Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 4 năm 2017 | 2:35

Hiệu quả kinh tế của cây cao su ở Tây Bắc: Vẫn là ẩn số!

Khi mới triển khai, dự án trồng cao su ở vùng Tây Bắc được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đổi thay cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Tuy nhiên, do tác động của suy thoái thị trường, của những yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, giá và năng suất mủ cao su không được như kỳ vọng, kéo theo những tác động không nhỏ đối với cuộc sống của bà con khi thiếu việc làm, thu nhập giảm đáng kể.

Mô hình trồng dứa xen cao su tại Mường Chà - Điện Biên.

“Bóng đen” từ suy thoái thị trường

Thời điểm năm 2007, cây cao su được kỳ vọng sẽ biến thành “vàng trắng” cho vùng Tây Bắc. Dù  nhiều nhà khoa học đã phản biện về sự phát triển quá “nóng” có thể dẫn đến những hệ lụy nhưng nhiều địa phương vẫn mở rộng quy hoạch trồng cao su, dù không biết nó có hợp với khí hậu, thổ nhưỡng hay không. Thậm chí, có những địa phương không thể trồng được cao su như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… cũng thử nghiệm trồng với những giống cao su chịu được lạnh.

Cứ như vậy, như hiệu ứng dây chuyền, diện tích trồng cao su mấy năm sau đó tăng chóng mặt. Tính đến năm 2014, diện tích trồng cao su cả nước đạt gần 979.000ha, vượt quy hoạch theo Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 2/6/2009 về quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 gần 179.000ha. Và khi các địa phương, doanh nghiệp “hăm hở” vào cuộc trồng cao su, chắc không ai nghĩ có một ngày giá mủ cao su sẽ chạm đáy.

Báo cáo “Liên kết giữa công ty và hộ để phát triển các vườn cao su tại Việt Nam: Cơ hội và rủi ro từ thị trường” của nhóm tác giả: Tô Xuân Phúc, Đặng Việt Quang (Tổ chức Forest Trends) trên cơ sở khảo sát thực tế tại các vùng trồng cao su ở Sơn La cho thấy, giá mủ cao su giảm đã tác động mạnh và trực tiếp đến đời sống công nhân (phần lớn là những người dân địa phương).

Theo đó, trong bối cảnh giá mủ trên thị trường giảm mạnh, công ty cao su đã phải cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách giảm số ngày công chăm sóc, cạo mủ và giảm lượng phân bón sử dụng. Theo thống kê, trước suy thoái, theo định mức lao động của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quy định, mức chi trả là 120.465 đồng/ngày công. Tuy nhiên, chi phí nhân công lao động cho 1ha cao su trồng mới (như tại Mường Bú, Mường La - Sơn La) giảm từ 16,56 triệu đồng (năm 2009) xuống còn 4,28 triệu đồng/ha (năm 2014). Chi phí lao động hiện nay giảm chỉ bằng khoảng 25% chi phí lao động của những năm đầu mới trồng, trước thời điểm suy thoái.

Công ty cũng cắt giảm chi phí sản xuất thông qua việc giảm lượng phân bón và áp dụng phun thuốc trừ cỏ thay cho việc làm cỏ thủ công. Theo định mức của Tập đoàn, tổng lượng lao động yêu cầu cho các hoạt động này là 35,5 ngày/năm, trong khi mức áp dụng thực tế của doanh nghiệp hiện chỉ còn 17,5 công, giảm 50% so với định mức kỹ thuật yêu cầu.

Cắt giảm lượng lao động cho các hoạt động chăm sóc cây cao su ngay lập tức tác động trực tiếp tới công nhân, bao gồm nhiều hộ dân có người làm công nhân tại liên doanh. Một số công nhân than phiền: “Do số ngày công giao khoán ít nên thu nhập hiện tại thậm chí không đủ để đóng bảo hiểm”. Nếu như từ năm 2012 trở về trước, thu nhập bình quân của công nhân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng thì nay giảm còn 350.000 đồng/người/tháng, giảm hơn 80% so với trước đây.

Thu nhập thấp, một số hộ đã xin nghỉ làm công nhân. Kết quả khảo sát tại Đội cao su Ít Ong và Mường Bú cho thấy, số lượng công nhân tại 2 đội này năm 2016 lần lượt giảm 11,7% và 54,3% so với thời điểm năm 2011. Ông Lường Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bú thừa nhận một thực tế, lương công nhân cao su tại địa phương giảm đáng kể sau 3 năm kiến thiết vườn, và hiện giờ thì hầu như không có lương vì “không có việc”. Cũng theo ông Hồng, diện tích cao su trên địa bàn hiện chưa cho mủ dù đã vào giai đoạn khai thác.

TS.Tô Xuân Phúc cho biết, khi thị trường tiêu thụ mủ cao su chưa sụt giảm, bình quân mỗi lao động của hộ làm việc tại công ty có nguồn thu trên 20 triệu đồng/năm. Hàng năm, công ty đều có các khoản thưởng (ví dụ thưởng vào các dịp lễ, Tết) tương đương với khoảng 3 - 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu khi mới trồng cao su (3 năm đầu), công ty đồng ý cho các hộ góp đất được trồng xen các loại cây trồng khác trên vườn cao su (mang lại nguồn thu khoảng 10 triệu đồng/năm). Thị trường suy thoái, công ty cắt giảm chi phí sản xuất, bao gồm cả số lượng ngày công lao động cho các hoạt động chăm sóc và bảo vệ vườn cây. Điều này tác động trực tiếp đến thu nhập của hộ. Hiện tượng nợ lương công nhân và chậm trả thẻ bảo hiểm y tế đã bắt đầu xuất hiện. Số liệu điều tra thực địa năm 2016 cho thấy, nguồn thu trung bình của mỗi hộ góp đất chỉ còn 4,21 triệu đồng/năm, chiếm 12,7% thu nhập của hộ trước khi thị trường suy thoái.

Điều đáng nói là, thu nhập từ việc chăm sóc cao su giảm nhưng nhiều hộ gia đình ở xã Mường Bú (Mường La) lại không tìm ra được nguồn sinh kế khác khi không còn đất sản xuất. “Đất đã góp cho công ty với thời hạn 50 năm, không thể lấy lại để trồng các cây trồng khác, trong khi chăn nuôi cũng khó khăn vì không được phép chăn thả”, một người dân than thở.

Hiệu quả kinh tế: Khó đoán

Trong báo cáo, TS.Tô Xuân Phúc và cộng sự cho rằng, cho đến nay, hiệu quả kinh tế của cây cao su tại Sơn La vẫn là ẩn số. Thực tế, tại Ít Ong, vườn cao su trồng năm 2007 bắt đầu cho cạo mủ năm đầu tiên, với năng suất ước tính 10,8kg mủ nước/ha/ngày (tương đương khoảng 0,271 tấn/ha/năm). Với mức năng suất này và với mức giá 32 triệu đồng/tấn thì công ty sẽ lỗ 52,97 triệu đồng/tấn mủ. Tuy nhiên, số diện tích cao su đã cho mủ không nhiều, nếu không muốn nói là quá ít.

Cây cao su trên đất Lai Châu.

Quyết định trồng cao su tại Sơn La được đưa ra dựa trên hiệu quả kinh tế được tính toán tại thời điểm giá mủ cao su đang cao (cuối 2010 và đầu 2011). Do vậy, viễn cảnh về lợi nhuận từ cao su được đánh giá rất lạc quan: “Hiệu quả kinh tế của cây cao su trồng tại Sơn La… khoảng 105 triệu đồng/tấn mủ, với mức giá này cho dù năng suất mủ cao su tại Mường La có xuống thấp nhất cũng đạt mức hòa vốn”.

Tuy nhiên, không ai ngờ giá mủ cao su giảm mạnh từ năm 2012. Đầu năm 2016, giá mủ cao su trong nước trung bình đạt 32 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, nếu hạch toán kinh tế theo định mức công chăm sóc, cạo mủ và năng suất mà tập đoàn kỳ vọng (1,5 tấn mủ/ha/năm) thì công ty sẽ lỗ khoảng 2,3 triệu đồng/tấn mủ. Nhưng thực tế, năng suất mủ ở Sơn La hiện chỉ đạt 0,271 tấn/ha/năm, như vậy khoản lỗ lên đến 53 triệu đồng/tấn mủ.

Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của cây cao su không được như kỳ vọng đã và đang tác động trực tiếp tới mối quan hệ giữa người dân và công ty cao su. Một số hộ dân đã có nguyện vọng lấy lại đất trong liên doanh để trồng các loại cây khác; số khác bắt đầu mất dần ý thức bảo vệ vườn cao su. Hiện tượng chăn thả trâu, bò vào vườn cao su đã xuất hiện.

Khi cây cao su bị “thất sủng”, người dân lại có dịp so sánh với những cây trồng khác như ngô, sắn. Tại Mường Bú, sắn đã trở thành một trong những loại cây trồng ưu tiên của địa phương. Theo ước tính, năng suất của sắn giống lai đạt 25 tấn/ha, tương đương với 25,5 triệu đồng/ha lợi nhuận sau khi trừ chi phí. Mức thu nhập này cao hơn 1,5 lần so với thu nhập từ cao su. 

Tương tự đối với cây ngô, theo tính toán của các hộ dân tại Mường Bú thì 1ha có thể cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Trong khi đó, nếu trồng cao su và đạt được năng suất mủ như thiết kế trong quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (1,3 tấn/ha), với giá mủ cao su hiện nay là 32 triệu đồng/tấn thì nguồn thu đạt khoảng 17 triệu đồng/ha, tương đương 70% thu nhập từ 1ha ngô hoặc sắn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, năng suất mủ cao su quá thấp thì nguồn thu chỉ bằng 20% so với ngô, sắn; trong khi kỹ thuật canh tác cao su phức tạp hơn rất nhiều.

Cần đánh giá toàn diện

 Trên cơ sở những khảo sát tại địa phương, TS.Tô Xuân Phúc kiến nghị, cần có đánh giá toàn diện mô hình góp đất trồng cao su hiện nay trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Các kết quả đánh giá này nên được thực hiện liên tục, với kết quả nên được sử dụng bởi các cơ quan quản lý để làm nền cho việc xác định chiến lược giúp các hộ giảm thiểu rủi ro mà thị trường có thể đem lại. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần rà soát toàn bộ hiện trạng sử dụng đất trong mô hình cũng như nguồn đất canh tác còn lại của các hộ. Kết quả của rà soát sẽ giúp cho việc xác định các vấn đề có thể là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến các mâu thuẫn về đất đai và bất ổn xã hội trong tương lai. Đối thoại mở với sự tham gia của cả công ty, người dân tham gia mô hình và chính quyền địa phương cần được tiến hành, từ đó đưa ra các hướng giải pháp với sự đồng thuận của tất cả các bên.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS.Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng) cho rằng, đến nay, vẫn chưa có một tổng kết khách quan, toàn diện của các địa phương, doanh nghiệp, ngành chức năng về dự án trồng cao su ở Tây Bắc, để có thể thấy những mặt đã làm được những việc chưa làm được, để từ đó có giải pháp tháo gỡ. 

Khánh Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top