, ngày 16/3, huyện Mê Linh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ tình thế trước mắt và định hướng sản xuất lâu dài đối với việc sản xuất cây trồng này.

 

nong-san-rot-gia.jpg

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, tổng diện tích sản xuất rau của xã Tráng Việt khoảng 304ha, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Cao. Trong đó diện tích sản xuất củ cải khoảng 80ha chiếm.

Hiện tại, diện tích củ cải đến kỳ thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng từ 1.000 – 1.500 tấn. Trong đó có khoảng 70% diện tích này đã được các thương lái thu mua, tuy nhiên do giá thành thấp nên chưa thu hoạch. Giá củ cải bán tại ruộng hiện khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg, củ cải già dùng để sấy khô, muối có giá thấp nhất là 1.000 đồng/kg. Toàn xã đang có khoảng 20ha củ cải bị ra hoa phải nhổ bỏ (trong đó có 70% diện tích thương lái đã thu mua), gây thiệt hại khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng.

Chia sẻ về nguyên nhân giá củ cải rớt giá, Giám đốc HTX Đông Cao Vũ Văn Kỳ cho rằng: Sau Tết, thời tiết thuận lợi cho các loại rau như củ cải, su hào, cải bắp… sinh trưởng, phát triển, sản lượng rau cao nên giá bán giảm. Ngoài ra còn có nguyên nhân là do trước Tết củ cải được giá, nhưng nông dân lại có tâm lý “cầm giá” sau Tết để cao hơn, gom hàng vào, khiến cho rau dồn 2 vụ vào cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng dư thừa hàng. Hơn nữa, hiện nay 95% lượng củ cải của Tráng Việt được tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối. Lượng sản phẩm cung cấp cho DN, siêu thị, bếp ăn tập thể… chỉ từ 3 - 5%. Vì vậy, nông dân thường bị ép giá.

Tại hội nghị, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) khẳng định, DN sẵn sàng vào cuộc chung tay tiêu thụ củ cải cho bà con nông dân. Theo bà Hậu, nếu sản lượng nhiều, hàng hóa dồn ứ, HTX nên thông tin nhanh "giải cứu” bán ra với số lượng nhiều hơn so với ký hợp đồng. Cùng chung tinh thần này, Giám đốc siêu thị Big C Garden Phạm Thùy Linh cho biết: Trong tuần tới, Big C có thể tiêu thụ 10 - 15 tấn củ cải, về lâu dài siêu thị sẽ ký kết hợp đồng với HTX.

Tuy nhiên, hầu hết các DN đều cho rằng, sức "giải cứu" của DN phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, trong khi đó sức mua củ cải hiện nay không cao. Do đó cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, DN cũng đặt ra yêu cầu về tiêu chuẩn VSATTP đối với sản phẩm khi thu mua.

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Trước mắt, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt trên hệ thống phân phối của TP để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn cho người dân trong thời gian tới. Các siêu thị nên bố trí các điểm bán hàng ngoài sảnh, cơ quan Nhà nước sẽ hỗ trợ công tác truyền thông để mua sản phẩm. Ngoài ra, Sở sẽ làm văn bản gửi đến các cơ quan đoàn thể để giúp nông dân bán với giá ổn định, tiêu thụ toàn bộ số lượng đang còn ứ đọng. HTX cân đối lượng hàng bán tươi, còn lại bao nhiêu thì sấy khô để bán tiếp theo, không để tình trạng người dân nhổ bỏ củ cải vứt ra ngoài đồng, gây lãng phí. Sở Công Thương đã liên hệ được với nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội và bánh mứt kẹo Tràng An, hỗ trợ cho người dân sấy khô không lấy công. 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trước mắt, địa phương cần tập trung vệ sinh đồng ruộng, dùng chế phẩm sinh học để tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm hình ảnh khu sản xuất củ cải an toàn. Ngành NN&PTNT sẽ có hướng dẫn tổ chức sản xuất theo chuỗi, hướng tới thị trường xuất khẩu. Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ cho HTX test các mẫu củ cải để công bố chất lượng, bảo đảm yên tâm cho DN, người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, về lâu dài địa phương phải định hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi, thành lập hội sản xuất, đăng ký nhãn hiệu tập thể, phát triển công nghệ chế biến tại địa phương. Bên cạnh đó, người dân cần thay đổi thói quen sản xuất, đa dạng hóa các loại sản phẩm, tiến tới sản xuất các mặt hàng an toàn, có kênh tiêu thụ bền vững.

Lo sốt xuất huyết bùng phát mạnh, Hà Nội phát động phòng chống sớm

Ba tháng đầu năm Hà Nội ghi nhận 59 ca sốt xuất huyết, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái song vẫn có nguy cơ bùng phát dịch.

 

sxh.jpg

Sáng 17/3, Hà Nội phát động chiến dịch vệ sinh môi trường chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh mùa hè. Giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Khắc Hiền nhắc lại dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát tại thành phố năm ngoái với hơn 37.000 người bệnh, 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại tất cả các quận, huyện, thị xã.

Ba tháng đầu năm nay, Hà Nội ghi nhận 59 ca, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (382 ca) tuy nhiên các yếu tố nguy cơ để dịch bùng phát luôn hiện hữu. Cụ thể, tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn ở tạm bợ... Bên cạnh đó, dự báo thời tiết mùa hè năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, trong đó có sốt xuất huyết.

Cục trưởng Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu đánh giá cao công tác chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội trong năm 2017, khi đã huy động được cả hệ thống, chính quyền, người dân để dập dịch với hơn 20.000 cộng tác viên ở xã phường. Thành phố cũng chi nguồn kinh phí rất lớn, hơn 80 tỷ đồng, để chống dịch.

Năm 2017 dịch sốt xuất tại Hà Nội bắt đầu tăng cao từ tháng 4-5 và kết thúc tương đối muộn. Vì thế, trong năm nay ông Phu lưu ý thành phố cần làm tốt công tác phòng chống dịch ngay từ đầu năm, không có bọ gậy thì sẽ không có sốt xuất huyết. Hàng tuần tổ chức các hoạt động diệt bọ gậy đến từng hộ gia đình, phun hóa chất diệt muỗi ngay khi chỉ có một bệnh nhân. Khi đã có 5-7 bệnh nhân nghĩa là có nhiều người nhiễm nhưng chưa phát bệnh, họ di chuyển đi các nơi khác sẽ phát tán bệnh.

“Hà Nội đã ‘phát’ thì phải ‘động’; người dân, chính quyền cần có hoạt động cụ thể để đảm bảo hiệu quả công tác tác phòng chống dịch bệnh. Hà Nội cũng cần chuẩn bị tốt hơn, không để thiếu hóa chất, phương tiện như năm ngoái”, ông Phu nhấn mạnh.

Trong sáng 17/3, Hà Nội cũng tổ chức ký cam kết phòng chống dịch bệnh với 30 quận, huyện, thị xã của thành phố; mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Tổ chức các đoàn ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Tại đây, lực lượng cộng tác viên phát hiện một số vũng nước đọng tại công trường xây dựng, tiến hành thả hóa chất diệt bọ gậy.

10 năm qua dịch sốt xuất huyết dengue tại Hà Nội tăng cao vào năm 2009 với hơn 16.000 ca, 4 người tử vong. Năm 2015 hơn 15.000 bệnh nhân, còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5.000 đến 6.000 trường hợp. Đến năm 2017, số mắc tăng vọt.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Khi bị sốt, uống thuốc hạ sốt không hạ, ở trong vùng có dịch, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính... nên đi khám sớm vì bệnh có thể chuyển biến nặng ngay trong những ngày đầu.

Sập mỏ đất khai thác trái phép ở Quốc Oai, 1 người tử vong

Vụ sập mỏ đất xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng ngày 17/3 tại thôn Đồng Chằm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

 

sap-mo.jpg
Hiện trường vụ sập mỏ

Thông tin từ người dân, mỏ đất chưa có giấy phép khai thác bất ngờ sạt lở xuống, vùi lấp một xe ben cùng một tài xế.

Tại hiện trường, ghi nhận vụ sập núi đất đá khai thác trái phép tại Thôn Đồng Chằm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai (Hà Nội) vẫn còn ngổn ngang, người dân đứng xem rất đông, cơ quan công an đang tiến hành khám nghiệm hiện trường. Chiếc xe tải ben loại 4 chân và tài xế bị vùi lấp trong núi đất đá.

Thông tin từ người đàn ông tên Lộc (là chú ruột của nạn nhân) nghẹn ngào chia sẻ: "Vụ việc xảy ra vào 9 giờ sáng cùng ngày, khi tôi đang ở nhà thì có một người cháu làm vận tải báo về nói: Chú ơi, em chết rồi, bị vùi lấp trong trong núi đất đá không thấy xác đâu cả. Tôi vội vàng cùng người nhà vào ngay hiện trường...".

Cũng theo ông Lộc, khi đến hiện trường ông vẫn không thấy có lực lượng chức năng, thi thể nạn nhân bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Phải 2 tiếng sau, ông mới thấy công an đến hiện trường và huy động máy múc bới tìm thi nạn nhân nhưng không có kết quả.

Ông Lộc khẳng định, bãi đất khai thác không có phép nên làm việc rất tắc trách. Chủ bán đất ở đây mọi người thường gọi là "anh Nam điện". Hàng ngày, có rất nhiều xe ô tô tải loại lớn vào đây mua đất của bãi.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, cho biết, tai nạn khiến nam tài xế Tạ Văn K.(32 tuổi, trú cùng huyện) bị đất vùi lấp tử vong. Chiếc xe bị hư hỏng nặng. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng công an xã Đồng Xuân phối hợp với Công an huyện Quốc Oai đến khám nghiệm hiện trường điều tra làm rõ vụ việc. Chiều cùng ngày, thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho người nhà đưa về lo hậu sự.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Hà Nội hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”

Tối 16/3, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam”.

Tại lễ hưởng ứng, Sở Công Thương đã phát động “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì NTD” từ 16 - 18/3 tại khu vực nhà Bát Giác - Vườn hoa Lý Thái Tổ. Sự kiện có quy mô 60 gian hàng, được bố trí thành 2 khu vực: Sản phẩm nông - lâm sản, đặc sản vùng miền, thực phẩm chế biến… và sản phẩm gia dụng, thời trang, điện tử, công nghệ. Các gian hàng tham gia đều niêm yết rõ thông tin, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng sản phẩm. 

“Tuần lễ tri ân NTD”, diễn ra từ ngày 16 - 22/3 với 60 điểm tri ân NTD của 19 DN sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm, như: Vinmart, Hapro. Mediamart… Các điểm tri ân NTD kinh doanh, phân phối các sản phẩm chính hãng, bảo đảm chất lượng, an toàn, phân bổ đều khắp các quận, huyện. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng mở đường dây nóng hỗ trợ NTD qua số tổng đài 04.1081.

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top