Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tổ chức lễ ra mắt điểm trưng bày sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) - Ðặc sản TP Cần Thơ đặt tại Cơ sở hủ tiếu Nhà Bè, trên chợ nổi Cái Răng.
Ðiểm trưng bày nhằm liên kết, xúc tiến, quảng bá thương hiệu, hình ảnh các sản phẩm OCOP TP Cần Thơ với hệ thống du lịch, bán lẻ tại chợ nổi Cái Răng.
Khách du lịch dùng thử sản phẩm OCOP tại Cơ sở hủ tiếu Nhà Bè.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, xúc tiến sản phẩm OCOP, trong đó có việc đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP tới các điểm kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan trên địa bàn. Với việc ra mắt điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại chợ nổi Cái Răng sẽ mở ra cơ hội đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách du lịch tại chợ nổi, quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương và chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn chợ nổi Cái Răng. Ðây không chỉ là mong muốn của ngành chức năng mà còn là mong muốn của chủ thể OCOP và các tiểu thương, chủ bè kinh doanh tại chợ.
Qua thời gian kết nối, đến nay có 10 chủ thể tham gia điểm trưng bày, với các sản phẩm OCOP quen thuộc: trà mãng cầu Long Giang, trà mãng cầu Kim Nhiên, nước mắm cá sặc Tư Hon, trà thảo dược Hygie&Panacee, các sản phẩm chế biến từ đậu của Công ty TNHH MTV Ðinh Gia Foods, các sản phẩm bột đậu của Cơ sở Thuận Hòa…
Anh Nguyễn Thanh Trúc, Chủ Cơ sở hủ tiếu Nhà Bè, chia sẻ: “Trước đây, cơ sở chủ yếu kinh doanh các sản phẩm đặc thù của nhiều vùng miền trên cả nước (khô, bánh kẹo…) nhưng sản phẩm của Cần Thơ hầu như không có. Lần này mở điểm bán sản phẩm OCOP Cần Thơ trên bè tôi rất tâm đắc. So với các sản phẩm bán trên bè từ trước tới nay, các sản phẩm OCOP của thành phố vượt trội hơn về thiết kế bao bì, nhãn mác, xuất xứ rõ ràng và được ngành chức năng hỗ trợ nên tôi rất yên tâm. Qua hơn 10 ngày bán thử, sản phẩm OCOP Cần Thơ được nhiều du khách yêu thích lựa chọn và hiện đã tiêu thụ khoảng 70% số lượng hàng nhập đợt đầu tiên”.
Ðầu ra cho sản phẩm luôn là nỗi trăn trở của các chủ thể OCOP. Việc mở điểm bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng mở kênh tiêu thụ, quảng bá mới cho dòng sản phẩm đặc sản của thành phố. Theo bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản Trà mãng cầu Kim Nhiên, mỗi tháng công ty sản xuất ra 5 tấn trà mãng cầu và được tiêu thụ kênh trong nước lẫn xuất khẩu. Ðối với thị trường nội địa, kênh tiêu thụ qua các điểm du lịch rất tiềm năng mà công ty đang hướng đến.
“Ngành du lịch rất đặc thù và có thể đưa sản phẩm OCOP vươn xa. Nếu chúng ta bán sản phẩm ở cửa hàng, siêu thị thì sản phẩm được tiêu thụ chỉ trong phạm vi nhất định. Tuy nhiên, nếu sản phẩm OCOP bán ở các điểm du lịch sẽ có cơ hội đi khắp nơi trên mọi miền đất nước, thậm chí xuất khẩu. Chính những người khách du lịch sẽ đem sản phẩm OCOP đi xa hơn. Thậm chí họ có thể không mua tại thời điểm đi du lịch nhưng sau khi về sẽ kết nối thông tin để đặt mua hàng và có khi trở thành đại lý nhập sản phẩm về kinh doanh. Ðối với kênh phục vụ khách du lịch, thời gian qua, sản phẩm trà mãng cầu Kim Nhiên đã có mặt tại các cửa hàng đặc sản, khách sạn Mường Thanh, Làng du lịch Mỹ Khánh, Khu du lịch Ông Ðề… và điểm chợ nổi Cái Răng là kênh tiêu thụ mới hứa hẹn nhiều tiềm năng” - bà Nguyễn Kim Nhiên bày tỏ.
OCOP là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp, nông thôn lớn; thể hiện rõ vai trò tích hợp đa giá trị trong ngành Nông nghiệp, đó cũng là điểm nhấn để phát triển các nông đặc sản của thành phố. Hiện TP Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP được công nhận. Ông Trần Thái Nghiêm cho biết: Trong giai đoạn 2023-2025, ngành Nông nghiệp thành phố kỳ vọng sản phẩm OCOP sẽ trở thành một trong những chương trình kinh tế nông thôn phát triển sôi động. Thành phố đang tập trung hỗ trợ các chủ thể tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì. Ðồng thời, tổ chức liên kết, quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường, hình ảnh các sản phẩm OCOP; tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh và du khách tiếp cận được những sản phẩm nông đặc sản có chất lượng.
Anh Nguyễn Thanh Trúc chia sẻ: “Với tín hiệu ban đầu rất khả quan, tôi đang kết nối thêm với các chủ thể OCOP khác để có thêm nhiều sản phẩm bán tại cơ sở. Tôi cũng mong muốn các chủ thể tiếp tục tạo nhiều sản phẩm mới, đa dạng mẫu mã để tạo thêm sức hút cho khách du lịch khi đến chợ nổi Cái Răng. Ngoài sản phẩm chất lượng, việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, chăm sóc khách hàng cũng cần được chủ thể OCOP chú trọng để tạo điểm nhấn cho sản phẩm”. Với sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng và quyết tâm của chủ thể OCOP, chủ cơ sở, tiểu thương, mô hình gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại chợ nổi Cái Răng kỳ vọng được nhân rộng và đạt được mục tiêu kép: quảng bá du lịch thành phố và mang lại lợi nhuận tương xứng cho các bên tham gia.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.