Theo các nhà khoa học, ĐBSCL là vựa lúa, thủy sản, trái cây cung cấp cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn làm thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ làm thay đổi một cách căn bản cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ĐBSCL. Do đó, ứng dụng hiệu quả trang thiết bị, khoa học và công nghệ vào sản xuất là vấn đề hết sức cấp thiết để hiện đại hóa ngành nông nghiệp và đảm bảo thu nhập cho người nông dân.
Còn nhiều rào cản
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL có sự phát triển không đồng đều giữa các khâu sản xuất. Trong khi đó, ngành chế tạo máy nông nghiệp của vùng còn yếu kém. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ cũng là rào cản lớn cho đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Bởi quy mô sản xuất nhỏ, lẻ sẽ khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chi phí sản xuất cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp…
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL. Ảnh: MINH HUYỀN
Về xuất khẩu, ĐBSCL chiếm từ 90-95% sản lượng gạo, 50% sản lượng trái cây và 60% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: “Xuất khẩu nông thủy sản của các doanh nghiệp ở ĐBSCL sẽ vấp phải các rào cản kỹ thuật, hàng rào thuế quan ngày càng nhiều từ các đối tác nhập khẩu. Sản xuất của nông dân phải làm thế nào nâng cao chất lượng, nếu chỉ làm theo tập quán cũ sẽ thất bại, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng và sự tiến bộ của thị trường. Cách mạng kỹ thuật 4.0 là cuộc cách mạng làm thay đổi toàn diện thế giới. Do đó, các tiêu chuẩn về tiến bộ khoa học kỹ thuật và những rào cản càng ngày càng nhiều hơn buộc doanh nghiệp và nông dân phải cố gắng vượt qua, nếu không vượt qua được chúng ta sẽ bị lạc hậu, đào thải theo quy luật”.
Các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL không còn dư địa để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất lúa với trình độ khoa học công nghệ như hiện tại. Bên cạnh đó, lao động trong nông nghiệp ngày một giảm. Cơ giới hóa nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp song việc đầu tư của nông dân còn rất hạn chế. Ông Hoàng Thanh Liêm, Chủ cơ sở Hoàng Liêm xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ là một trong những kỹ sư có nhiều sáng chế phục vụ cho nông dân, chia sẻ: “Thời gian qua, tôi có nhiều sản phẩm sáng tạo ra đã được hội đồng khoa học đánh giá cao và có giải thưởng cao. Mong muốn của tôi là làm sao giảm bớt vất vả cho nông dân sản xuất lúa. Thế nhưng, vấn đề ứng dụng để chuyển giao cho nông dân còn nhiều khó khăn. Việc quảng bá chuyển giao công nghệ không được thực hiện tốt. Khi sản phẩm ra thị trường nông dân không có vốn để đầu tư nên ứng dụng còn rất hạn chế”.
Phát triển dịch vụ cơ giới trong nông nghiệp
Để ứng dụng hiệu quả trang thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, cần phải đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi; cần mở rộng diện tích canh tác và tăng quy mô sản xuất của nông hộ. Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho rằng: Ngành chế tạo máy nông nghiệp trong nước còn nhỏ lẻ và thiếu tính bền vững nên nhà nước cần có chiến lược quốc gia để phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cho các chương trình đào tạo cán bộ nghiên cứu cơ giới hóa nông nghiệp tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy mạnh việc hình thành các nhóm dịch vụ cơ giới ở nông thôn; thành lập các trung tâm đào tạo cấp vùng để huấn luyện việc sử dụng, bảo trì và sửa chữa thiết bị nông nghiệp. Tổ chức đánh giá và tuyển chọn các thiết bị nông nghiệp phù hợp cho từng vùng sản xuất để khuyến cáo nông dân sử dụng.
Ngày 3-11-2016, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND “Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu chung của Kế hoạch là xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu về tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố luôn quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, không những trên cây lúa mà còn mở rộng ra các loại cây trồng khác. Để đẩy mạnh cơ giới hóa, quan trọng nhất là hình thành các tổ dịch vụ cơ giới trong nông nghiệp. Theo Kế hoạch số 124, đến năm 2020, trên địa bàn thành phố sẽ hình thành 15 tổ, nhóm dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa và 3 tổ nhóm dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất rau màu. Qua các thông tin sơ bộ về việc xây dựng các tổ, nhóm dịch vụ này, các công ty, viện trường có liên quan có thể nghiên cứu kế hoạch này và nếu quan tâm có thể phối hợp thực hiện cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố.
Thực tế cho thấy, nông dân muốn đầu tư máy móc, trang thiết bị để cơ giới hóa khâu sản xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, kỹ năng vận hành còn hạn chế. Với diện tích sản xuất nhỏ lẻ, nông dân sẽ không khai thác hết công suất của máy móc đã đầu tư. Vì thế, sự tham gia của nhà nước và doanh nghiệp để hình thành các tổ, nhóm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp sẽ góp phần hài hòa bài toán đầu tư, phân công lao động hợp lý. Từ đó, tạo điều kiện để cơ giới hóa được thực hiện đều khắp ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất và vẫn đảm bảo lợi nhuận của các bên liên quan.
Theo MINH HUYỀN/Báo Cần Thơ
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.