Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 10 năm 2017 | 3:49

Khó sản xuất hàng hóa do vướng hạn mức giao đất

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (31/10), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, muốn xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp,... phải giải quyết những vướng mắc về đất đai.

Ông Nguyễn Tuấn Anh phân tích trên những vấn đề mà tỉnh Bình Phước gặp phải, với diện tích 700.000ha, trong đó đất trồng cây lâu năm chiếm gần 400.000ha. Trong quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đất đai luôn được xác định là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, chính sách lập pháp về đất đai về cơ bản đã được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thông qua đó đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất của Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung tích tụ được đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất. Tuy nhiên, quá trình tích tụ đất đai diễn ra còn chậm, cần tiếp tục có những đổi mới, hoàn thiện về chính sách pháp luật.

Hiện, ngành nông nghiệp đang đứng trước tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nhiều thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để phát triển bền vững không còn con đường nào khác là cần tổ chức lại sản xuất, trong đó tích tụ, tập trung ruộng đất trở thành một nội dung rất quan trọng để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập của nông dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, thực tế giải quyết vấn đề này rất chậm, gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp. Theo Luật Đất đai năm 2013 hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Quy định như vậy không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chủ trương là xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa để thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc cũng như chủ động vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, qua khảo sát ở Bình Phước và một số địa phương cho thấy thực hiện chủ trương này gặp rất nhiều khó khăn do vướng hạn mức giao đất. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu cho biết, việc tích tụ đất đai có vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Muốn có được 100ha đất để hình thành vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, họ phải nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người nông dân với giá thực tế của thị trường. Bình Phước mỗi ha 500 triệu - 1 tỷ đồng tùy theo vị trí đất. Khi hợp thức thì chủ sở hữu chỉ được 30ha đất theo quy định của luật, 70ha còn lại phải chuyển sang hình thức cho thuê, trả tiền hàng năm hoặc 1 lần, dù thực tế, diện tích này họ đã bỏ tiền mua theo giá thị trường. Điều này cũng có nghĩa, 70ha đất có giá khoảng 50 tỷ đồng trở về giá trị tài sản bằng 0, tức là không thể thế chấp vay ngân hàng để đầu tư phát triển.

Một bất cập trong chính sách về đất đai mà các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất vướng và gặp khó khăn, đó là họ phải thuê đất của chính mình đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người khác khi xây dựng nhà xưởng sản xuất, thành lập doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết, để thành lập doanh nghiệp, họ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua đất, xây dựng nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, khi trở thành doanh nghiệp, diện tích đất tiền tỷ của họ trở về giá trị bằng 0 vì chuyển sang thuê trả tiền hàng năm hoặc 1 lần, khiến họ không có tài sản đối ứng trong bước đầu hình thành doanh nghiệp. Điều này đã tước đi của họ một điều kiện quan trọng trong việc vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực ban đầu vài chục tỷ đồng là rất lớn.

Theo số liệu thống kê, hiện, nước ta có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 10 triệu hecta với gần 14 triệu hộ nông dân, trong đó, 70,4% hộ có tổng diện tích dưới 0,5ha và 3,4% số hộ có diện tích trên 3ha. Hệ lụy của sự manh mún này gặp khó khăn trong sản xuất theo hướng hàng hóa, phụ thuộc nhiều vào tư thương và thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Trước hạn chế đó, thời gian qua, Nhà nước cũng hỗ trợ rất nhiều cho dồn điền, đổi thửa để có những cánh đồng mẫu lớn. Nhưng kết quả cũng chưa được là bao. Với những hạn chế, bất cập như vậy, nếu không tháo gỡ kịp thời, đồng bộ, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng sẽ rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất bền vững. Việc tích tụ ruộng đất hiện có nhiều cách như thông qua hợp tác, liên kết nông hộ, liên minh nông hộ và doanh nghiệp để dẫn đến tăng quy mô ruộng đất, xuất hiện các trang trại của nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Chủ trương hỗ trợ của nhà nước để tổ chức sản xuất có ý nghĩa rất lớn.

Vì vậy, ngoài việc quy định xác lập quyền sở hữu về tài sản đầu tư trên đất, giá trị đi đôi với việc xác lập việc sử dụng đất cần phải sớm sửa đổi hạn mức giao đất, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất quy định tại Điều 129, 130 của Luật Đất đai năm 2013 và các chính sách pháp luật có liên quan, đó cũng là mong muốn của các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, tổ chức, người nông dân và cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: “Ý kiến tích tụ và tập trung đất đai là một trong những điều kiện để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa về nông nghiệp, tuy nhiên đây cũng chỉ là một vấn đề, chúng tôi đang đánh giá nhiều mô hình khác nhau hiện nay, đó là vấn đề liên kết đất đai hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với người dân, đó là các mô hình mà doanh nghiệp đứng ra để tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất thì cho thấy mỗi mô hình đều có phát huy những thế mạnh và những điểm mà phù hợp với thực tế.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy rằng có những nước như Nhật Bản, Đài Loan thì đất đai họ cũng không phải tích tụ những cánh đồng mẫu lớn mà bản thân họ vẫn là một trong những nước có nền nông nghiệp hết sức cạnh tranh và công nghệ cao. Như vậy, mô hình liên kết sản xuất sẽ quyết định đến yếu tố tích tụ hay tập trung. Yếu tố này chỉ là một trong những yếu tố cần mà chưa là đủ. Chúng tôi có quan điểm tích tụ và tập trung phải gắn với bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân về sinh kế và lợi ích lâu dài. Đây là vấn đề về góc độ tích tụ tập trung đất đai.

Về hạn ngạch, trước đây năm 2013 đã tính đến phù hợp với lực lượng sản xuất và điều kiện phát triển nên đất đai theo chúng tôi biết là đồng bằng sông Cửu Long có thể tích tụ đến 30ha đối với đất trồng cây hàng năm, rồi 20ha đối với những vùng còn lại. Vùng núi có thể đến 300ha đối với xã miền núi và không quá 150ha đối với đất rừng sản xuất.

Thực tế, hạn mức chuyển nhượng này đang phù hợp với trình độ và năng lực sản xuất của hộ gia đình. Còn đối với doanh nghiệp, luật quy định không hạn chế đối với hạn mức và tích tụ. Nên ở đây cần khuyến khích để khi các hộ gia đình có lực lượng và trình độ sản xuất phát triển thì nên chuyển thành doanh nghiệp. Đấy là xu hướng đúng đắn.

Ngoài ra, chúng ta tiếp tục xem xét để có mô hình tích tụ đất đai phù hợp với mô hình liên kết và sản xuất phù hợp. Đặc biệt, chúng ta xem xét lại diện tích an ninh lương thực đối với trồng lúa. Ở đây với đồng bằng sông Cửu Long và một số đô thị phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội trong thời gian qua nếu chúng ta giữ nguyên quan điểm này thì không phù hợp”.

D.T

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: Hòa Bình cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho con người và hạ tầng chiến lược

    Thủ tướng: Hòa Bình cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho con người và hạ tầng chiến lược

    Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, Thủ tướng đánh giá tỉnh có 5 điểm hơn trong thời gian qua, chỉ rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó tỉnh phải hết sức chú trọng 2 nhiệm vụ gồm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và nhiệm vụ xây dựng hạ tầng chiến lược.

  • Thủ tướng: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

    Thủ tướng: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

    Thủ tướng kêu gọi cả nước cùng chung tay, mọi người dân, doanh nghiệp "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", để xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vì mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025.

  • Thúc đẩy kinh tế biển bằng các giải pháp liên ngành, liên vùng mang tính đột phá

    Thúc đẩy kinh tế biển bằng các giải pháp liên ngành, liên vùng mang tính đột phá

    Sáng 12/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược), chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban kết hợp trực tuyến tại điểm cầu của 28 địa phương có biển.

Top