Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 8 năm 2017 | 10:17

Khó khăn khi xây dựng nông thôn mới ở Thanh Chương

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), chính quyền và người dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) gặp nhiều khó khăn, trong khi tiềm lực kinh tế còn hạn chế. Nếu Thanh Chương không có giải pháp và cơ chế cụ thể thì khó đảm bảo mục tiêu đề ra.

Nỗ lực lớn

Đến thời điểm này, huyện Thanh Chương có 9/39 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Các xã còn lại đạt bình quân 13,63 tiêu chí; 2 xã đạt thấp nhất cũng đạt 8 tiêu chí. Có được kết quả này phải khẳng định sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; đặc biệt là sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong huyện và con em xa quê. 

Người dân Thanh Chương tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Điển hình là xã Thanh Lương, một xã miền núi nhưng thuộc diện “đất chật, người đông”. Ngay từ năm 2011, người dân và chính quyền địa phương khởi động XDNTM, nhưng đến năm 2015, địa phương vẫn còn 5 tiêu chí khó đạt, bao gồm giao thông, cơ sở văn hóa, môi trường... Song với quyết tâm phải đăng ký về đích NTM năm 2016, từ cấp ủy đến chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thống nhất tư tưởng và cùng vào cuộc. Gắn trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức với từng nội dung, tiêu chí và gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Chính vì lẽ đó, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nơi nào còn khó khăn, vướng mắc thì cán bộ xã đích thân xuống cơ sở họp bàn, thảo luận, trực tiếp gặp gỡ từng người dân để giải thích, tạo sự đồng thuận cao. Bằng quyết tâm và với phương pháp sâu sát cơ sở, Thanh Lương sớm về đích NTM vào tháng 12/2016, trở thành điểm sáng trong phong trào XDNTM ở huyện Thanh Chương.

Người dân xuống đồng.

Cũng như xã Thanh Lương, xã Thanh Liên cũng là xã miền núi, có nhiều khó khăn. Thời điểm xây dựng NTM mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Đặc biệt nhiều khó khăn trong xây dựng cở sở hạ tầng do địa bàn rộng, dân cư được bố trí ở 16 thôn, tổng số đường giao thông liên xã lên đến hơn 55 km và hơn 15 km giao thông nội đồng. Ý thức tùy tiện, bạ đâu vứt đấy của người dân đặt ra cho địa phương nhiều áp lực về rác thải sinh hoạt và rác thải trên đồng ruộng... Rồi việc chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cũng không phải ngày một ngày hai và dễ làm. Rồi kinh nghiệm ở Thanh Liên là kiên trì, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên “nói trước, làm trước”: trong chuyển đổi các mô hình sản xuất kinh tế mới tiên phong làm trước; chuyển đổi ruộng đất thì ưu tiên bà con nhận đất tốt trước, mình nhận sau; đi đầu làm hố rác tại gia để tự xử lý trước; tự giác xử lý rác trên đồng ruộng; hiến đất mở đường, đóng góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng... Lần lượt, địa phương đã hoàn thành được 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM cuối tháng 12/2016.

Nói về thành công của chương trình XDNTM, ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện, khẳng định: "Đó là nhờ các xã đã huy động được nguồn lực lớn từ Nhà nước và nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao từ huyện đến từng khu dân cư. Bên cạnh đó, có nhiều mô hình kinh tế mới được triển khai, đem lại hiệu quả, tạo bước chuyển về nhận thức từ sản xuất tự cung, tự cấp sang hàng hóa. Điển hình như mô hình sản xuất bí xanh, dưa chuột, đậu cô ve, bưởi Diễn, cam, trồng ngô cây cung cấp các trang trại bò sữa...; nuôi lợn, trâu bò, gà sạch Thanh Chương...

Và những khó khăn

Tuy có nhiều nỗ lực, song soi vào chỉ tiêu cần đạt đến năm 2020 là 50% xã đạt chuẩn NTM (nghĩa là phải có thêm 10 xã) và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí thì thật sự Thanh Chương đang gặp nhiều khó khăn. Xã Thanh Lâm là một ví dụ. 

Theo số liệu của UBND xã Thanh Lâm, toàn xã có 112km giao thông, trong đó có 23km đường xã nhưng mới chỉ có 5,6km đường nhựa, còn lại là đường đất; 27km đường liên thôn thì có 7km đường bê tông, số còn lại là đường đất; 13km đường liên gia hiện chỉ bê tông được 4,5km; 49km đường nội đồng thì cấp phối được 23km.

Riêng về hệ thống trường học chỉ có 1/3 đạt chuẩn. Trong đó, trường THCS mặc dù đã kiên cố hóa nhưng thiếu phòng văn thư, thí nghiệm; trường mầm non mặc dù được quy hoạch nhưng chưa có kinh phí xây dựng nên vẫn đang tồn tại 3 điểm trường: 1 ở cơ quan UBND xã, 1 điểm học tạm nhà văn hóa, 1 điểm mượn của trường tiểu học. Có 6 xóm chưa có nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ. Chợ được quy hoạch như chưa có kinh phí để xây dựng...

Do điều kiện thiên nhiên, mỗi năm người dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa Xuân và các mô hình kinh tế vườn đồi, chăn nuôi thì chưa thật sự phát triển để trở thành thế mạnh. “Nếu Nhà nước không có một cơ chế, chính sách đặc thù đối với các xã khó khăn như Thanh Lâm thì các xã này sẽ này càng thụt hậu”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, nhấn mạnh. 

Cũng có điều kiện giống như Thanh Lâm, trong 8 tiêu chí chưa đạt, ngoài tiêu chí giao thông, kênh mương với số chiều dài lớn chưa đạt, thì cái lo nhất đối với Thanh Xuân là tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo. Một nghịch lý tồn tại ở Thanh Xuân là có tới 95% người dân sống nhờ nông nghiệp, nhưng cả năm có đến 8 - 9 tháng đồng ruộng ngập lụt; nếu không ngập lụt thì có đến 4 tháng hạn hán và cũng chỉ sản xuất có 1 vụ lúa. Hay như tiêu chí môi trường, trong đó có nội dung nghĩa trang phải được xây dựng theo quy hoạch, mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các nghĩa trang ở các thôn đều đã quy hoạch sử dụng từ lâu đời, mộ cải táng đặt không theo hàng lối, quy định. Theo ông Nguyễn Khánh Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, những khó khăn nêu trên cần được các cấp nghiên cứu, đồng thời có sự hỗ trợ về nguồn lực cho những địa phương khó khăn như Thanh Xuân, tránh chỉ tập trung ở các xã sắp hoàn thành NTM.

Đó là ở từng địa phương, còn xét về góc độ các tiêu chí thì vẫn đang đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở. Hiện tại, xét về thu nhập của người dân nói chung còn thấp, trong khi đó trên địa bàn Thanh Chương chưa có nhiều mô hình kinh tế rõ nét, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, tiêu chí môi trường cũng đang là vấn đề lo ngại ở mỗi địa phương khi biện pháp xử lý rác thải chủ yếu đang áp dụng là chôn lấp hoặc đốt. Đặc biệt do địa bàn rộng, dân cư ở các xã miền núi bố trí khoảng cách xa, dẫn đến tổng số ki lô mét giao thông lớn, nguồn lực hạn chế (tính đến tháng 7/2016, toàn huyện mới chỉ có 9/39 xã đạt tiêu chí này)...

Từ những khó khăn trên, đặt ra cho Thanh Chương và từng địa phương phải có những giải pháp, cơ chế phù hợp để chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

                                                                                      Sỹ Thăng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top