Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2013 | 11:28
Hà Nội: Vụ kiện kéo dài 10 năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm
KTNT- UBND TP Hà Nội mới có quyết định dỡ bỏ công trình xây dựng không phép, tuy nhiên UBND quận Hoàn Kiếm và Sở Xây dựng luôn đưa ra những lý do khác nhau để không thực hiện Quyết định của UBND TP, khiến một vụ kiện kéo dài đến 10 năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Quyết định của thành phố: Tháo dỡ công trình vi phạm
Từ năm 2003, bà Nguyễn Thị Vân ở nhà số 3 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có đơn khiếu nại gia đình ông bà Phạm Huy Quang, Nghiêm Thanh Thủy ở cùng số nhà đã cải tạo tầng 2, tầng 3 không có giấy phép, ảnh hưởng đến kết cấu ngôi nhà, gây nguy hiểm cho gia đình bà Vân ở tầng 1.
Sau 3 năm, hai cấp chính quyền quận và phường không xử lý dứt điểm nên Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố giao Thanh tra thành phố xem xét. Ngày 24/07/2006, Thanh tra thành phố có Kết luận số 997/KL-TTTP, trong đó có nội dung: “…yêu cầu gia đình ông Quang phải thuê kiểm định chất lượng ngôi nhà và nếu ông Quang không thuê kiểm định thì quận xử lý tháo dỡ phần cải tạo không phép của hộ ông Quang”. Ba tháng sau, UBND thành phố ra quyết định yêu cầu hai cấp quận và phường tổ chức hòa giải giữa các bên liên quan.
Sau 4 năm, với nhiều cuộc hòa giải không thành, cuối năm 2010 UBND thành phố giao Thanh tra thành phố chủ trì họp với Sở Xây dựng quận Hoàn Kiếm, phường Lý Thái Tổ và các hộ dân có liên quan trong số nhà để làm rõ các yếu tố bất tiện do việc xây dựng không phép của hộ ông Quang gây ra. Từ kết quả cuộc họp này, tháng 7/2011 Thanh tra thành phố đề nghị UBND thành phố giao UBND quận Hoàn Kiếm xử lý dỡ bỏ công trình xây dựng không phép, buộc khôi phục tình trạng ban đầu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân.
Đồng ý với đề nghị của Thanh tra, ngày 4/1/2012 UBND thành phố đã ra Quyết định số 43/QĐ-UBND, giao quận Hoàn Kiếm tổ chức dỡ bỏ công trình xây dựng không phép. Quyết định này bị hộ xây dựng không phép khiếu nại nên UBND thành phố lại yêu cầu Thanh tra phối hợp với Sở Xây dựng, quận Hoàn Kiếm, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát toàn bộ vụ việc, tổ chức tiếp dân, đề xuất biện pháp giải quyết.
Sáu tháng sau, Thanh tra báo cáo UBND thành phố kết quả rà soát vụ việc và ý kiến thống nhất của các ngành là tiếp tục thực hiện Quyết định số 43/QĐ-UBND của UBND thành phố. Ngày 31/7/2012, UBND thành phố ra Văn bản số 5877/UBND-BTCD giao UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 04/01/2012 của UBND thành phố “… xử lý dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép ở số 3 phố Lý Thái Tổ, buộc khôi phục tình trạng ban đầu để đảm bảo an toàn công trình nhà này, tránh gây hậu quả, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của công dân”.
Cấp dưới “kháng” lại cấp trên
Tưởng vụ việc sẽ được giải quyết dứt điểm, thế nhưng đến cuối năm 2012, Thanh tra Bộ Xây dựng và quận Hoàn Kiếm lại cho rằng việc xử lý xây dựng không giấy phép của gia đình ông Quang nên áp dụng Điều 121 của Luật Xây dựng. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm đề nghị giải quyết vụ việc này theo quyết định của UBND thành phố từ năm 2006 chứ không theo Quyết định 43/QĐ-UBND ngày 4/1/2012 bởi vì theo chính quyền quận thì công trình không có giấy phép này “đã hoàn thiện và sử dụng ổn định 10 năm, không gây bất tiện cho các hộ khác”.
Đây là một nhận định hoàn toàn sai thực tế (vì công trình xây dựng trái phép trên đất chung và riêng của người khác đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Một công trình xây dựng không có giấy phép liên tục bị khiếu kiện suốt 10 năm, sao có thể gọi là “sử dụng ổn định” và “không gây bất tiện”?
Trong quá trình giải quyết vụ kiện, quận Hoàn Kiếm và Sở Xây dựng luôn đưa ra những lý do khác nhau để không thực hiện Quyết định 43 của UBND thành phố. Tháng 5/2013, Thanh tra thành phố đề nghị hai cơ quan này có văn bản nói rõ Quyết định 43 của UBND thành phố có gì chưa đúng với pháp luật, nhưng mấy tháng sau hai cơ quan này vẫn “im hơi, lặng tiếng”.
Gần đây nhất, ngày 25/7/2013, Thanh tra thành phố lại chủ trì họp với các sở, ngành có liên quan, trong đó có cả đại diện Bộ Xây dựng về xử lý vụ việc này. Tại đây, Bộ Xây dựng cho rằng văn bản của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ là ý kiến tham gia của cơ quan chuyên môn để UBND thành phố tham khảo. Còn Sở Xây dựng thì đề nghị áp dụng Điều 121 Luật Xây dựng để xử lý, quận Hoàn Kiếm vẫn đề nghị xử lý theo văn bản từ năm 2006.
Kết luận buổi làm việc, Thanh tra thành phố khẳng định Quyết định số 43 ngày 4/1/2012 của UBND thành phố là đúng pháp luật và đã được đại diện các Bộ, sở, ban ngành tán thành. Ngày 3/9/2013, Thanh tra thành phố báo cáo UBND thành phố đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 43 của UBND thành phố để xử lý dứt điểm vụ khiếu kiện kéo dài này.
Đến lúc này thì liệu quận Hoàn Kiếm, với sự “a dua” của Sở Xây dựng, có còn “mẹo” gì để cản trở việc thực hiện Quyết định của thành phố không? Hành vi cố tình dây dưa trong giải quyết vụ việc không những làm mất niềm tin về hiệu lực của chính quyền ở Thủ đô mà còn khiến dư luận phải đặt câu hỏi về sự tiêu cực của cán bộ trong cơ quan nhà nước. Nếu cấp dưới cứ “kháng” lại cấp trên thì còn gì là kỷ cương của một Nhà nước pháp quyền?.
KTNT