Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024 | 21:6

Thịt nhập 'đe dọa' ngành chăn nuôi

Số lượng thịt nhập lậu theo báo cáo của Bộ NN&PTNT có thể lên tới hàng chục triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, heo sống nhập lậu ồ ạt về Việt Nam. Dù có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống sản phẩm chăn nuôi nhập lâu, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc một số khó khăn.

Việt Nam chi khoảng 1,4 tỉ USD để nhập khẩu hơn 600.000 tấn thịt các loại

Theo Cục Thú y, Việt Nam đã chi khoảng 1,4 tỉ USD để nhập khẩu hơn 600.000 tấn thịt các loại. Đó là con đường chính ngạch. Còn số lượng thịt nhập lậu theo báo cáo của Bộ NN&PTNT có thể lên tới hàng chục triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, heo sống nhập lậu ồ ạt về Việt Nam.

Thông tin từ C05 (Bộ Công an) cho biết tình trạng nhập lậu động vật và sản phẩm động vật qua biên giới diễn biến phức tạp. Qua trinh sát ở 20 tỉnh biên giới mới đây, cơ quan này phát hiện có tình trạng nhập lậu rất nhiều gà Thái Lan, Hàn Quốc.

Ví dụ như ở Thái Lan, giá thành gà đẻ thải loại chỉ 20.000 đồng/con, gà này tiêm quá nhiều hormone, độc hại nên các nước không dùng làm thực phẩm cho người nhưng rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt nhập gà thải loại này về bán với giá từ 40.000 đến 60.000 đồng/con.

Trong các quý tiếp theo của năm 2024 Việt Nam phấn đấu xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Hùng Khang.

Tương tự, thịt lợn cũng vậy, như ở Thái Lan chỉ 37.000 đồng/kg, về đến Bình Phước và Quảng Trị là 42.000 đồng/kg, trong khi lợn hơi trong nước 50.000 đồng/kg.

"Giải mã" thịt giá rẻ ngập tràn chợ mạng, đã có những ý kiến cho rằng thịt giá rẻ này chính là bò Sal - loại bò được nuôi bằng Salbutamol – một loại chất cấm trong chăn nuôi, để tăng trọng và tạo nạc. Ông Lê Đình Huệ - Chị cục trường Chi cục Thú y vùng 3 cũng cho rằng: không loại trừ nhập lậu liên quan đến việc né kiểm dịch dịch bệnh hay sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Việc này ảnh hưởng đến kinh tế, ngành chăn nuôi và sức khỏe người tiêu dùng.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết: gà thải loại vốn dĩ sẽ được nghiền ra để làm phân bón hoặc là thức ăn cho gia súc ở nước sở tại. Nhưng do nhu cầu người tiêu dùng thích giá rẻ, nó đã được nhập về Việt Nam để làm thực phẩm. Ông cũng cảnh báo thêm là hiện còn có bò sữa thải loại được vỗ béo rồi bán sang Việt Nam. Và không có cách nào phân biệt được loại bò này với bò thông thường.

Việc chi hàng nghìn tỷ đồng để nhập khẩu thịt không cẩn thận có thể sẽ biến nước ta thành quốc gia nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi và việc không kiểm soát được thịt nhập lậu, Việt Nam cũng nguy cơ trở thành “bãi rác” nông nghiệp. Việc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là điều tất yếu. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý.

“Chúng ta mới chỉ ngăn chặn bằng phạt hành chính, tiêu hủy thì chưa đủ mạnh, trong khi khi việc này liên quan đến sức khỏe con người, dịch bệnh trên đàn gia súc. Phải nhìn lại quản lý chứ không phải lỗi của doanh nghiệp”, ông Hoàng Trọng Thủy nêu.

Vì vậy, theo ông cần thiết phải có chính sách thương mại hạn chế nhập các loại thịt, nhất là các sản phẩm thịt kém chất lượng, thải loại, kiểm tra kỹ hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Còn với con đường nhập lậu thì vấn để xử phạt là đặc biệt quan trọng.

Xem xét lại quy trình nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Lào

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đầu năm nay, nhìn chung hoạt động chăn nuôi ổn định, về cơ bản không có biến động, tình hình dịch bệnh vật nuôi được kiểm soát. So với cùng kỳ các năm trước, ngành chăn nuôi có được kết quả ấn tượng, tăng 4,8%.

Trong những quý tiếp theo, ngành chăn nuôi trong nước muốn đạt được kết quả cao theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, các địa phương khu vực biên giới cần tăng cường công tác ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tội phạm về nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm, đặc biệt là gà đẻ loại thải ở biên giới phía Nam.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Sơn cho biết tại hai cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình và cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tỉnh Nghệ An. Ước tính, mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại nhập lậu từ biên giới Việt - Lào, tương đương 720 tấn/tháng, trong đó, nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan.

Ông Sơn cũng cho biết thêm về tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng được nhập khẩu chính thức sản phẩm gia cầm do có nuôi gà ở Thái Lan đã trà trộn thêm gà đẻ thải loại để đưa vào trong nước tiêu thụ, điều này rất nhức nhối.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm đề xuất, cần kiểm soát ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cả chính ngạch và nhập lậu. Với nhập khẩu chính ngạch, hiện nay Bộ NN-PTNT đang giao Cục Thú y sửa đổi Thông tư 25/2016. Đây là cơ hội để rà soát lại và bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài. Nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: Chúng ta không thiếu thực phẩm, sản xuất trong nước đã đủ. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi tăng trưởng từ 3 - 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu.

Về công tác phòng chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y đã chỉ ra một số bất cập. Đó là hiện nay chúng ta đang có Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào, trong đó quy định vật nuôi được sản xuất bởi cư dân tại các huyện biên giới của Lào được miễn tất cả các loại giấy phép, miễn kiểm dịch khi vào Việt Nam.

Quy định này có nguy cơ tạo kẽ hở và cần được sửa đổi để bảo đảm an toàn đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.

"Ở trong nước, giữa các tỉnh đều yêu cầu phải kiểm dịch, nhưng giữa Lào và Việt Nam lại không yêu cầu kiểm dịch, miễn hết giấy tờ. Vậy, làm sao chúng ta ngăn được? Chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Bộ cử đầu mối làm việc với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để khẩn trương sửa hiệp định này.

Bởi nếu không cẩn thận, các sản phẩm chăn nuôi đi lòng vòng từ các nước như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… tập trung về Lào rồi vào Việt Nam thì không ngăn chặn được," ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đạt được nhiều kết quả quan trọng trong Quý I.

Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh còn rất lớn, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh vẫn còn hạn chế, chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Để làm được điều đó, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu.

Với đề xuất thiết lập hàng rào kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã ký hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA). Luật Chăn nuôi cũng quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nếu tự thiết lập hàng rào kỹ thuật sẽ dẫn đến phản ứng của các nước. Các nước đã phản ứng rằng tại sao Việt Nam đã tham gia WTO, ký kết 19 FTA… giờ tại sao Việt Nam lại làm khác và yêu cầu giải trình, ông Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang theo cơ chế thị trường và đề nghị các nước công nhận là nền kinh tế thị trường. Vì thế, không thể đặt ra sân chơi riêng mà vi phạm hoặc xung đột với các điều ước đã ký kết.

Cục trưởng Cục Thú y cũng cho hay, thực tế thời gian qua, chúng ta đã làm chặt một số quy định liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Đơn cử như năm 2023 Cục đã ban hành 145 văn bản gửi 58 quốc gia liên quan đến việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam, yêu cầu rà soát một cách toàn diện tất cả những hàng nhạy cảm, phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm tiếp tục ban hành 120 văn bản gửi 50 quốc gia.

Cục Thú y cũng trình Bộ trưởng ký các quyết định thanh tra. Dự kiến năm nay hàng chục doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật sẽ bị thanh tra.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Thú y cũng cho rằng cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó cho phép định kỳ, đột xuất đi thanh tra, kiểm tra dịch bệnh, bổ sung chỉ tiêu an toàn thực phẩm vào sản phẩm nhập khẩu.

Khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật

Nói về vấn đề này, các hội, hiệp hội ngành chăn nuôi cho rằng, đối với nhập khẩu chính ngạch, cần khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi; trong đó có vấn đề tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng các cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào Việt Nam. Đây là kinh nghiệm đã được nhiều nước áp dụng, điển hình là Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… và rất hiệu quả. Ví dụ, họ đưa ra các yêu cầu về xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao hay mỗi nước trung bình chỉ cho phép có từ 3-5 cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không là được phép nhập khẩu vật nuôi sống mà thôi. Trong khi, Việt Nam chúng ta đang có tới trên 30 cửa khẩu các loại được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào trong nước.

Đối với nhập khẩu tiểu ngạch, cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu và sử dụng các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo hình thức này, vì sản phẩm chăn nuôi trong nước đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Mặt khác, Việt Nam có đường biên giới dài, các nước xung quanh chưa phải là những nước có công tác thú y, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ở một góc nhìn khác về việc lập hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm chăn nuôi, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là thành viên của Tổ chức Thú y Thế giới và đã ký 19 Hiệp định thương mại tự do. Luật Chăn nuôi cũng quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang theo cơ chế thị trường và đề nghị các nước công nhận là nền kinh tế thị trường, vì thế, không thể đặt ra “sân chơi” riêng mà vi phạm hoặc xung đột với các điều ước đã ký kết.

Cũng theo ông Long, đưa ra tiêu chí kỹ thuật là vấn đề “vô cùng khó”, vì từ trước tới nay, phần lớn chúng ta dựa vào tiêu chuẩn thế giới. Bây giờ, nếu đưa ra tiêu chuẩn cao hơn thì phải có bằng chứng khoa học, phân tích nguy cơ rủi ro, trong khi “mình làm sao giỏi hơn thế giới”.

Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã làm chặt một số quy định liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, song đã có nhiều quốc gia gửi văn bản phản ứng, đại diện Cục Thú y xác nhận. Để kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, Cục Thú y đã tăng cường xử phạt hành chính các vi phạm liên quan. Năm 2023, Cục ban hành 163 quyết định xử phạt với hơn 10 tỷ đồng; chỉ tính 3 tháng đầu năm nay, Cục ban hành 33 quyết định xử phạt với 3,6 tỷ đồng…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đối với doanh nghiệp và người chăn nuôi, trong thời điểm này cần tập trung nâng cao năng lực, công nghệ, tham gia vào các chuỗi liên kết giá trị, đặc biệt là hợp tác theo chuỗi giữa doanh nghiệp với nông dân. Chú trọng đến các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước và tiến tới xuất khẩu, phát triển các sản phẩm chăn nuôi đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn cao, có chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm… Đây là những tiền đề góp phần tăng sức mạnh nội lực cho các sản phẩm chăn nuôi đủ sức cạnh tranh trên “sân nhà” với các sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng với thế giới và khu vực. Năm 2023, Chính phủ đã ký quyết định ban hành 4 đề án phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030 gồm: Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; Đề án đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi. Ngoài ra, lần đầu tiên đất cho chăn nuôi tập trung có trong Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thông qua… những khó khăn của người chăn nuôi và doanh nghiệp luôn có sự đồng hành của các Hội, Hiệp hội, sự chia sẻ, chung tay vào cuộc của các Bộ, ban, ngành và toàn xã hội, tạo thuận lợi cho ngành chăn nuôi ngày càng phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tăng sức cạnh tranh trong thị trường nội địa và trên thế giới.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VOV2,nongnghiep, nhachannuoi...)
Ý kiến bạn đọc
Top