Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chính là cầu nối gắn kết các Hội quán trong xây dựng nông thôn mới, phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân và xây dựng đô thị văn minh từ mô hình Hội quán.
Khi đến thăm mô hình Thuận Tân Hội quán tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp sáng 13/4, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chính là cầu nối gắn kết các Hội quán trong xây dựng nông thôn mới, phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân và xây dựng đô thị văn minh từ mô hình Hội quán.
Cùng đi với đoàn có ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp.
Mô hình hợp tác mới ở Đồng Tháp
Hội quán ở Đồng Tháp là hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ những “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Dù mới bước đầu thành lập nhưng mô hình này đã tỏ rõ sức cố kết và lan tỏa trong cộng đồng.
“Hội quán” là mô hình quy tụ nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ, phương thức làm ăn giỏi... Hội quán xuất hiện ở Đồng Tháp và cũng là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có mô hình này. Từ hội quán đầu tiên thành lập ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành vào tháng 6/2016, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 68 hội quán với 3.836 thành viên tham gia.
Hầu hết các hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như lúa, xoài, chanh, cam, quýt, hoa kiểng, nuôi lươn,… Các hội quán hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không có một tổ chức chính trị nào điều hành, các thành viên tự bầu chọn ra một chủ nhiệm hội quán, tự tổ chức các buổi hội họp thường kỳ để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, gắn kết quan hệ làng xóm. Qua hội quán, các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, cách kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Với mô hình hội quán, bà con nông dân có thể cùng nhau hợp tác, giúp nhau phát triển. Thông qua hội quán, lãnh đạo tỉnh, các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp đều có thể đến sinh hoạt cùng bà con.
Thời gian qua, Hội quán không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa những người nông dân với nhau hay giữa người dân với chính quyền, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Hội quán đã tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất theo tự do thì chuyển sang sản xuất những sản phẩm thị trường cần. Đặc biệt, Hội quán đã thúc đẩy liên kết giữa những người nông dân, đây là chìa khóa để mở ra hướng mới trong liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, từ đó đảm bảo được giá xuất khẩu nông sản cho nhân dân và vùng nguyên liệu lớn hơn cho các doanh nghiệp.
Thay đổi tư duy của người làm nông nghiệp
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, Hội quán ra đời với mong muốn thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất và tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trên thị trường trong giai đoạn hiện nay, từ đó xây dựng được chuỗi ngành hàng và tạo niềm tin cho người nông dân trong sản xuất, kinh doanh, huy động người nông dân cùng xây - cùng quản - cùng hướng với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Hội quán cũng chính là cách để người nông dân cùng chung tay phát trển du lịch cộng đồng, nâng cao ý thức người dân trong gìn giữ đường làng, ngõ xóm. “Đây chính là cách chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của người nông dân”, ông Lê Minh Hoan nói.
Cũng theo ông Lê Minh Hoan, một trong những phương thức hữu hiệu trong Hội quán chính là xuất khẩu lao động, đưa người nông dân ra nước ngoài với tư duy “đi làm thuê để về nhà làm chủ”, mỗi người lao động chính là nguồn nhân lực cho phát triển nông thôn mới, là phương thức hữu hiệu cho xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Đẩy mạnh mô hình Hội quán nông dân
Trực tiếp đến thăm và khảo sát mô hình Thuận Tân Hội quán tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được của Thuận Tân Hội quán nói riêng và Hội quán tỉnh Đồng Tháp nói chung, đây là mô hình hợp tác mới của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.
“Hội quán đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp để đây là ngôi nhà chung với những sinh hoạt tự giác, tự nguyện, tập hợp những người làm nông nghiệp để cùng trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, qua đó tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó. Hội quán chính là ngôi nhà chung, là nơi tập hợp và củng cố vững chắc hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Khẳng định đây là mô hình hợp tác hiệu quả trong phát triển kinh tế, để mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn mỗi thành viên trong Hội quán phát huy tinh thần đoàn kết, cùng chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm trong chọn lựa giống cây trồng, chọn lựa khoa học kỹ thuật phù hợp để chung sức đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đưa nông nghiệp của Đồng Tháp ngày càng xứng tầm, đảm bảo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” trên thế giới.
Cùng với đó, mỗi thành viên trong Hội quán cần đẩy mạnh nghiên cứu những sản phẩm nông nghiệp mới và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, đặc biệt là tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua vận động bà con trên địa bàn ý thức trong việc xả rác ra môi trường. “Chỉ khi môi trường sống sạch đẹp thì môi trường sống được đảm bảo và mới thu hút được đông đảo khách du lịch. Mỗi thành viên Hội quán chính là một hướng dẫn viên du lịch tích cực trên địa bàn”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tới phát triển mô hình Hội quán, từ đó có rút kinh nghiệm, đánh giá và nhân rộng mô hình để đây là kênh hữu hiệu phát triển kinh tế tại Đồng Tháp.
Bên cạnh đó cần hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống, giữ vững an ninh trật tự, phát triển thương hiệu nông sản, từ đó, xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh, văn hóa.
“Phải phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng để xây dựng Hội quán ngày càng vững mạnh. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chính là cầu nối gắn kết các Hội quán trong xây dựng nông thôn mới, phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân và xây dựng đô thị văn minh từ mô hình Hội quán”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.