Hà Tĩnh cần linh hoạt, sáng tạo hơn trong phòng, chống dịch Covid-19
Đó là phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 và gặp mặt nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 do UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Qua 2 năm phòng chống dịch, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “thích ứng an toàn, linh hoạt”…, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Hà Tĩnh luôn đoàn kết, nỗ lực và hành động quyết liệt vì mục tiêu cao nhất là kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện hơn 11 nghìn ca mắc Covid-19 tại 13/13 huyện, thị, thành phố; điều trị khỏi bệnh gần 9 nghìn người; truy vết được hơn 40 nghìn trường hợp F1. Đặc biệt, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đi đầu, triển khai thành công việc cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà… có hơn 8.500 F0 được cách ly, điều trị hiệu quả tại nhà.
Cùng với giám sát, cách ly, điều trị F0, ngành y tế và chính quyền các địa phương cũng tăng tốc, quyết liệt trong việc triển khai tiêm vắc-xin cho người dân. Toàn tỉnh đã triển khai được 24 đợt tiêm vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên và 5 đợt tiêm cho trẻ. Trên 99% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất mũi 1, trên 98% đã tiêm mũi 2; trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc-xin, đạt 98%, tiêm đủ mũi 2 đạt 96%.
Hà Tĩnh đã chỉ đạo xây dựng, triển khai 4 phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR; kịp thời đào tạo cán bộ xét nghiệm, lấy mẫu trên toàn tỉnh; đảm bảo công suất xét nghiệm khoảng 10.000 mẫu/ ngày, thời gian trả kết quả từ 24h giảm xuống còn 8h. Ngoài ra cũng có hơn 260 cơ sở y tế thực hiện test nhanh tại tuyến xã, phường. Tổng số mẫu xét nghiệm PCR đã thực hiện đến nay là gần 800.000 mẫu.
Chuẩn bị được hơn 300 cơ sở cách ly tập trung ở cả 3 cấp, với quy mô hơn 20.000 giường, đã tiếp nhận cách ly kịp thời hơn 10.000 người nhập cảnh trong giai đoạn đầu của dịch. Toàn tỉnh đã thực hiện quản lý, cách ly tập trung cho hơn 52 nghìn người. Thực hiện 4 đợt tiếp nhận với hơn 4.000 công dân từ các tỉnh bùng phát dịch ở miền Nam trở về địa phương. Tất cả các công dân được tỉnh đón đều miễn phí xe, vé tàu và hỗ trợ 2 lần xét nghiệm SARS-CoV-2.
Toàn tỉnh thành lập gần 10.000 tổ tuyên truyền, giám sát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà để truyền thông, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, toàn tỉnh đã quản lý, hướng dẫn theo dõi sức khỏe/cách ly tại nhà cho trên 300.000 lượt người, trong đó trên 44 nghìn người đến/về từ vùng có nguy cơ cao.
Linh hoạt, sáng tạo hơn trong công tác phòng, chống dịch
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chúc mừng, tri ân đội ngũ thầy thuốc trong toàn tỉnh thời gian qua đã cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Trong điều kiện nhân lực có hạn, thiết bị y tế thiếu thốn, vừa phải tập trung khám chữa bệnh cho nhân dân, vừa phải tập trung phòng, chống dịch và chữa trị các ca bệnh F0. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí đã đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Hoàng Trung Dũng lưu ý, theo dự báo, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, yêu cầu cả hệ thống chính trị nhất quán quan điểm lấy mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Tập trung khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, duy trì trạng thái bình thường mới trên địa bàn toàn tỉnh với tư duy, hành động linh hoạt, sáng tạo hơn trong công tác phòng, chống dịch; thích ứng nhưng phải an toàn. Các ngành, địa phương và người dân tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả các quy định và tránh máy móc trong công tác phòng, chống dịch.
Tăng cường xã hội hóa nguồn lực phòng, chống dịch, vắc-xin, thuốc điều trị, kit xét nghiệm với biện pháp thích hợp vào từng thời điểm. Chủ động các điều kiện y tế để sẵn sàng thu dung, điều trị khi số bệnh nhân chuyển nặng gia tăng. Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện theo dõi, quản lý F0 tại nhà.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phản bác những thông tin phiến diện, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn về công tác phòng, chống dịch, việc tiêm chủng vắc-xin, về thuốc điều trị Covid-19 để trục lợi...; chủ động điều tiết cán bộ tại các trạm y tế về thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên.
Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, ông Dũng đề nghị các ngành, các cấp tập trung cao nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; bám sát 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có chủ trương, quyết định đầu tư, đã khởi công; triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ các xã, huyện khó khăn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời định hướng dư luận xã hội trước tình hình dịch bệnh...
Không chủ quan, lơ là, sẵn sàng phương án ứng phó với dịch bệnh
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ghi nhận những nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh, nhất là vai trò của đội ngũ cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch nên tỉnh nhà đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, kinh tế - xã hội có bước phát triển, Quốc phòng, An ninh được đảm bảo.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên thời gian tới các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đánh giá chính xác cấp độ dịch trên toàn tỉnh, đặc biệt của cấp xã theo quy định. Đảm bảo an toàn Covid-19 để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cung cấp dịch vụ, hoạt động dạy/học...bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Các địa phương và cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ô xy y tế, nhân lực để tiếp nhận điều trị, chăm sóc các trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn để đáp ứng phù hợp khi tình hình dịch bệnh thay đổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp diễn biến nặng và tử vong.
Tập trung triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin; chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi có quyết định của Bộ Y tế. Tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, giám sát cộng đồng, thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, giám sát sự biến thể của vi rút SARS-CoV-2.
Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, kít, test xét nghiệm, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân, bảo đảm ô xy y tế phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BVĐK tỉnh, nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi.
Các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là; phát huy tối đa vai trò các tổ tuyên truyền, giám sát phòng, chống dịch bệnh tại các thôn, TDP, các tổ an toàn Covid-19 tại các nhà máy, xí nghiệp; sẵn sàng cơ sở vật tư, nhân lực ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
Cũng tại Hội nghị Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh Công bố Quyết định của Chủ tịch nước và trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 58 tập thể, 173 cá nhân và 01 gia đình có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chiều 7/10, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, cơ quan này đã ra thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 25, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong các ngày 28 và 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 46. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.