Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 7 năm 2016 | 2:41

HTX kiểu mới: Xã viên thỏa sức làm giàu

Sau 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, theo đánh giá sơ bộ của Liên minh HTX Việt Nam, đã có 10% số HTX làm ăn có lãi; 10% trung bình; 80% không hiệu quả. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Chúng tôi có dịp khảo sát thực tế để có cái nhìn khách quan và cụ thể hơn.

Kỳ 1: Những ông chủ sáng giá

Mặc dù chỉ chiếm 10% số HTX làm ăn có lãi sau chuyển đổi, song đây thực sự là những gương mặt sáng giá của Liên minh HTX Việt Nam. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, lãnh đạo những HTX này đều nắm vững pháp luật; năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, trở ngại của HTX là khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhất là ở miền núi.   

Làm sao để HTX không “Mượn áo, khoác danh”

HTX Quế Sơn, xã An Thịnh (Văn Yên - Yên Bái) hoạt động theo Luật HTX, với loại hình kinh doanh chủ yếu là thu mua quế xuất khẩu. Quế Sơn được xem là thủ phủ vùng quế Yên Bái (trên 40.000ha). Hiện, HTX có 60 lao động, trong đó 30 xã viên chính thức, trả lương quanh năm (4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng); 30 lao động thời vụ (150.000 đồng/người/ngày).  Tuy nhiên, việc khó tiếp cận nguồn vốn đang làm cho xã viên và HTX bị thiệt thòi.

Chủ nhiệm HTX, ông Nguyễn Văn Tám cho biết, cơ chế chính sách đã rõ, tuy nhiên, trở ngại của chúng tôi là khó tiếp cận nguồn vốn. Nguyên nhân do tài sản cố định để thế chấp là đất đai; nhưng đất đai ở miền núi như Văn Yên thì không “có giá” như Hà Nội hay các vùng đồng bằng khác. Trong khi ngân hàng thì cứ áp dụng chung, không có cơ chế hay đặc thù riêng cho miền núi, vùng khó khăn. Vì vậy, chúng tôi chỉ được vay với hạn mức thấp, không đủ để sản xuất, kinh doanh.

Tiếp cận vốn ngân hàng đã khó, giá quế lại bấp bênh. Xoay quanh chuyện giá và vốn, ông Tám cho biết, có lần HTX gặp một người khách Ấn Độ lên đặt đơn hàng trị giá 10 tỷ đồng, nhẩm tính sơ qua, nếu có tiền đi gom quế bán ngay thì HTX lãi 1 tỷ đồng. Nhưng anh em chạy đôn, chạy đáo, cầm cố vay mượn nháo nhào cũng chỉ được 6 tỷ đồng. Dẫu ông khách Ấn Độ cho thời gian thoải mái, không thúc ép hạn lấy hàng, nhưng giá cả “sáng nắng, chiều mưa” như vậy, không ai dám kéo dài thời gian gom hàng. “Vả lại, việc thu mua cùng lúc một lượng quế lớn như thế, thông tin sẽ lan truyền rất nhanh và giá quế chắc chắn sẽ tăng vọt. Vậy là, đành ngậm ngùi  gọi khách Hà Nội lên lấy, quế Văn Yên phải “mượn áo, khoác danh” để xuất khẩu. Một  bài toán rất đơn giản: cần 10 tỷ đồng, cho vay 10 tỷ đồng, chắc chắn HTX đã buôn tận gốc, bán tận ngọn. Xuất khẩu trực tiếp là điều trong tầm tay; xã viên có thể làm giàu từ cây quế”, ông Tám phân trần.

Chúng tôi nghe mà cũng tiếc thay cho bà con miền núi, bởi vậy theo ông Tám, hướng đi bền vững cho các HTX xuất khẩu quế nói riêng và các loại hàng nông - lâm sản xuất khẩu khác nói chung là cần tập hợp lại thành một hiệp hội xuất khẩu, như thế mới tránh được việc ép giá, thiếu vốn, “mượn danh”.

Để lọt vào “top” có lãi…

Ông Triệu Đình Nhã, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc  HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội),  cho biết, HTX hình thành năm 1954, gồm 790 xã viên/đại diện hộ; năm 1998, đổi tên thành HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Triều Khúc. Năm 2009, sửa điều lệ, đăng ký lại xã viên; năm 2010 góp vốn 10 triệu đồng/đại diện hộ, từ 790 xã viên, còn 70 người góp vốn. Từ tháng 5/2014 đến nay, HTX hoạt động theo Luật HTX mới.

Từ năm 2009 đến tháng 5/2014, HTX có 36/70 xã viên, đảm nhận những công việc như: dịch vụ nông nghiệp, điện, nước sạch; cho thuê nhà trọ (80 phòng/80 triệu đồng/tháng), bãi để xe: 10 ôtô, 400 -500.000 đồng/xe/tháng. Lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, số xã viên còn lại (34 người) hưởng lợi tức 2,7 triệu đồng/người/năm. Người dân được hưởng dịch vụ điện, nước theo quy định của nhà nước, họ là những khách hàng trung thành của HTX (hiện Hà Nội có 6 HTX được quản lý điện như Triều Khúc). Từ tháng 5/2014 đến nay, vẫn duy trì những dịch vụ trên, nhưng do làm ăn ngày càng có lãi nên mức lương nâng lên 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, doanh thu hàng năm của HTX đạt 56 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 3 tỷ đồng/năm. Dự kiến, năm 2017, HTX mở rộng khu nhà trọ cho thuê, hoặc mở cửa hàng kinh doanh buôn bán, đóng thuế theo Luật HTX năm 2012. Về dịch vụ nông nghiệp, do nằm sát nội thành Hà Nội nên Tân Triều chỉ còn 74ha đất xen kẹt, chủ yếu trồng rau, song 5 năm qua, HTX vẫn hỗ trợ miễn phí dịch vụ này, ước khoảng 100 triệu đồng/năm.

Nhờ những thành tích đạt được, năm 2008, HTX được nhận Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam về danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi; năm 2014, được Liên minh HTX Việt Nam công nhận cán bộ quản lý giỏi toàn quốc. Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 3 năm liền được UBND TP.Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc. Hiện, HTX Triều Khúc đang hoạt động như doanh nghiệp, đúng theo Luật HTX mới.

Ông Triệu Đình Nhã, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc  HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc.

Trả lời câu hỏi về điều kiện cần và đủ để lọt vào “top” có lãi như Triều Khúc, không ngần ngại, ông Nhã khẳng định luôn: “Yếu tố con người là quan trọng nhất, chủ nhiệm hay giám đốc HTX (theo Luật mới) phải là người năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm và nhất là phải nghiên cứu kỹ pháp luật. Luật HTX đã nêu rất rõ, rất cụ thể các điều kiện để xã viên thỏa sức làm giàu, bà con có thể liên kết sản xuất - kinh doanh. Đấy cũng chính là yếu tố cơ bản, quyết định sự thành bại của HTX kiểu mới”.

Ông Nhã cho biết thêm, ở nhiều nơi, hiện vẫn còn 90% HTX phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Trong khi lãnh đạo xã cũng không nắm vững Luật HTX, vì vậy, không tiến lên được, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển của HTX. Có địa phương còn hiểu lương của chủ nhiệm HTX phải thấp hơn lương chủ tịch, phó chủ tịch xã. Trong khi, theo Luật HTX năm 2012, chủ nhiệm HTX, sau khi đóng đủ thuế cho nhà nước, HTX ăn nên làm ra, lương có thể cao gấp nhiều lần chủ tịch xã là chuyện bình thường. Mặt khác, những HTX nông nghiệp thời hội nhập sâu rộng, không còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mà phải năng động, sáng tạo, mở ra nhiều dịch vụ, bám theo Luật mới để phát triển, nếu không làm được điều này thì khó có thể lọt vào top có lãi.

Gương mặt mới    

HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Bình (xã Vạn Ninh, Gia Bình, Bắc Ninh) ra đời năm 2014, do ông Nguyễn Chí Hải làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Là nhà nông, yêu nghề vườn nên ông tập trung làm trang trại VAC. Sau khi có Luật HTX mới, ông Hải  tìm hiểu và kêu gọi bà con góp vốn. Kết quả, thu hút 12 người đóng góp 1 tỷ đồng. HTX chủ yếu nuôi lợn gia công cho Tập đoàn Sản xuất thức ăn gia súc DABACO (Bắc Binh), mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 6.000 con, đầu ra rộng mở, do đây là nguồn thực phẩm để làm xúc xích của Tập đoàn. Ban quản trị HTX có 6 người, giám đốc được hưởng lương cao nhất, 10 triệu đồng/tháng. Phó giám đốc, các thành viên còn lại 6 - 9 triệu đồng/người/tháng; 6 công nhân 4 -5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn thuê thêm 30 lao động, làm việc quanh năm, trả lương như công nhân. Được biết, ngoài lương “cứng”, hàng tháng, HTX còn có lãi sau thuế 60 -70 triệu đồng, số tiền này được chia đều cho 12 người.          

Một gương mặt nổi bật, xứng đáng được cả nước ghi nhận, đó là HTX VAC Phú Quý (xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh), thành lập tháng 9/2015, do anh Nguyễn Đăng Cường làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Anh Cường cho biết, trước đây, anh chỉ có 2ha trang trại chăn nuôi vịt trời, làm ăn khấm khá, thu nhập ổn định. Sau khi có Luật HTX năm 2012, anh thuê lại ruộng đất của 700 hộ dân, thành lập HTX Phú Quý, nâng tổng diện tích lên 42ha và xây dựng quy trình sản xuất lương thực, thực phẩm sạch. Nếu như trước đây, số vịt trời chỉ đạt 40.000 con/năm, thì nay  nâng lên 1 triệu con/năm. Hiện, HTX đã quy hoạch khu sản xuất thành ô, thửa (2ha/ô), bao gồm: cây ăn quả; lúa - cá - vịt - ngỗng và 5ha rau hữu cơ. Dự kiến, sau 3 năm, sẽ có thu nhập 60 tỷ đồng/năm (lãi ròng 20 tỷ đồng/năm); thu hút 50 công nhân nông nghiệp (trước đó là 5 người).

Đầu xuân 2016, Cường thả cá, trồng cây; hiện anh có trên 1 vạn cây bưởi ruột đỏ, ruột vàng Phú Quý; 3.000 cây đu đủ Hồng Phi F1. Do quy mô trang trại lớn,  anh thường kết hợp với các giảng viên Học viện Nông nghiệp, nhà khoa học để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận kiến thức mới. Nhờ mở rộng giao tiếp, nhiều khách Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... và 1 trường đại học Thái Lan đã biết đến trang trại của anh. Qua trao đổi kinh nghiệm, khách đặc biệt ấn tượng mô hình trồng rau hữu cơ của Cường. Việt kiều Canada, Úc muốn tìm hiểu để nhập giống vịt trời và học hỏi cách nuôi. Gần đây là người bạn Nga, khi họ đến Việt Nam để đặt quan hệ sản xuất  nông nghiệp sạch, bền vững. Nga cũng là quê hương của xứ sở vịt trời, ngỗng, vì vậy, Cường đã có thêm nhiều kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế để nối vòng tay lớn.

Thiết nghĩ, đây chỉ là 2 trong nhiều gương mặt điển hình xuất hiện sau Luật HTX năm 2012 mà chúng tôi có dịp tìm hiểu. Hy vọng, cùng với sự phát triển và đóng góp của các doanh nghiệp, ngày càng có nhiều HTX kiểu mới, năng động, sáng tạo để xã viên thỏa sức làm giàu.

 Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top