Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 6 năm 2017 | 11:12

Hồ tiêu, những bất ổn ngay trong thời hoàng kim

Sau thời gian dài ở mức cao ngất ngưởng, thời điểm này, giá hồ tiêu đang hạ nhiệt khiến người trồng không khỏi lo lắng. Đây là hệ quả tất yếu của việc phát triển ồ ạt theo phong trào mà nếu không có những giải pháp cứng rắn, rất có thể, người nông dân sẽ phải chịu nhiều hệ lụy.

* Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hồ tiêu Việt.

Để ngành hồ tiêu giữ vững phong độ, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, không để người dân tự ý phát triển ngoài vùng quy hoạch.

Nhiều bất ổn

Theo TS. Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), những năm gần đây, diện tích trồng mới hồ tiêu tăng rất nhanh, năm 2001 cả nước có khoảng 35.300ha, năm 2010 khoảng 51.300ha, đến năm 2016 lên đến 124.529ha, kim ngạch xuất khẩu 1,422 tỷ USD. Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất hồ tiêu. Đến nay, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đến trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cả nước có 18 doanh nghiệp chế biến hồ tiêu lớn; 12 nhà máy xử lý bằng công nghệ hơi nước và 1 nhà máy xử lý bằng khí Ethylen Oxyt (ETO), có khả năng xử lý đạt 30% sản lượng xuất khẩu. Các doanh nghiệp còn lại chủ yếu gia công sơ chế lại sản phẩm bằng dây chuyền tách tạp chất và phân loại sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Theo ông Hiến, mặc dù đang trong thời kỳ hoàng kim nhưng trong nội tại ngành hồ tiêu vẫn đang tồn tại nhiều bất ổn. Năng suất hồ tiêu những năm gần đây không tăng do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2010 năng suất đạt 25 tạ/ha, năm 2015 đạt 26,1 tạ/ha, năm 2016 hạn hán xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ làm năng suất  giảm còn 24,4 tạ/ha.

Giá hạt tiêu năm 2016 có chiều hướng giảm sau khi lên mức cao kỷ lục năm 2015; vào tháng 7/2015, giá tiêu đạt mức cao nhất 11,33USD/kg tiêu đen và 16,50 USD/kg tiêu trắng tại thị trường New York (Mỹ); đến tháng 12/2016 giảm còn 7,98 USD/kg tiêu đen và 11,69 USD/kg tiêu trắng.

Ông Hiến cho rằng, việc diện tích hồ tiêu tăng quá “nóng” là một trong những bất ổn lớn nhất của ngành và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Hiện, diện tích hồ tiêu đã vượt xa so với quy hoạch (đã được phê duyệt tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT, ngày 27/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Việc sản xuất theo hướng an toàn, có chứng nhận chưa được thực hiện tốt. Khó hình thành vùng trồng tập trung lớn như cà phê, cao su nên khó đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện. Giống tiêu chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống, độ đồng đều không cao, dễ nhiễm sâu bệnh; kỹ thuật canh tác còn nhiều tồn tại về thiết kế vườn, bón phân, chăm sóc, chống úng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất bền vững.

Xây dựng vùng sản xuất tiêu sạch

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, với đặc thù 97% hồ tiêu của Việt Nam là dành cho xuất khẩu, hơn lúc nào hết, người sản xuất hồ tiêu của Việt Nam cần hết sức quan tâm tới diễn biến, tín hiệu của thị trường thế giới để định hướng sản xuất cho mình mới có thể tránh được rủi ro và đem lại lợi nhuận cho mình.

Thứ nhất, không phát triển thêm diện tích, chỉ trồng hồ tiêu ở những vùng canh tác thuận lợi cho hồ tiêu là yếu tố đầu tiên của sản xuất hồ tiêu thời gian tới góp phần giảm thiểu rủi ro do nguồn cung dư thừa.

Thứ hai, đối với những vườn tiêu đang phát triển, cần canh tác theo hướng bền vững không chạy theo năng suất cao, chú trọng biện pháp canh tác theo GAP, phòng trừ sâu bệnh theo IPM để giữ được vườn cây khoẻ, cây tiêu chống chịu được sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi sẽ giảm thiểu được sâu bệnh, từ đó hạn chế được việc phải sử dụng quá mức thuốc BVTV.

Thứ ba, hết sức quan tâm tới sản xuất đảm bảo chất lượng. Sản xuất hồ tiêu của Việt Nam tuy có cải thiện đôi chút  trong 2017 nhưng vẫn sẽ tiếp tục gặp trở ngại về vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hơn các nước khác như Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Ấn Độ,... do các nước đã có hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, quản lý sản xuất hồ tiêu bài bản, chặt chẽ hơn.

Đầu năm 2016, Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) đã công bố các tài liệu như tài liệu chất lượng tóm lược, hướng dẫn tổng quan về GAP cho gia vị và thảo dược trong đó có mặt hàng hạt tiêu. Song song với đó, ESA phản hồi lại cho các nhà xuất khẩu, các cơ quan quản lý nông nghiệp tại Việt Nam để thông tin và cùng phối hợp từ khâu sản xuất trên đồng ruộng, bảo quản trong kho và xử lý, chế biến trong các nhà máy.

ESA cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Gia vị Mỹ (ASTA), Hiệp hội Gia vị Canada (CSA), Hiệp hội Thương mại Gia vị Quốc tế (IOSTA) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) từng bước hỗ trợ sản xuất hồ tiêu Việt Nam đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn quốc tế.

Để triển khai những hoạt động mang tính bền vững trên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu đang phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, cơ quan khuyến nông trung ương và địa phương, các HTX, tổ nhóm nông dân để cung cấp kiến thức và tập huấn về quy trình sản xuất  tiêu sạch theo GAP để đảm bảo sản phẩm hồ tiêu sạch không chỉ trên đồng ruộng mà còn đảm bảo bảo quản, vận chuyển, xử lý đúng quy cách. Doanh nghiệp trực tiếp liên kết với nông dân sản xuất hồ tiêu thông qua các tổ chức của nông dân như tổ, CLB, HTX… để cùng nhau thống nhất quy trình sản xuất, kiểm soát từ đất, nguồn nước tới các khâu trong quá trình canh tác, thu hoạch, xử lý, chế biến, bảo quản,...  sao cho không còn tồn dư hoá chất mà các nước nhập khẩu không cho phép.

Một giải pháp khác có thể đáp ứng yêu cầu chất lượng hồ tiêu của các thị trường nhập khẩu, tạo ra một lượng lớn tiêu sạch mang tính bền vững cho cả vùng sản xuất lớn đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT, các sở Nông nghiệp và PTNT  phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cùng nông dân triển khai trong thời gian tới, đó là xây dựng vùng sản xuất tiêu sạch. Tại những vùng này, các bên cùng tham gia kiểm soát quy trình sản xuất, từ đó có thông tin rõ ràng, minh bạch về nguồn đất, nước, giống, phân bón, các loại thuốc BVTV,... sử dụng, trên cơ sở đó cấp mã số vùng trồng. Sản phẩm từ những vùng này sẽ được các doanh nghiệp xuất khẩu chào bán ở những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng nhưng chắc chắn sẽ cho giá trị cao hơn và dễ dàng tiêu thụ hơn.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chủ đề: “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững”, TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, để ngành hồ tiêu giữ vững phong độ, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, không để người dân tự ý phát triển cây hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch, đặc biệt những vùng không phù hợp, thiếu nước tưới, những vùng đã quy hoạch phát triển cây trồng khác.  Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và chuyển giao gói kỹ thuật canh tác đồng bộ phù hợp với từng loại đất, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Đẩy mạnh sản xuất giống hồ tiêu chất lượng, năng suất cao, thích nghi với điều kiện sinh thái.

Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời nâng cao năng lực quản trị của hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc. 

Tăng cường vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên liên kết với nông dân, tổ chức nông dân xây dựng vùng nguyên liệu liên minh, liên kết chi phối thị trường, thống nhất tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả.

Hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật các địa phương cần bám sát sản xuất hơn nữa, tăng cường tư vấn, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân sản xuất hồ tiêu phù hợp. Thực hiện chương trình khuyến nông theo hướng sản xuất bền vững, an toàn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn những quy trình kỹ thuật mới ban hành cho nông dân, giới thiệu và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả để bà con áp dụng.

Ông Hiến cho biết thêm, trước tình hình diện tích hồ tiêu tăng nhanh, Cục Trồng trọt tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị số 132/CT-BNN-TT ngày 8/1/2016 về việc kiểm tra, giám sát và quản lý phát triển sản xuất cây hồ tiêu; trong đó yêu cầu: Các tỉnh trồng hồ tiêu rà soát toàn bộ diện tích hồ tiêu trên địa bàn, diện tích trong quy hoạch, diện tích vượt quy hoạch. Vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát không để người dân tự ý phát triển cây hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch, đặc biệt là những vùng không phù hợp, thiếu nước tưới, những vùng đã quy hoạch phát triển cây trồng khác.

Ngoài ra, ông Hiến cho rằng, các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp lớn phối hợp, liên minh, liên kết chặt chẽ chung quanh Hiệp hội đóng vai trò chi phối thị trường, thống nhất tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả. Tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hồ tiêu nước ta. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hồ tiêu ở các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản; tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường tiềm năng ở Trung Đông và châu Phi. Tích cực xây dựng “chỉ dẫn địa lý hồ tiêu”, như “thương hiệu hồ tiêu Chư Sê” tại các vùng trồng tiêu nổi tiếng để tăng hiệu quả sản xuất.

Nguyên Hoa

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top