Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 10 năm 2017 | 10:0

Hồ Hòa Bình xả lũ là bất khả kháng, lo ngại mua cà phê kiểu xã hội đen, Mỹ không mua hải sản không rõ nguồn gốc

Theo ngành chức năng, việc hồ Hòa Bình xả lũ là bất khả kháng. Trong khi đó, nhiều đại lý cà phê ở Tây Nguyên lo ngại tình trạng mua bán kiểu ép giá, Mỹ tuyên bố không mua hải sản không rõ nguồn gốc khiến doanh nghiệp lo lắng. 87 nông dân được vinh danh là điểm nhấn đáng hy vọng trong một tuần nhiều đau buồn vì mưa lũ.

Không mở cả 8 cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình sẽ là thảm họa đất nước

Việc xả lũ hồ Hòa Bình nhằm đảo bảo an toàn cho hạ du.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã chia sẻ như trên về việc vừa qua phải mở cùng lúc tới 8 cửa xả đáy tại thủy điện Hòa Bình, điều chưa từng có trong lịch sử.

“Theo quy trình vận hành, từ ngày 5 đến ngày 7.10 được tích đến cao trình 117 mét. Khi lũ về thì được phép xả 6 tiếng 1 lần. Nhưng tại điều 12 của quy trình vận hành, nếu tình huống khẩn cấp được xả cấp tập để đảm bảo an toàn cho công trình. Đối với thuỷ điện Hoà Bình vừa rồi cũng vậy, nếu hồ không an toàn thì thảm hoạ của đất nước. Tôi có ở hồ lúc đó, nước đã vượt qua cửa van tum, nếu các cây gỗ to va vào gây hư hại cửa van thì tác hại không lường được. Việc xả lũ vừa rồi hoàn toàn đúng quy trình", ông Hoài nói.

Còn đóng hồ Sơn La theo lý giải của ông Hoài, đây là hành động linh hoạt, chính xác. Vì nếu không đóng sẽ gây áp lực thêm cho hồ Hoà Bình, có thể khiến hồ này phải xả đến 9-10 cửa xả đáy. Đợt lũ này rất đặc biệt chỉ mưa khu vực hồ Hoà Bình, còn ở Sơn La thì lượng mưa ổn định. Hơn nữa đập Sơn La an toàn, vững chắc hơn có dung tích siêu cao, đảm bảo cắt lũ cho hạ lưu.

Phải tăng cường nguồn lực, tài chính để đối phó với thiên tai

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” tổ chức ngày 13/10.

Ông Cường cho biết, năm nay mưa bất thường, lượng mưa tăng gấp rưỡi mọi năm, đặc biệt có nhiều điểm lượng mưa, mực lũ còn cao hơn hẳn đợt mưa lũ lịch sử năm 1985. Do đó, theo Bộ trưởng, rất cần nguồn lực, tài chính để đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Phải có giải pháp chính sách và luật pháp là nền tảng cơ bản, phát triển nguồn lực nhân lực có chất lượng và ứng dụng khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công nghệ thông tin địa không gian, phục vụ công tác quản trị, điều hành, hỗ trợ kĩ thuật, từ đó nâng độ tin cậy và dịch vụ báo cảnh báo sớm thiên tai ở tất cả các cấp; sự cần thiết của công tác nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, diễn tập, thông tin, truyền thông và liên kết giữa quản lí, nghiên cứu, đào tạo, khu vực tư nhân, truyền thông, đồng thời tăng cường giải pháp tài chính, tăng cường nguồn lực nhiều hơn.

Trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần từng bước xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp thông minh, có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… Theo Bộ trưởng, để quản lý và giảm nhẹ thiên tai, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống, các cấp chính quyền một cách quyết liệt hơn, phải thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ", đó là lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Vinh danh 87 nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Tối 14/10/2017, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương tổ chức Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới” cho 87 nông dân cả nước. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam. Tới dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Các Nông dân xuất sắc lần này được lựa chọn dựa trên 4 tiêu chí cụ thể: Nông dân đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; Nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; Nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, chủ quyền quốc gia; Có sáng kiến, phát minh mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong thời chiến, giai cấp nông dân đã sẵn sàng cầm súng, sẵn sàng hy sinh xương máu vì đất nước; trong thời bình, họ lại chịu thương chịu khó, tích cực sản xuất, tham gia công nghiệp hoá, hiện đại hoá để xây dựng nước nhà giàu mạnh. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất, nhờ đó bà con làm ăn thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. Tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích của người nông dân Việt Nam đã đạt được trong những năm qua và chúc mừng thành tích to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam”. 

"Xã hội đen" đe dọa đại lý, ép giá mua cà phê tươi?

Việc đe dọa, ép giá mua cà phê khiến tình hình an tinh trật tự không đảm bảo.

Hiện nay, người dân khu vực Tây Nguyên bắt đầu bước vào mùa thu hoạch cà phê. Tuy nhiên, thay vì thu mua lành mạnh theo giá thị trường hay thuận mua vừa bán, ở một số nơi xuất hiện tình trạng thương lái dùng “chiêu bẩn” đe dọa các cơ sở thu mua nhằm áp đặt giá để mua cà phê tươi với giá rẻ hơn thị trường

Mới đây, xác nhận thông tin với báo chí, ông Trần Sỹ Hải - Chủ tịch UBND xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cho biết có thông tin một nhóm người lạ mặt đến xã với mục đích đe dọa không cho ai thu gom cà phê cao hơn giá họ đưa ra.

Theo phản ánh của người dân và một số chủ cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn xã Sa Loong, vào thời điểm đầu mùa, mặt hàng cà phê tươi đang rất “nóng” được nhiều người săn đón để mua. Tuy nhiên, một chủ cơ sở thu mua tại xã Sa Loong cho biết: “Dạo gần đây, trên địa bàn xã xuất hiện một người phụ nữ tên Mai Quế tìm đến để thu gom cà phê. Để một mình độc quyền thu mua, thao túng cả vùng, bà này cho đám “xã hội đen” mặt mày hung tợn, cởi trần, xăm đầy mình đến từng điểm thu mua nhỏ lẻ, để đe dọa, dằn mặt. Bà ấy yêu cầu tất cả các điểm thu mua cà phê tươi phải thu với giá 6.500 đồng/kg. Dù gom được ít hay nhiều cũng phải bán lại cho bà ta với giá 7.000/kg. Nếu người nào không thực hiện, bà Mai sẽ cho “xã hội đen” đến quậy phá không cho làm ăn”. Do giá cà phê đang lên cao mà bị các đối tượng này đe dọa, nên nhiều người e ngại, không dám đi thu mua cà phê của người dân.

Trước tình hình này, ông Hải cho biết đã chỉ đạo cho Công an xã Sa Loong xuống địa bàn kiểm tra, xác minh cụ thể từng hộ xem như thế nào. “Lần tới, nếu phát hiện chuyện đe dọa người thu gom cà phê trên địa bàn, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý ngay” - ông Hải nói.

Mỹ từ chối nhập hải sản không rõ nguồn gốc: Ngư dân thêm khó

Tàu đánh bắt nhỏ nên khó thực hiện việc báo cáo, lấy thông tin (chụp tại Lý Sơn, Quảng Ngãi).  Ảnh: Viết Thành

Từ đầu năm tới, thủy hải sản không rõ nguồn gốc đánh bắt khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị từ chối, theo quy định của Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam chỉ hơn 2 tháng nữa để chuẩn bị, trong khi rất nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ những yêu cầu, quy định của chương trình này.

Có 2 loại thông tin truy xuất nguồn gốc mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Đó là thông tin thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo qua hệ thống điện tử vào thời điểm nhập khẩu thông qua hệ thống số liệu thương mại quốc tế. Đồng thời, hồ sơ lưu về chuỗi lưu giữ, các tài liệu theo dõi sản phẩm từ khi thu hoạch đến thời điểm được đưa vào Mỹ phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong thời hạn 2 năm và cơ quan kiểm toán có thể yêu cầu trình xuất. 

Như vậy, sau EU, Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy hải sản thứ hai trên thế giới áp dụng chương trình giám sát thủy hải sản nhập khẩu, nhằm chống lại khai thác IUU.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP, phân tích: Khác với quy định về chống IUU của EU, chương trình SIMP của Mỹ chỉ áp dụng đối với các nhà nhập khẩu Mỹ. Tuy nhiên, các yêu cầu này vẫn phải xuất phát từ các nhà xuất khẩu, trong trường hợp có sự cố, chắc chắn sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường này.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

 

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top