Tiếp tục những giải pháp đã triển khai trong năm 2016, quý I/2017, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, trong đó nổi bật là việc củng cố lại 13 Hội cấp xã, phát triển mới 108 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên con số 18.541 người, cấp mới 167 thẻ hội viên, củng cố và phát triển mới 64 tổ hợp tác và 6 hợp tác xã cây ăn trái, vận động thành lập tổ chức HLV ở hai huyện Tam Nông, Hồng Ngự.
Quýt vườn Lai Vung - Đồng Tháp.
Trong quý I, Ban chấp hành (BCH) tỉnh Hội đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD), Công ty Thanh Đồng tổ chức sơ kết dự án Biogas giai đoạn 1 (từ tháng 6/2015 - 12/2016) và tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án (từ tháng 1/2017 - 6/2018) ở các huyện, thị, thành phố còn lại trong tỉnh, với sự tham dự của 50 đại biểu.
BCH tỉnh Hội cũng thường xuyên tham gia, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị, đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức Hội cơ sở và kết nối với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu nông sản cho bà con, nhất là mặt hàng trái cây. Cùng với các ngành, các cấp Hội, tỉnh Hội đã tổ chức được 55 buổi tập huấn, 16 cuộc hội thảo với sự tham gia của 1.770 nhà vườn; 5 buổi báo cáo chuyên đề với 484 hội viên tham dự.
Một số Hội cơ sở cũng đã chủ động triển khai kế hoạch thông qua các buổi tập huấn, cụ thể như: HLV huyện Châu Thành phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y và một số công ty phân bón, thuốc trừ sâu tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái cho hội viên (13 cuộc/805 người tham dự). Hay như HLV huyện Cao Lãnh đã vận động, tổ chức cho nhà vườn sản xuất theo hướng an toàn, có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, với 4 cuộc trao đổi, 98 hội viên tham gia. Đồng thời Hội cũng vận động hội viên chuyển đổi 26ha khu vực trồng lúa kém hiệu quả sang làm vườn.
Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội, HLV huyện Lai Vung đã tổ chức huấn luyện quy trình VietGAP trên cây thanh long tại xã Phong Hòa; riêng cây có múi ở xã Vĩnh Thới được tổ chức Quacert đánh giá đạt yêu cầu 80%, đang chờ được cấp giấy chứng nhận với diện tích 46,65ha. Các cấp Hội cơ sở ở huyện Thanh Bình cũng đã tổ chức, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu hiện nay, kết hợp sử dụng hầm biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Hội còn vận động bà con thu gom, phân loại và tiêu hủy bao bì, vỏ chai thuốc BVTV.
HLV TP.Cao Lãnh tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tổ chức lại sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP, có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, tiếp tục sản xuất xoài rải vụ, tham dự các cuộc họp định kỳ của 11 tổ hợp tác, hướng dẫn cho các thành viên ghi chép sổ nhật ký sản xuất theo quy trình VietGAP, phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật họp tổ nhãn VietGAP xã Tân Thuận Đông để các chuyên gia kiểm tra các tiêu chí VietGAP.
HLV thị xã Hồng Ngự tổ chức vận động nông dân cải tạo vườn tạp, lấp ao, hầm nuôi, trồng không hiệu quả (920m2/3 hộ); chuyển sang nuôi, trồng các cây, con có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình. HLV huyện Thanh Bình đã vận động bà con cải tạo 0,1ha vườn tạp với 2 hộ tham gia, cải tạo ao hoang được 0,32ha/2 hộ, chủ yếu là trồng ấu.
BCH tỉnh Hội cùng với Chi nhánh phía Nam của Trung ương Hội tiếp tục tư vấn, huấn luyện cho nhà vườn ở các hội quán, tổ hợp tác, HTX về sản xuất trái cây theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP; chế biến xoài, nhãn, cây có múi, thanh long, tiêu thụ ở thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, huyện Lai Vung.
Tuy đạt được những kết quả khích lệ nhưng HLV Đồng Tháp vẫn gặp không ít khó khăn, khi một số Hội cơ sở chưa chọn được người có tâm huyết trong tổ chức, vận động, tập hợp hội viên, doanh nghiệp kết nối cho công tác chuyên môn. Phần lớn cán bộ Hội là người cao tuổi sức khỏe hạn chế, chế độ thông tin báo cáo không thường xuyên, điều kiện làm việc thiếu thốn. Các mô hình hợp tác, các tổ liên kết sản xuất còn rời rạc, chưa có kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, nên dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường.
Theo ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục củng cố, phát triển mới tổ chức Hội ở cấp cơ sở. Tiến hành vận động 3 đơn vị còn lại (huyện Tháp Mười, TP.Sa Đéc, huyện Tân Hồng) thành lập tổ chức Hội. Phát triển mới 100-200 hội viên trong quý II/2017; xây dựng 3 tổ hợp tác sản xuất trái cây theo hướng an toàn, Viet GAP; phối hợp với HLV các cấp tiến hành vận động và phát triển tổ chức Hội ở các xã điểm về xây dựng nông thôn mới; tiến hành tổ chức phát thẻ mới cho hội viên (300 - 500 thẻ).
Tiếp tục triển khai dự án biogas giai đoạn 2 đến các huyện, thị, thành phố còn lại của tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cải tạo vườn tạp, ao hoang, phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế VAC. Tiếp tục duy trì và phát triển mô hình kinh tế hợp tác, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn an toàn, sạch bệnh, gắn với chế biến, du lịch, vừa tạo được công ăn việc làm vừa tăng thu nhập cho hội viên, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
P.V
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.