Khôi phục và phát triển rừng ngập mặn tại huyện Tiền Hải
Với mục tiêu nâng cao độ che phủ của rừng ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, việc khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu BTTN đất ngập nước Tiền Hải, Thái Bình luôn được triển khai tích cực và bền vững.
Rừng ngập mặn – bức tường bảo vệ thiên tai
Thái Bình là tỉnh đồng bằng, không có đồi núi, nhưng lại có 54 km bờ biển, trải dài suốt 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Nơi đây có hàng nghìn hecta rừng ngập mặn bao bọc, tạo thành một bức tường vững chắc bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.
Chính vì vậy, rừng ngập mặn ở đây có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đê biển, đê cửa sông ven biển, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của cộng đông dân cư ven biển.
Tuy nhiên, từ năm 2002 trở về trước, hàng nghìn hecta rừng ngập mặn tại Thái Bình bị phá để nuôi tôm, việc phá rừng ngập mặn nuôi tôm đã không kiểm soát được. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập từ nuôi trồng thủy sản và hệ sinh thái rừng bị tàn phá nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn trong việc phục hồi và phát triển rừng ngập mặn.
Đồng thời, công tác trồng rừng khu vực ven biển, ven cửa sông còn hạn chế, thiếu nghiên cứu về đất ngập mặn. Việc chọn lập địa trồng rừng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của cán bộ dự án nên tỷ lệ sống của cây trồng không cao.
Với mong muốn cải thiện tình trạng trên, xây dựng rừng ngập mặn mang hiệu quả cao, bảo vệ đê biển, nên việc đánh giá điều kiện lập địa làm cơ sở đề xuất biện pháp kỹ thuật khôi phục và phát triển rừng ngập mặn tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là rất cần thiết trước diễn biến của biến đổi khí hậu.
Rừng ngập mặn tại huyện Tiền Hải tuy không lớn, nhưng việc phát triển rừng lại ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được công nhận theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải).
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích 12.500ha, chiếm 48,7% tổng diện tích rừng và bãi bồi ven biển toàn tỉnh Thái Bình (25.653ha). Khu bảo tồn thiên nhiên gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước. Diện tích có rừng ngập mặn là 1.298,8ha, chiếm 64,0% tổng diện tích rừng ngập mặn và đất ngập mặn ven biển. Trong đó, diện tích có rừng tập trung chủ yếu ở các xã Nam Hưng (có 343,7ha, chiếm 26,5% tổng diện tích có rừng của toàn huyện), tiếp đến, xã Nam Thịnh (313,3ha; 24,1%), Đông Long (284,9ha; 21,9%)…
Những năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn trồng mới trên địa bàn huyện Tiền Hải chủ yếu từ các mô hình của các dự án, như: Dự án Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình do chính phủ Hàn Quốc tài trợ... Các dự án được triển khai đều đảm bảo tiến độ, một số diện tích rừng trồng cây sinh trưởng và phát triển tốt, chuẩn bị khép tán có triển vọng phát triển thành rừng cao.
Qua nghiên cứu, các loài cây trồng rừng ngập mặn chủ yếu như Bần chua thuần loài là 421,1ha (có 179,7ha trồng mới năm 2018); hỗn giao Bần chua + Trang là 613,7ha; hỗn giao Sú + Mắm biển là 121,8ha, Trang thuần loài có 115,4ha và diện tích Sú thuần loài có 26,9%.
Năm 2018, huyện Tiền Hải trồng mới thêm 179,7ha, chủ yếu là cây Bần chua. Diện tích đất trống có khả năng trồng rừng ngập mặn là 731,4ha, chiếm 36,0% tổng diện tích rừng và đất ngập mặn ven biển. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã Đông Long (181,7ha), Đông Minh (175,6ha), Nam Thịnh (169,3ha), Nam Hưng (149,9ha).
Hiện nay, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loại quý hiếm và có tầm quan trọng quốc tế. Khu bảo tồn là bãi bồi phù sa sông Hồng bồi đắp, hình thành rừng ngập mặn.
Phân loại lập địa nhằm khôi phục rừng ngập mặn
Hiện nay, tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có 03 loại lập địa chính là rất thuận lợi, thuận lợi và khó khăn. Trên mỗi lập địa đưa ra một biện pháp kỹ thuật khác nhau nhằm khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để việc khôi phục rừng ngập mặn tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, cần tập trung trồng loại cây chủ lực như cây Bần chua và cây Trang. Các loại cây được trồng bằng cây con có bầu, từ 9 - 18 tháng tuổi, mật độ trồng rừng từ 1.667 - 3.000 cây/ha.
Cây giống cần phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định, cây giống trước khi trồng phải chặt bỏ phần ngọn non. Đào hố cải tạo thể nền trước khi trồng 5-7 ngày, hố đào theo hàng, song song với đê biển, so le nhau tạo hình nanh sấu.
Đồng thời nên tạo tường mềm giảm sóng để làm giảm dòng chảy ven bờ ở những khu vực có xuất hiện dòng ven và có tác dụng bồi lắng phù sa. Điều kiện tự nhiên, nền đất tại khu bảo tồn giúp cây sinh trưởng tốt, không dập gẫy thân cành chính, không vỡ bầu, không sâu bệnh.
Nghiêm cấm việc lấn chiếm rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp để nuôi trồng thuỷ hải sản, xử lý nghiêm khắc những trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích làm tổn hại đến rừng. Những diện tích sử dụng không đúng quy hoạch cần thu hồi và xử lý nghiêm khắc. Nơi nào nuôi tôm không có hiệu quả, cương quyết lấy lại đất để trồng rừng, tạo môi trường sống lâu dài cho hải sản.
Đối với bãi bồi ven biển, nên có chủ trương phát triển rừng, lấn biển, nên giao cho cơ quan chuyên ngành quản lý ngay từ đầu, không nên giao cho chính quyền cấp xã quản lý, dân sẽ tự ý khoanh nuôi thuỷ sản, ảnh hưởng sự phát triển của rừng khi bãi bồi ổn định.
Cần có giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng bất lợi của các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, đê biển... đến các hoạt động bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương huyện, xã, các lực lượng vũ trang trên địa bàn để tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, làm tốt công tác khuyến lâm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động thông qua trồng rừng…
Bằng các biện pháp kỹ thuật khôi phục và phát triển rừng ngập mặn tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ làm giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để nuôi trồng thủy sản. Từ đó giúp bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.