Theo đó, trên địa bàn cả nước đã có 850 xã, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; cơ sở vật chất của các xã được tăng cường, đầu tư xây dựng trên 5.000 công trình với khoảng 70.000 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp hơn 3.000 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, trong đó nạo vét, tu sửa gần 7.000 km kênh mương, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; hệ thống tổ chức chính trị, xã hội được củng cố, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chưa đạt được mục tiêu theo cơ cấu vốn đã quy định. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc ban hành văn bản về quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới không kịp thời. Một số Bộ, cơ quan Trung ương không phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, dẫn đến hướng dẫn không phù hợp với điều kiện đặc thù ở các vùng khó khăn nên một số tiêu chí thực hiện đạt thấp, (tiêu chí giao thông chỉ đạt 23,4%, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa 19,8%, tiêu chí môi trường 28,5%).
KTNN cũng chỉ rõ, hầu hết các địa phương chưa ban hành văn bản về cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư cho Chương trình, hoặc cơ chế huy động vốn đã ban hành nhưng còn một số hạn chế, chưa tích cực huy động nên việc huy động các nguồn lực đầu tư cho Chương trình chưa đạt được mục tiêu theo cơ cấu vốn đã quy định.
Hầu hết các địa phương chưa ban hành quy định mức hỗ trợ từ NSNN về vốn đầu tư để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, thành phố giai đoạn 2010-2020, do đó không có cơ sở xác định tỷ lệ, số vốn còn thiếu làm căn cứ huy động các nguồn vốn (từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư...). Mặt khác, chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên việc huy động vốn từ khối doanh nghiệp gặp khó khăn, đạt tỷ lệ thấp.
Chính sách hỗ trợ một phần NSNN bằng hình thức hỗ trợ xi măng tại một số địa phương là nguồn động lực cho nhân dân tích cực tham gia đóng góp tự nguyện ngày công, hiến đất, góp tiền để xây dựng Chương trình. Nhưng tại một số địa phương chính sách này còn bất cập dẫn đến chưa hiệu quả và còn tình trạng hỗ trợ sai quy định, chưa tiết kiệm cho NSNN. Việc huy động vốn dân góp theo diện tích đất canh tác, hộ sản xuất kinh doanh, phương tiện vận tải,...chưa đúng theo Điều 1, Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình (Huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).
Chương trình MTQG không đạt được mục tiêu 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2014 mới đạt 9,54% và đến tháng 11/2015 chỉ đạt 14,56% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, thấp hơn so với mục tiêu 5,44% (14,56%/20%), tương ứng 484 xã.
Hầu hết các xã được công nhận đạt tiêu chí số 1 về quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhưng đều chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định; một số xã không duy trì được các tiêu chí về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một số địa phương còn nặng thành tích, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra nhưng không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt các dự án vượt khả năng cân đối vốn của địa phương, dẫn đến nợ XDCB 16.736 tỷ đồng (trong đó các xã đạt chuẩn nông thôn mới là 4.448 tỷ đồng).
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 124,41 tỷ đồng, Thu hồi nộp NSNN 18,44 tỷ đồng; giảm thanh toán 26,24 tỷ đồng; chuyển quyết toán năm sau 47.25 tỷ đồng; giảm giá trị trúng thầu 2,43 tỷ đồng; bố trí hoàn trả nguồn kinh phí trung ương 17,18 tỷ đồng; thu khác 9,7 tỷ đồng; xử lý khác 50,27 tỷ đồng./.