Sứ mệnh của hợp tác xã trong nông nghiệp đầu vào và đầu ra đều muốn gia tăng giá trị hộ nông dân, tăng thu nhập hộ nông dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 18/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã dự và chỉ đạo Hội nghị.
12% hợp tác xã hoạt động tốtTheo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 39 liên hiệp hợp tác xã và 12.596 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. So với thời điểm cuối năm 2017 tăng 17 liên hiệp, 908 hợp tác xã.
Trong sáu tháng đầu năm 2018 đã thành lập mới 1.143 hợp tác xã nông nghiệp (tốc độ tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017). Qua phân loại 9.266 hợp tác xã nông nghiệp năm 2017 cho thấy số hợp tác xã hoạt động tốt chỉ chiếm 12% (1.115 hợp tác xã), 34,3% hoạt động khá (3.178 hợp tác xã), 41,3% ở mức trung bình (3.830 hợp tác xã) và còn đến 12,4% hợp tác xã xếp loại yếu (1.143 hợp tác xã).
So sánh giữa các vùng, Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp tốt và khá cao hơn trung bình cả nước (46%). Trong khi đó, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ là những vùng có hợp tác xã xếp loại yếu kém cao so với trung bình cả nước (12,4%).
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có những biểu hiện chạy theo thành tích, một số địa phương cố gắng thành lập hợp tác xã để đạt tiêu chí số 13 về nông thôn mới mà không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của hợp tác xã sau thành lập. Một số hợp tác xã đăng ký lại hoạt động nhưng trong tình trạng “bình mới, rượu cũ” và có cả những hợp tác xã thành lập để trông đợi vào hỗ trợ từ phía chính sách của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn nhưng rất lệ thuộc thị trường và thường rất bấp bênh. Chuỗi giá trị chưa sâu, hầu hết nông sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô hoặc trong phân khúc chế biến chuỗi giá trị thì rất ngắn.
Chuỗi càphê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản xuất nhưng chỉ chiếm 8% chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân bao trùm, bản chất là khâu liên kết trong tổ chức sản xuất, kể cả khâu tổ chức sản xuất, chế biến, làm thị trường rất rời rạc, thiếu nhân tố hợp tác xã dẫn đến nông dân chơi vơi, doanh nghiệp cũng chơi vơi.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bộ trưởng cho biết hai năm qua có bước vượt bậc về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 3.600 lên gần 8.000 doanh nghiệp nhưng số này không thể “với” tới hết 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, cần có sự liên kết trong phát triển nguyên liệu, tổ chức chế biến, phát triển thị trường thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp là hạt nhân.
Nghị quyết 32 của Quốc hội yêu cầu đến năm 2020 có ít nhất 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, làm nhân tố liên kết với nông dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn mới.
Theo tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và Liêm minh hợp tác xã Việt Nam chuẩn bị đề án, kế hoạch, chương trình tổ chức triển khai. Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” cùng với đó là một loạt chính sách thúc đẩy.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết thực hiện Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” theo Quyết định 461 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch triển khai. Theo đó, duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trên 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu có trên 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng tỷ lệ lên 25% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao thuộc nhóm công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, bán tự động, công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu, kém để phấn đấu có trên 5.400 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số hơn 6.400 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém). Tạo điều kiện thành lập mới trên 5.200 hợp tác xã nông nghiệp trên các lĩnh vực có lợi thế ở các địa phương và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả.
Nhằm củng cố phát triển các tổ chức nông dân, hợp tác xã thông qua liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, các nhà khoa học... gắn kết cùng nhau xây dựng và phát triển bền vững các chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập và lợi ích của các bên tham gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.
Nghị định quy định bảy hình thức liên kết chuỗi giá trị được nhà nước khuyến khích hỗ trợ phát triển. Trong đó các khâu như thu hoạch, sơ chế, chế biến và đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp luôn được coi trọng như là khâu, hoạt động không thể thiếu trong các chuỗi giá trị được Chính phủ hỗ trợ phát triển.
Trao đổi tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S đề nghị cần tập trung vào triển khai phong trào nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh, tăng cường xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị cạnh tranh. Chính phủ cũng cần quan tâm đến việc tiếp cận nguồn vốn của hợp tác xã để đảm bảo mục tiêu có 15.000 hợp tác xã đến năm 2020. Còn Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng thì đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành, sớm có chính sách đặc thù trong việc thành lập hợp tác xã ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, để triển khai Đề án, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, có các giải pháp hỗ trợ ưu đãi tín dụng, áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn và thấp hơn lãi suất thông thường. cho vay hỗ trợ giảm tốt thất sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ngân hàng Nhà nước cũng đang cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện nghị định sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Không chạy theo bệnh hình thức
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đến nay đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bắt đầu có bước phát triển khởi sắc, đóng góp vào GDP 5,6%. Với đà phát triển hiện nay, có thể đạt được mục tiêu của năm 2020 là có 15.000 hợp tác xã.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng Nghị quyết 32 của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đặt ra không chỉ là vấn đề số lượng mà nhấn mạnh đến chất lượng hợp tác xã, để có 15.000 hoạt động có hiệu quả phải phấn đấu rất gian khổ. Theo đó, phải tiếp tục củng cố và gia tăng chất lượng 4.400 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả, trong đó có 1.500 hợp tác xã phải đi vào ứng dụng công nghệ cao. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động yếu kém thì đến năm 2020 phải chuyển lên hoạt động có hiệu quả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức ngay trong cán bộ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là chủ thể người nông dân về sự cần thiết của Đề án 15.000 hợp tác xã. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đi theo hai hướng: Tổ chức lại sản xuất và nâng cao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
Theo Phó Thủ tướng, kinh tế hộ đã có thời kỳ vàng son và làm nông nghiệp phát triển vượt bậc nhưng giờ sức sống của kinh tế hộ cần có mô hình theo kiểu mới là mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Trong điều kiện thị trường mất cân xứng, triệu người bán, vạn người mua, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt.
“Nhiệm vụ thành lập hợp tác xã là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ, chủ thể vẫn là người nông dân, là đầu mối để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát huy vai trò kinh tế hộ, tăng cường liên kết hợp tác xã với nông dân, các nhà khoa học,” Phó Thủ tướng nêu rõ.
Lấy ví dụ từ phát triển hợp tác xã của Hà Giang và Trà Vinh, Phó Thủ tướng yêu cầu phải khắc phục chuyện buông lỏng, bởi kinh nghiệm ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm thì ở đó có phong trào tốt. Cùng với đó, phải tránh chuyện hành chính cưỡng ép, tránh chuyện thành tích, khắc phục tình trạng đưa vào cho đủ chỉ tiêu xét công nhận nông thôn mới.
“Vấn đề không phải là có hay không mà hoạt động hiệu quả thế nào, dứt khoát không để chạy theo bệnh hình thức, phải thực chất,” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là hợp tác xã; các địa phương xây dựng kế hoạch hành động, bổ sung các giải pháp lồng ghép nguồn lực, phân loại hợp tác xã để có phương hướng phù hợp.
Đánh giá hiệu quả, không tính đơn thuần hiệu quả của hợp tác xã mang lại mà sứ mạng của hợp tác xã trong nông nghiệp là gia tăng giá trị của hộ, thu nhập của hộ nông dân và làm tổng GDP, tổng xuất khẩu trong nông nghiệp tăng lên, đó là điểm khác với hợp tác xã kiểu cũ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng ngoài vốn ngân sách, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các hợp tác xã, tạo điều kiện để các hợp tác xã có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Nhấn mạnh về vấn đề liên kết, Phó Thủ tướng lưu ý dù hình thức liên kết nào thì cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ cho nông dân, cần bám sát chương trình mỗi làng một sản phẩm, khắc phục tình trạng được mất giá. Bên cạnh việc phát triển hợp tác xã, cần chú ý đến mô hình tổ hợp tác, đây là nguồn để phát triển lên hợp tác xã, đảm bảo cho mục tiêu 15.000 hợp tác xã đến năm 2020./.
CHU THANH VÂN