Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 8 năm 2021 | 14:29

HoREA kiến nghị Nhà nước tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS), làm cho hầu hết các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó ở các mức độ khác nhau.

Trước vấn đề này, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để kiến nghị Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.

 

hinh-1.jpg
Trước diễn biến phức tạp của dịch CoviD-19, HoREA kiến nghị giảm lãi suất cho vay
khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của cácdoanh nghiệp, trong đó có
doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Giảm lãi suất cho vay

Theo đó, trong văn bản số 72/2021/CV-HoREA gửi Bộ Xây dựng, HoREA đề nghị ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), trong đó có DN BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà theo hướng giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các DN, trong đó có doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Cùng với đó, HoREA kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay đến hạn.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là việc các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các DN, trong đó có DN BĐS được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.

Về phía nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm BĐS đề nghị ngân hàng xem xét để những đối tượng trên tiếp tục được vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký. Đặc biệt, đề nghị các ngân hàng thương mại quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.

Giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án

Liên quan đến các chính sách về thuế, tiền sử dụng đất, HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét trình Chính phủ bổ sung vào Nghị định số 52/2021/NĐ-CP theo hướng cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021.

Điều này sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho các DN do tác động của đại dịch Covid-19, góp phần kéo giảm giá nhà. Vấn đề trên dự thảo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP chưa quy định chính sách này đối với DN BĐS. Hiện tại, theo quy định pháp luật, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại của Cục Thuế thì trong thời hạn 90 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu quá thời hạn này thì DN sẽ bị phạt chậm nộp thuế.

Nghiên cứu về việc đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN, để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ khi lập Đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế DN hiện hành.

Mặt khác, kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid-19.

Giải pháp xử lý “ách tắc”

Liên quan đến vấn đề này, HoREA kiến nghị cần có các giải pháp xử lý “ách tắc” đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Theo HoREA, vấn đề này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các DN BĐS, người tiêu dùng và cả Nhà nước, mà nguyên nhân là do Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 02 trường hợp đó là nhà đầu tư có đất ở (có 100% đất ở) hoặc nhà đầu tư có các loại đất khác “dính” với đất ở. 

Còn lại, tất cả các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

HoREA nhận thấy có mâu thuẫn, “xung đột” giữa Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020. Do đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý “ách tắc” (nêu trên) để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng.

Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài chính để thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án nhà ở thương mại, để hướng dẫn UBND cấp tỉnh thống nhất thực hiện.

Cụ thể, HoREA đề xuất quy trình đầu tư xây dựng gồm 4 bước: Thứ nhất, lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 do Sở Kế hoạch Đầu tư thực hiện; Chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật Xây dựng (sửa đổi) năm 2020.

Thứ hai, lập thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc bản vẽ tổng mặt bằng do Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch Kiến trúc), hoặc UBND cấp huyện thực hiện.

Thứ ba, lập thủ tục giao đất, cho thuê đất cho doanh nghiệp do Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện.

Thứ tư, tiến hành song song các thủ tục như lập thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở (có dự án phải thẩm định thiết kế kỹ thuật triển khai sau thiết kế cơ sở), cấp Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng thực hiện; Lập thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án do Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thực hiện. Sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất dự án và Thông báo nộp tiền sử dụng đất của Cục Thuế, thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định.

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top