Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 10 năm 2021 | 9:1

Không để ai bị bỏ lại phía sau: Sứ mệnh của những chiến sỹ “áo hồng”

Hành trình 19 năm hình thành và hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã từng bước khẳng định vai trò, tầm vóc của mình.

Từ một ngân hàng chuyên trách trong vai trò “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, NHCSXH từng bước tham gia sâu vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện chính sách tín dụng giảm nghèo, an sinh xã hội, trở thành công cụ hữu hiệu thực thi các chính sách tín dụng khẩn cấp, đảm bảo nền kinh tế đất nước hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Những chiến sỹ “áo hồng” không ngừng nghỉ thực hiện trọn vẹn “sứ mệnh” không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.

 

11111.JPG
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, ông Đoàn Công Dũng ở thôn Phú Bông, xã Duy Trinh (Duy Xuyên - Quảng Nam) mạnh dạn phát triển mô hình trồng sen, nuôi cá nước ngọt. Ảnh: T.L. 

Hành trình dựng xây và con số “biết nói”

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng và Chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo, tháng 3/1995, Chính phủ đã thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Nhà nước đóng góp. 

Ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo, đặt trong Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (NHNo&PTNT Việt Nam), hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo thiếu vốn sản xuất.

Với mô hình tổ chức được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở tận dụng bộ máy và mạng lưới sẵn có của NHNo&PTNT Việt Nam, Ngân hàng Phục vụ người nghèo đã thiết lập được kênh tín dụng riêng để hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo ở Việt Nam với các chính sách tín dụng hợp lý, giúp hộ nghèo có vốn sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, từng bước làm quen với nền sản xuất hàng hoá và có điều kiện thoát khỏi đói nghèo.

Tuy nhiên, từ bộ phận quản trị đến bộ phận điều hành của Ngân hàng Phục vụ người nghèo đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên có rất ít thời gian để nghiên cứu những vấn đề thực tiễn, hạn chế công việc nghiên cứu đề xuất chính sách, cơ chế quản lý điều hành. Mọi hoạt động về nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đều giao cho ban điều hành nghiên cứu soạn thảo trong khi ban điều hành đang thuộc NHNo&PTNT Việt Nam. Như vậy, không tách được chức năng hoạch định chính sách và điều hành theo chính sách.

Hơn nữa, bên cạnh Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác còn được giao cho nhiều cơ quan Nhà nước, hội đoàn thể và ngân hàng thương mại Nhà nước cùng thực hiện theo các kênh khác nhau, làm cho nguồn lực của Nhà nước bị phân tán, chồng chéo, trùng lắp, thậm chí cản trở lẫn nhau. Bên cạnh nguồn vốn cho vay hộ nghèo được Ngân hàng Phục vụ người nghèo và NHNo&PTNT Việt Nam thực hiện thì thực tế còn có: nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm do Kho bạc Nhà nước quản lý và cho vay; nguồn vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do Ngân hàng Công Thương thực hiện; nguồn vốn cho vay ưu đãi các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi, các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ…

Triển khai Luật các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; các nghị quyết của Đại hội Đảng IX, Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá X về việc sớm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của NHCSXH, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại; đồng thời thực hiện cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) về việc thành lập Ngân hàng Chính sách; ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tách khỏi NHNo&PTNT Việt Nam.

 

tổng-giám-đốc-nhcsxh-dương-quyết-thắng-kiểm-tra-thông-tin-tín-dụng-chính-sách-tại-xã-sín-thầu-huyện-mường-nhé-tỉnh-điện-biên-copy.JPG
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra mô hình sản xuất chăn nuôi từ nguồn tín dụng chính sách tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

NHCSXH được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội,  vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh.

Mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau là sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam xuyên suốt chặng đường và hành trình hoạt động của NHCSXH. Với 11.000 Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND cấp xã trong toàn quốc, cùng với mối quan hệ bền chắc giữa NHCSXH với cả hệ thống chính trị đã trở thành điểm tựa để NHCSXH nhanh chóng đưa chính sách vào sâu rộng trong cuộc sống.

Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam lần đầu tiên và là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm trước 10 năm Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo.

Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng giai đoạn. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam 58,1%. Giai đoạn 2016-2020, giảm từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trung bình giảm 1,43%/năm, tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK, 125 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới...

 

tín-dụng-chính-sách-xã-hội-của-chính-phủ-đã-và-đang-là-động-lực-chính-giúp-người-nghèo-và-các-đối-tượng-yếu-thế-tự-tin-vươn-lên-trong-cuộc-sống-copy.JPG
Tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ đã và đang là động lực chính giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế tự tin, vươn lên trong cuộc sống.

Dấu ấn những bước tiến mới

Từ thuở sơ khai, NHCSXH mới chỉ thực hiện 3 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên với nguồn lực hạn hẹp. Trong 8 năm đầu thành lập, NHCSXH đã đề xuất, triển khai nhiều giải pháp tăng trưởng nguồn vốn, từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình giảm nghèo, công tác an sinh xã hội.

Đến năm 2010, NHCSXH đã cho vay tới 18 chương trình tín dụng dựa trên nền tảng của 3 chương trình tín dụng ban đầu, phủ kín nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ vì sự phát triển cân đối của nền kinh tế và sự ổn định xã hội.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, bước vào chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 với những thách thức mới cho công cuộc giảm nghèo Việt Nam đòi hỏi tín dụng chính sách phải có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu mà “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội” năm 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”. Bởi vậy, để thực thi được, hoạt động của NHCSXH không thể dựa trên kế hoạch manh mún hàng năm như trước mà cần có chiến lược phát triển dài hạn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài khoá trung hạn.

Những tâm ý này đã được gửi gắm trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020. Từ đây mở ra thời kỳ mới cho hoạt động của NHCSXH. Trong đó, NHCSXH tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH không chỉ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà còn góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Tiếp theo thành quả của 8 năm trước, NHCSXH tiếp tục kết nối cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia triển khai thực thi các chính sách tín dụng xã hội, mà việc NHCSXH tham mưu chính sách để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) được xem là một đột phá lớn.

Chỉ thị số 40-CT/TW như khoảng cao trào trong bản trường ca xóa đói giảm nghèo, làm đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho người nghèo, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, hơn thế là tăng tốc hòa nhịp cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

Tính đến đầu tháng 10/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đã đạt trên 255 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt gần 25 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn tăng trưởng ổn định là nền tảng để NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 242 nghìn tỷ đồng, với 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Những thành quả hoạt động của NHCSXH thực hiện trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao và ghi nhận bằng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.

Ấm nóng trong từng chính sách

Thực hiện chủ trương nhân văn của Chính phủ là mang vốn ưu đãi đến những người nghèo, gần 20 năm qua, NHCSXH đã khẳng định vai trò và sứ mệnh của một mô hình quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo, duy nhất của Việt Nam, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cả xã hội tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Với tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” của hơn 10.000 cán bộ phủ rộng ở gần 11.000 Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND cấp xã trong toàn quốc, cùng với mối quan hệ bền chắc giữa NHCSXH với cả hệ thống chính trị đã trở thành điểm tựa để NHCSXH nhanh chóng đưa chính sách vào sâu rộng trong cuộc sống ngay tuần đầu triển khai và dư nợ tiếp tục tăng theo cấp số nhân theo thời gian.

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid - 19”, dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, song chỉ sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ,   hệ thống NHCSXH với các chiến sỹ “áo hồng” đã giải ngân được trên 442 tỉ đồng cho 830 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 125.481 người lao động tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, duy trì sản xuất, tạo đà phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Đây là kết quả của quan điểm xuyên suốt mà Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chỉ đạo toàn hệ thống: “Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Không để người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của Chính phủ”.

Chính sách càng thêm thẩm thấu nhanh vào cuộc sống khi trước đó NHCSXH đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm điều kiện, đơn giản hóa tối đa thủ tục, mở rộng đối tượng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách.

“Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là chính sách rất cần thiết trong thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh, đưa chính sách đi vào cuộc sống càng sớm càng tốt, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định.

Không chỉ nhiệt huyết trong công việc, “những trái tim hồng” đã tăng thêm sức mạnh cho cả nước chống dịch và phát triển kinh tế qua công tác an sinh xã hội. Từ năm 2020 đến nay, hệ thống NHCSXH đã thực hiện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 47 tỉ đồng. Riêng 10 tháng năm 2021, hỗ trợ trên 40,7 tỉ đồng cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để mua dụng cụ, thiết bị y tế, mua vaccine, mua nhu yếu phẩm.

Câu chuyện NHCSXH tham gia cùng cả nước chống dịch Covid-19 trên cho thấy vai trò và sự phát triển vượt bậc trong hành trình 19 năm xây dựng, phát triển của NHCSXH.

Mới đây nhất, với mong muốn trao yêu thương trong mùa dịch Covid-19, Công đoàn NHCSXH sẽ trao tặng 500 bộ máy tính cho các Lá chưa lành, học sinh mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhanh chóng ổn định việc học tập trong năm học 2021 - 2022 - năm học mà vì dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến thay cho trực tiếp.

Với phương châm “trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, Công đoàn NHCSXH đã tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến tại các khu vực đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Với tinh thần đó, 500 bộ máy tính (trị giá 5 triệu đồng/bộ) sẽ được Công đoàn NHCSXH trao tặng cho 315 Lá chưa lành, là những em nằm trong Chương trình “Cặp lá yêu thương” của Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội và NHCSXH đồng phối hợp tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố đang mồ côi cả cha lẫn mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ do dịch bệnh Covid-19, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; và 185 em học sinh mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 tại 9 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng.

 

mô-hình-trồng-cây-ăn-quả-mang-lại-hiệu-quả-kinh-tế-cao-của-gia-đình-anh-giáp-văn.jpg
Mô hình trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Giáp Văn Tiện ở xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn.

 

Chuyển biến mạnh về “chất”

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cùng các hướng dẫn về tăng gia sản xuất của các ngành chức năng, người dân, nhất là các hộ ở vùng đồng bào DTTS đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Phạm Thị Thiếp ở thôn Ta Ay Ta, xã Trung Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) là một điển hình. Vốn không được học hành cũng không có công ăn việc làm ổn định nên sau khi lập gia đình, cái nghèo mãi bám đuổi hai vợ chồng chị. Năm 2013, trong lần nghe đài truyền thanh huyện phát thông tin chia sẻ về nguồn vốn vay của NHCSXH, chị mới biết mình thuộc đối tượng vay vốn làm ăn phát triển kinh tế mà không cần thế chấp tài sản. Chị bàn với chồng vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện A Lưới đầu tư mua cặp bò làm giống, đầu tư thêm lợn nái để phát triển kinh tế gia đình.

Từ hai con bò ban đầu và con lợn nái mua từ vốn vay NHCSXH, năm đầu tiên chị có thêm cặp bò con và đàn lợn nuôi lấy thịt. Một số khoản chi trong gia đình nhờ đó cũng được cải thiện. Hàng tháng, chị dành dụm tiền gửi tiết kiệm để trả dần gốc, lãi; sau này nhờ đó giảm gánh nặng nợ cuối kỳ.

Hiện, “gia tài” của chị Thiếp không còn là mái tranh tạm bợ mà là ngôi nhà cấp 4 khang trang và đàn bò 13 con, 6ha rừng. Không chỉ thoát nghèo, chị Thiếp còn trở thành hộ khá giả của thôn, với thu nhập trung bình đạt gần 250 triệu đồng/năm và có tiền chu cấp cho hai con ăn học đầy đủ để mang cái chữ về phục vụ thôn, bản trong tương lai. Đó là một trong những minh chứng hiệu quả của cách làm “Trao cần câu thay vì cho con cá”, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa nâng cao ý thức chủ động phát triển sản xuất nâng cao đời sống của người dân.

Theo bà Hồ Thị Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới, người từng gắn bó với các hoạt động tín dụng chính sách từ khi còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn A Lưới, người dân vùng cao trước đây có thói quen du canh, du cư nên ít khi nghĩ đến chuyện ổn định sản xuất để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức trong ổn định sản xuất được định hình, các nguồn vốn cũng chuyển dần từ phương thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ sinh kế như: đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm; cho vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Sự thay đổi đó đã tác động tích cực đến người dân, thúc đẩy họ chủ động, nỗ lực, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác giảm nghèo.

Đặc biệt, hiệu ứng của việc tập trung triển khai tuyên truyền vận động xuống tận thôn, xóm để các tầng lớp nhân dân nắm bắt và có nhận thức đúng về tầm quan trọng của hoạt động TDCSXH đã cộng hưởng những giá trị mới trong việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW. Ngay cả ở nơi núi cao trên 2.000 mét như đỉnh Ngọc Linh - nơi có 99% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Ca Dong cũng không thiếu “hơi ấm” của Chỉ thị.

Được vay 25 triệu đồng từ NHCSXH huyện Nam Trà My (Quảng Nam) 10 năm trước đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, năm 2014, người đảng viên gương mẫu, kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ông Nguyễn Văn Lượng ở thôn 2, xã Trà Linh không chỉ trả hết nợ cho Nhà nước, thoát nghèo bền vững mà từ đó gia đình còn có của ăn, của để, con cái được học hành đầy đủ. Đồng thời, ông còn tích cực tuyên truyền khuyến khích bà con cùng vay vốn trồng sâm và thành lập nhóm hộ trồng sâm. Tạo điều kiện cho người dân có đủ điều kiện tiếp cận vốn, hướng dẫn cách chăm sóc và căn dặn bà con không được phá rừng. Nhờ cách quản lý riêng này mà đến nay đã có 32 hộ dân trong tổ thoát nghèo bền vững, nhiều hộ không chỉ có cái ăn, cái mặc, mà còn có tiền gửi tiết kiệm tại NHCSXH tới cả tỷ đồng.

Công cuộc thực thi chính sách ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu với sự chủ động từ các địa phương trong việc chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn như Quế Phong - huyện miền núi biên giới đặc biệt khó khăn về kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Nghệ An. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 90% dân số toàn huyện. Trong những năm qua, huyện đã lồng ghép các chương trình, xây dựng được nhiều mô hình, vận động nhân dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Huyện Đoàn với NHCSXH huyện về Chương trình cho vay hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hiện Quế Phong có 12/13 Đoàn xã, thị trấn đang quản lý nguồn ủy thác từ NHCSXH với 56 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 2.143 hộ vay. Huyện có 43 mô hình kinh tế thanh niên, trong đó có 16 mô hình thu nhập ổn định, trên 100 triệu đồng/năm.

Nông dân Quế Phong cũng mạnh dạn vay vốn chính sách ưu đãi để làm kinh tế. Từ nguồn tín dụng ủy thác của NHCSXH, Hội Phụ nữ huyện cũng xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Nguồn tín dụng của NHCSXH huyện thực sự là “bà đỡ” giúp người dân huyện Quế Phong vươn lên thoát nghèo bền vững.

Định hướng tập trung chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác về một đầu mối là NHCSXH và giải ngân theo các dự án của tỉnh, huyện xây dựng phù hợp với thực tế địa phương đang trở thành động lực, góp phần làm “sâu rễ bền gốc” cho nền kinh tế nhiều địa phương. Như ở huyện nghèo vùng cao, biên giới theo Nghị quyết 30a/NQ-CP - Si Ma Cai (Lào Cai), đất trồng trọt đã ít lại khô cằn vì thiếu mưa, với 7.234 hộ dân, trong đó 95% là đồng bào DTTS, 13/13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, Tỉnh ủy Lào Cai xây dựng riêng một chính sách hỗ trợ người dân Si Ma Cai vay vốn ngân hàng chăn nuôi gia súc tập trung, trong đó tỉnh cấp bù lãi suất cho vay tại NHCSXH.

Những năm qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) luôn được xem như “cánh tay nối dài” đưa nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn huyện. Họ không chỉ là đầu mối, kênh dẫn vốn một cách trực tiếp, tiện lợi mà còn giúp các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, đúng đối tượng, nâng cao ý thức tiết kiệm, qua đó, góp phần tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý tại cơ sở của NHCSXH.

Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp 4, xã Lộc Thái (Lộc Ninh) Cao Xuân Thao cho biết, từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn trái hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ TK&VV nên nhiều năm qua ông rất gắn bó với các tổ viên vay vốn trong ấp. Luôn tích cực tham gia tuyên truyền, cùng hướng dẫn, giúp đỡ bà con sử dụng vốn vay hiệu quả, cùng tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV…Trước đây, nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế tự phát, hiệu quả kinh tế không cao. Khi tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV, các hộ gia đình được phổ biến kiến thức xã hội, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tổ TK&VV còn tích cực tuyên truyền, vận động thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm trên tinh thần tự nguyện để tạo vốn, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho hộ vay vốn, giảm bớt khó khăn khi trả nợ, vừa tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các Tổ TK&VV khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ nhưng tất cả đều phải được công khai với người dân.

Huyện Lộc Ninh hiện có 290 Tổ TK&VV với trên 12.000 tổ viên, số dư nợ đạt gần 390 tỷ đồng. Trong đó, có 232 Tổ TK&VV xếp loại tốt, 42 tổ xếp loại khá, 16 tổ xếp loại trung bình và không có tổ xếp loại yếu kém.

Cũng trong khoảng thời gian này, với sự tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành và NHCSXH, nhiều chính sách tín dụng xã hội mới đã được Chính phủ ban hành, như: Cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS miền núi giai đoạn 2017 - 2020; cho vay hỗ trợ làm nhà đối với hộ nghèo; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; cho vay bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững; cho vay nhà ở xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống các chính sách vừa có tính liên hoàn, vừa có tính kết nối hướng vào từng nhu cầu bức thiết của người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp họ rút ngắn chặng đường nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

“Cuộc chiến” còn nhiều thách thức

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, thường xuyên của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Song, thực tế đến nay kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.

Đấy là chưa kể trong thực tiễn, tình trạng trục lợi chính sách xóa đói giảm nghèo vẫn diễn ra ở một số nơi. Tỉnh Quảng Bình từng phải xử lý hàng loạt cán bộ ở xã Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch) do hàng loạt người thân, bà con với cán bộ lãnh đạo xã “đi lạc” vào hộ nghèo để hưởng chế độ chính sách, hỗ trợ của Nhà nước

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa dạo cuối tháng 5-2020 cũng phải có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát lại danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, trong đó yêu cầu đưa ra khỏi danh sách những hộ không thuộc đối tượng. Trước đó, trong quá trình chi trả tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tại tỉnh Thanh Hóa đã lộ ra nhiều lãnh đạo xã có người thân nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều gia đình có điều kiện đi ôtô, ở nhà lầu nhưng vẫn “lọt” vào danh sách hộ cận nghèo khiến dư luận bức xúc.

UBND huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) sau khi kiểm tra thông tin do báo chí phát hiện cuối tháng 4-2020 cũng đã xác định tại 2 xã Quý Hòa và Tân Lập có 12 cán bộ, đảng viên “lọt” danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng…

Càng nhiều trường hợp trục lợi chính sách giảm nghèo thì càng ít cơ hội cho người nghèo thoát nghèo, dù có chính sách tốt.

Nói thế để thấy “cuộc chiến” giảm nghèo đang bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn trước nhiều thách thức, không chỉ đơn thuần chi phí càng lớn thì sẽ càng hiệu quả. Nói như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thì để có tầm nhìn 2045 vì “một Việt Nam không có đói nghèo” thì “giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà phải bằng cả trái tim”.

Gắn tín dụng ưu đãi với hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nghề

Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong những tháng cuối năm 2021, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tích cực tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư trong giai đoạn mới; trọng tâm là tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Kế hoạch của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình  TDCSXH.

Cụ thể, tiếp tục tập trung các nguồn vốn TDCSXH có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào NHCSXH; ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững; tạo điều kiện để NHCSXH mở rộng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng Nhà nước, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và từ các tổ chức, cá nhân khác.

Các địa phương tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn TDCSXH; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH trên địa bàn các địa phương. Các tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia cần bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này.

Thứ hai là, đẩy mạnh việc gắn kết chính sách TDCSXH với các hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn TDCSXH.

Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn TDCSXH; chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng; tăng cường công tác tuyên truyền về TDCSXH của Nhà nước đối với người dân.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, tiếp bước trên chặng đường mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc sớm, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lao động, đời sống của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách. NHCSXH định hướng phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định, lâu dài, đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

“Theo đó, các mục tiêu, định hướng, giải pháp sẽ được thiết kế và xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và phù hợp với thực tiễn hoạt động của NHCSXH trong những năm vừa qua, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng khẳng định.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • HLV và TT Thanh Hoá: Giúp hội viên xây dựng thương hiệu nông sản, hướng đến xuất khẩu

    HLV và TT Thanh Hoá: Giúp hội viên xây dựng thương hiệu nông sản, hướng đến xuất khẩu

    Xác định xây dựng mã số vùng trồng, trồng trọt theo quy trình VietGAP sẽ giúp nông sản tăng sức cạnh tranh; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dễ dàng tiêu thụ, từ đó nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, Hội Làm vườn và Trang trại (HLV-TT) tỉnh Thanh Hoá đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Top