Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 12 năm 2021 | 16:26

Hơn 1.500 hộ dân tại Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng bởi sạt lở đường bờ biển

Tình hình sạt lở đường bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn biến hết sức phức tạp. Sạt lở đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ.

Sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp

Ngày 06/12, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tình hình sạt lở đường bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

 

Tình hình sạt lở đường bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn biến hết sức phức tạp.
Tình hình sạt lở đường bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn biến hết sức phức tạp (Ảnh ghi nhận tại tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2020).

 

Các vùng bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như Phong Hải, Phong Hòa (Phong Điền); Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền); Hải Dương (TP. Huế); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang) và Vinh Mỹ, Giang Hải (Phú Lộc). Sạt lở đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ, uy hiếp đến dải cồn cát, ảnh hưởng đến 24 xã, phường ven biển, có nguy cơ mở cửa biển mới, ảnh hưởng đến Quốc lộ 49B cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và ảnh hưởng hệ sinh thái của 22.000ha đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Thiên tai đã gây xâm thực, xói lở và bồi lắng các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô, Lạch Giang làm tăng nguy cơ mất ổn định tự nhiên, ảnh hưởng đến dòng thoát lũ, tuyến luồng hoạt động khoảng 2.000 tàu thuyền ra vào các cửa biển và các tàu chở hàng hóa với tải trọng đến 2.000 tấn ra vào cảng Thuận An.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn tỉnh gây ra mưa lớn, ảnh hưởng việc xả lũ của các hồ thủy điện đã làm tình trạng sạt lở bờ biển ngày một nghiêm trọng hơn. Yếu tố địa hình các sông ở trên địa bàn ngắn và dốc, lượng phù sa, bùn cát trong dòng sông bị mất cân bằng nên từ năm 2009 đến nay, đặc biệt mùa mưa bão năm 2020, tình hình sạt lở đường bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp.

Đề xuất xây dựng kè chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu

Để có giải pháp xử lý sạt lở bờ biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu tổng thể để đưa ra giải pháp chống xói lở bờ biển các tỉnh, trong đó có Thừa Thiên - Huế.

 

Để ứng phó với tình hình sạt lở bờ biển hiện nay cần các giải pháp công trình và phi công trình.
Để ứng phó với tình hình sạt lở bờ biển hiện nay cần các giải pháp công trình và phi công trình (Ảnh: Minh họa).

 

Được biết, trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị xung yếu ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, các công trình hạ tầng thiết yếu. Rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm. Chính quyền địa phương lắp, dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm.

Các địa phương tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển và ngăn chặn việc khai thác cát sỏi trái phép trên các sông và ven biển.

Về lâu dài, Sở NN&PTNT đã lập quy hoạch thủy lợi tỉnh từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đề xuất UBND tỉnh xây dựng kè chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu trên địa bàn với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng để thực hiện trong thời gian tới.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ứng phó với tình hình sạt lở bờ biển hiện nay cần các giải pháp công trình và phi công trình. Trong các năm qua bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều khoảng 6,2km, tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng. Trong đó, mới đây nhất là đoạn qua xã Giang Hải với chiều dài 2,5km. Hiện nay các công trình kè chống sạt lở đang hoạt động bình thường, phát huy hiệu quả.

Cũng theo ông Hòa, hiện nay, các cơ quan chức năng đang lập dự án chỉnh trị, nạo vét luồng cửa biển Thuận An giai đoạn 2 nhằm đầu tư thêm tuyến đê chắn cát phía nam ở cửa biển Thuận An dài 240m. Lập dự án triển khai giai đoạn 1 tuyến kè chống sạt lở qua xã Phú Hải dài khoảng 500m.

Ngoài ra, đang chuẩn bị triển khai dự án chỉnh trị ổn định nạo vét cửa Tư Hiền và duy trì giao thông thủy ra vào cửa Tư Hiền. Dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu cho 70 lượt tàu/ngày, neo đậu tránh trú bão cho 300 tàu công suất trên 300CV bằng nguồn vốn tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

 

Trong chuyến kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Phú Hải, huyện Phú Vang và đoạn qua xã Giang Hải, xã Vinh Hiền huyện Phú Lộc vào cuối tháng 11 vừa qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở một số địa phương ven biển của tỉnh thì việc triển khai ngay các giải pháp xử lý là rất cần thiết.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tiến hành rà soát, báo cáo các Bộ, ngành các điểm sạt lở nghiêm trọng, xung yếu để có đề xuất phương án xử lý khẩn cấp trong thời gian tới; trong đó chú trọng tại điểm sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Giang Hải…

Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình sạt lở, nghiên cứu áp dụng các giải pháp tiên tiến, hiệu quả, khắc phục sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở…

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top