Trồng cây ăn trái theo hướng an toàn sinh học là xu hướng tất yếu, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững và nhu cầu thị trường hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Mười Một ở xã Tân Bình (Châu Thành - Đồng Tháp) thành công với mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã và đang được nhân rộng trên địa bàn.
Vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Mười Một rộng hơn 8.000m2, cây đã được 3 - 4 năm tuổi và đang cho thu hoạch. Để vườn bưởi luôn xanh tốt, ông áp dụng quy trình sản xuất an toàn sinh học, đặc biệt là các loại phân hữu cơ sử dụng đều được ông ngâm, ủ tận dụng từ các loại phế phẩm từ đậu nành, chuối, khóm (dứa). Hầu hết các nguyên liệu này đều được tận dụng, thu gom từ các chợ, cơ sở sản xuất sản phẩm từ đậu nành. Phân sau ủ được pha chế theo công thức, bón phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, cộng với việc sử dụng dầu khoáng để phun ngừa bệnh hại và thường xuyên tẩy rửa rong rêu trên thân cây. Chính vì vậy, vườn bưởi của ông lúc nào cũng xanh tốt, hạn chế được nhiều loại sâu bệnh, kể cả bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi.
Ngoài ra, việc sử dụng các loại phân hữu cơ là điều kiện thuận lợi để cho trái chuyền liên tục trên cây mà không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái và dinh dưỡng của cây nên vườn bưởi của ông luôn có trái và thu hoạch đều đặn quanh năm.
Một vấn đề đặt ra hiện nay trong các mô hình sản xuất hữu cơ, sinh học là đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ của ông Nguyễn Văn Mười Một bước đầu đã tiếp cận được thị trường từ phía các doanh nghiệp và được bao tiêu sản phẩm.
Theo tính toán của ông thì mỗi năm, vườn bưởi cho sản lượng 32.000kg, bán với giá bình quân 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình ông còn lợi nhuận gần 700 triệu đồng.
Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất của ông Nguyễn Văn Mười Một còn mang lại nhiều lợi ích xã hội như tạo việc làm ổn định cho 7 lao động; giúp đỡ, phổ biến kiến thức trồng bưởi an toàn sinh học cho hàng chục hộ dân để cùng mở rộng diện tích cũng như nâng cao chất lượng, sản lượng bưởi tại địa phương.
Song song đó, gia đình ông Nguyễn Văn Mười Một còn tích cực đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị hơn 50 triệu đồng/năm. Hàng năm, gia đình ông đều được công nhận Gia đình văn hóa, bản thân ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền và mới đây ông được Hội Nông dân huyện Châu Thành đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2021.