Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Từ chỗ giá tiêu trên thị trường lên đỉnh điểm 230.000 đồng/kg tại vườn vào năm 2015 khiến người trồng tiêu từng đua nhau phá rẫy cây trồng khác chuyển sang trồng tiêu, đến nay, giá thị trường giảm mạnh cùng với kỹ thuật canh tác kém, thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp, giống tiêu không đảm bảo chất lượng khiến nhiều người trồng tiêu lao đao.
Chính quyền địa phương vào cuộc
Theo Tổ chức Hồ tiêu quốc tế (IPC), ước tính sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2019 đạt hơn 494.200 tấn, giảm 5,6% so với năm 2018 (523.400 tấn).
Sản lượng hồ tiêu Ấn Độ cũng dự kiến giảm còn 47.000 tấn so với năm 2018 (64.000 tấn). Tuy nhiên, giá tiêu toàn cầu sẽ không tăng mạnh do Brazil đang bước vào vụ thu hoạch mới.
Ấn Độ, Malaysia là những quốc gia sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới cũng dự báo lâm vào tình thế giảm tăng trưởng đến 60% trong năm 2019.
Ngành hồ tiêu của Malaysia cũng đang đối mặt với sự suy giảm hơn nữa do sản lượng hồ tiêu thế giới tăng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ngành sản xuất hồ tiêu cũng ảm đạm không kém. Các tỉnh trồng tiêu nhiều nhất của khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong các tỉnh trồng tiêu của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước có diện tích hồ tiêu lớn nhất, 16.000ha, xếp thứ là tỉnh Gia Lai (hơn 17.700ha).
Thời điểm này, hầu hết các vườn tiêu khu vực Đông Nam Bộ vào vụ thu hoạch, nhưng giá tiêu xuống thấp, các chủ vườn khó thuê được nhân công thu hoạch tiêu. Vì vậy, chính quyền địa phương các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã có động thái hỗ trợ người trồng tiêu.
Theo ông Bùi Chí Thành, Bí thư huyện ủy, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hầu hết người dân trồng tiêu của huyện Châu Đức đều lâm vào khó khăn vì giá tiêu hiện nay chỉ 50.000 đồng/kg.
Với giá này, người trồng tiêu chỉ hòa vốn. Do đó, đa số người dân trồng tiêu đều không có kinh phí thuê người thu hoạch. Nếu không thu hoạch đúng thời điểm, cây tiêu sẽ bị suy kiệt, ảnh hưởng đến vườn tiêu sau này.
Huyện ủy huyện Châu Đức đã phát động lực lượng bộ đội tại Ban chỉ huy quân sự huyện Châu Đức giúp đỡ người dân thu hoạch tiêu tại địa phương này.
Ông Lê Quý Thịnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức chia sẻ, hưởng ứng lời kêu gọi này, đã có khoảng 600 nhân công là lực lượng bộ đội, cán bộ nhân viên từ các đơn vị của huyện Châu Đức hỗ trợ người dân thu hoạch tiêu.
Huyện Châu Đức có khoảng 7.400ha tiêu, diện tích cho thu hoạch là 6.200ha. Với sự giúp sức này, vụ tiêu 2018-2019 của huyện Châu Đức sẽ nhanh chóng kết thúc trong 15 ngày tới.
Lực lượng dân quân tự vệ giúp dân xã Quảng Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Còn ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê phân tích, qua theo dõi, cứ chu kỳ khoảng 10 năm thì giá hồ tiêu lại xuống đáy một lần do sản lượng hồ tiêu cung vượt cầu.
Hiện, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới cần khoảng 300.000 tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong năm 2018 là 232.000 tấn.
Hồ tiêu Việt Nam bán ra đã phải chiết khấu cho khâu lưu thông bán lẻ tới 50%, khâu chế biến 30%, còn nguyên liệu được 15-20%.
Như vậy, mặc dù nguồn cung của Việt Nam và thế giới đều tăng nhưng nông dân sản xuất tiêu là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngoài những động thái hỗ trợ người sản xuất tiêu, chính quyền địa phương các khu vực trồng tiêu cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường hồ tiêu của Việt Nam và thế giới, để người dân có nguồn tin, quyết định diện tích sản xuất của mình.
Siết chặt sản xuấtTheo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước chỉ ở mức 50.000ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000ha. Thế nhưng, diện tích sản xuất tiêu Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2018 là 152.000ha, gấp gần 5 lần quy hoạch ban đầu.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiêu đánh giá, diện tích trồng tiêu phát triển ngoài tầm kiểm soát do sự hấp dẫn về giá. Với mức giá của năm 2015 là 230.000 đồng/kg, cho dù chính quyền địa phương có dự báo hay ngăn cản, người dân vẫn tiếp tục trồng tiêu.
Vì vậy, song song với các chính sách quản lý, quy hoạch và sản xuất tiêu của các địa phương, chính quyền các địa phương phối hợp với doanh nghiệp để nắm được thông tin tổng quát của toàn thị trường.
Ông Hoàng Phước Bính cho rằng, nông dân hiện chỉ bắt tay vào sản xuất những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao và có thể phán đoán được thị trường.
Chính quyền địa phương không thể cung cấp một nguồn theo tin cục bộ trong nước và ra quyết định quy hoạch sản xuất. Khi được cung cấp thông tin diện tích và tiêu thụ của toàn thế giới, chính những người trồng tiêu sẽ tự phân tích và quyết định có nên mở rộng diện tích hay không.
Còn vấn đề bệnh hại và giống tiêu, khi giá thị trường cao, họ sẽ bằng mọi cách khắc phục bệnh hại, hoặc tìm giống tốt, không cần chính quyền địa phương khuyến cáo. Từ đó có thể thấy, việc siết chặt diện tích hay mở rộng vượt quy hoạch, tự người trồng tiêu quyết định được khi họ có đủ thông tin cả trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Lâm San, tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đánh giá, giá tiêu đến ngày 18/2 tại tỉnh Đồng Nai còn 46.000 đồng/kg. Nếu tính luôn đai kiện thì 50.000 đồng/kg, những vườn sản xuất tiêu sạch, có chứng nhận thì được thu với giá 54.000 đồng/kg.
Giá tiêu xuống thấp là cơ hội cho toàn ngành tiêu Việt Nam, để những người sản xuất tiêu nhìn lại và thay đổi phương thức và siết chặt sản xuất của mình.
Yêu cầu của người tiêu dùng thế giới ngày càng cao, nếu giá tiêu vẫn ở mức cao như 5 năm trước, e rằng số lượng tiêu đạt chất lượng an toàn, sạch chưa tới 10%, do nông dân chạy theo lợi nhuận và số lượng.
Ngoài giải pháp giúp người dân siết chặt sản xuất để phát triển, sản xuất an toàn cũng là giải pháp được chính doanh nghiệp liên kết với người trồng tiêu thực hiện.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex, Nguyên chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam chia sẻ, nông dân Việt Nam cần thay đổi tư duy sản xuất chạy theo lợi nhuận tối đa bằng tư duy sản xuất an toàn.
Theo đó, trồng xen các loại cây trên cùng diện tích được đánh giá hiệu quả lâu dài ở nhiều nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Brazil…
Tại các quốc gia này, hầu hết diện tích sản xuất của nông dân đều có ít nhất 2 loại cây. Giải pháp này giúp nông dân mang lại lợi nhuận cao nhất, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, đồng thời giúp ổn định diện tích sản xuất các loại cây trồng, không phá vỡ quy hoạch như tại Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam tăng tỷ lệ sản phẩm tiêu chế biến nhằm giúp nâng cao giá trị dù tiêu nguyên liệu xuống giá. Thế giới có 12 sản phẩm tiêu chế biến, trong khi Việt Nam chỉ mới có 4 dòng sản phẩm.
Cả nước có 20 doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào chế biến sâu, nhưng trong đó đã có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu, mới có thể giảm thiểu thiệt hại cho ngành tiêu hiện nay./.