Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 9 năm 2018 | 15:8

Khoanh vùng dịch, vùng đệm khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi

Các địa phương cần hành động quyết liệt, không chủ quan với bệnh dịch tả lợn châu Phi; Cần nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực để nắm bắt thông tin, từ đó chủ động phòng chống dịch.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng 14/9, tại Hà Nội.

Tốc độ tăng trưởng cao

Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong năm qua, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã quyết liệt tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn bền vững. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, người chăn nuôi phát triển theo cơ chế thị trường thúc đẩy chế biến sản phẩm nên về tổng quan ngành chăn nuôi đang phát triển tốt, đạt cả các mục tiêu về tăng trưởng nâng cao giá trị gia tăng, người chăn nuôi có lãi và người tiêu dùng có nguồn hàng thực phẩm dồi dào, với giá cả hợp lý.

Tốc độ tăng trưởng chăn nuôi ở mức cao trung bình từ 5-6%/năm đã góp phần duy trì mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp. Nhiều mặt hàng chủ lực tăng rất cao như sản lượng thịt các loại năm 2017 tăng trên 3 lần so với năm 2005 (từ 1,6 triệu tấn lên 5,3 triệu tấn), trứng tăng 3,9 lần (từ 3,0 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51,5 ngàn tấn lên 960 ngàn tấn), đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu xuất khẩu, lần đầu tiên thịt gà Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh xuất chính ngạch sang Myanma.

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào khâu giết mổ, chế biến và kết nối thị trường hình thành các chuỗi liên kết sản xuất thịt, trứng, sữa. Điển hình cho các chuỗi thịt lợn là GreenFeed, Masan, Biển Đông Deheus, Mavin, DABACO; chuỗi thịt gà của CP Việt Nam, Hùng Nhơn- Deheus; chuỗi trứng của Ba Huân, DTK; chuỗi sữa của Vinamilk, TH truemilk, Mộc Châu,….

Không chỉ ổn định và phát triển sản xuất trong nước, ngành chăn nuôi cũng đã bắt đầu có các dự án đầu tư chăn nuôi sang Lào, Camphuchia, Myanma, nhất là dự án bò sửa của tập đoàn TH Truemilk với tổng mức đầu tư 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga được phía bạn đánh giá rất cao.

2.jpg
Chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ, an toàn bền vững. (Ảnh: IT)

 

"Tuy vậy, ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều những khó khăn, thách thức, đó là: năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và ATTP chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp… một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến những bất cập nêu trên là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như cúm gia cầm, lở mồm long móng, lợn tai xanh và nay là bệnh dịch tả lợn Châu Phi nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta. Tác động của dịch bệnh đối với chăn nuôi nước ta ngoài những đặc tính sinh học nguy hại do dịch bệnh gây ra, thì còn do đặc thù của điều kiện khí hậu nóng ẩm, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, xen lẫn trong các khu dân cư càng làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn, phức tạp.

Do vậy, vấn đề tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh sớm, từ xa là vô cùng quan trọng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển ngành chăn nuôi," Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Khoanh vùng dịch, vùng đệm nếu xảy ra dịch

Hiện nay, chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước nguy cơ cũng như sự ảnh hưởng của dịch bệnh nguy hiểm này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương phải chủ động nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác từ các nước để chủ động, kịp thời cung cấp cho các địa phương, người dân và hộ chăn nuôi, từ đó tổ chức các biện pháp hành động.

Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới. Đồng thời, triển khai vệ sinh, khử trùng tiêu độc các khu vực chăn nuôi. Có phương án đóng cửa các chợ, khu vực tập trung buôn bán heo nếu có dịch bệnh xảy ra.

1.jpg
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Tâm)

 

Theo đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, hiện nay thế giới vẫn chưa tìm ra loại vắcxin cho dịch tả lợn châu Phi. Giải pháp đặt ra khi phát hiện dịch là cần tiêu hủy ngay đàn lợn nhiễm bệnh, các đàn lợn xung quanh và các sản phẩm của lợn có nguy cơ nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, thực hiện khẩn trương khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Mặt khác, cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch. Khi phát hiện lợn bị bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi cần báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y. Không điều trị lợn bệnh. Và có phương án hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh dịch lây lan chủ yếu do có yếu tố của con người tác động như: việc vận chuyển lợn và các sản phẩm mắc bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác. Virus bệnh dịch tả châu Phi có thể gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao so với những bệnh khác như lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển. Do đó, nguy cơ nếu để xảy ra dịch sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.

Vấn đề quan trọng hiện nay là làm cách nào để phát hiện virus gây dịch đã tràn vào nội địa. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn báo cáo, từ năm 2013 đến nay, Cục Thú y Việt Nam đã làm việc với FAO để tập huấn và cung cấp nguyên vật liệu chẩn đoán xét nghiệm dịch tả heo châu Phi.

Đến nay, tất cả 8 phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã thực hiện tốt việc xét nghiệm bệnh dịch tả heo châu Phi bằng kỹ thuật real time PCR, tức là ngay sau 3 giờ xét nghiệm đã có được kết quả.

Hiện tại, các phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y đã có đủ nguyên liệu để xét nghiệm trên 2.000 mẫu phát hiện virus gây dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu ngành chăn nuôi, cục thú y phối hợp với FAO để một Chương trình hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp để giúp Việt Nam chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Hỗ trợ về chẩn đoán, xét nghiệm và điều tra dịch bệnh; Hỗ trợ xây dựng Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, để phòng chống dịch, ngày 30/8, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công điện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các tỉnh ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Ngoài ra, bên cạnh việc đối phó với dịch tả lợn Châu phi nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý các đơn vị cơ sở cần tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh chăn nuôi trong vụ Thu Đông. Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm xảy ra như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh tai xanh ở lợn, chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch, kịp thời xử lý không để dịch lây lan.

 

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và FAO, tính từ đầu tháng 8/2018 đến 10/9/2018, Trung Quốc đã báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 38.000 con lợn các loại đã buộc phải tiêu hủy, bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam (đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam)./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top