Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 1 năm 2020 | 11:39

Không để bệnh viêm phổi lạ xâm nhập vào nước ta

Bệnh viêm phổi lạ (chứng viêm phổi do chủng coronavirus mới) đang có dấu hiệu phát tán ra khu vực châu Á. Ngày 16/1, đã có thêm Nhật Bản xác nhận có ca mắc bệnh.

 

dichj1.jpg

Chợ hải sản đầu mối ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - nơi phát sinh dịch viêm phổi do chủng coronavirus mới gây ra - Ảnh: KYODO

 

Đây là quốc gia thứ 3 có bệnh nhân mắc bệnh, sau Trung Quốc và Thái Lan.

Từ Trung Quốc đến Thái Lan, Nhật Bản

Theo thống kê từ Bộ Y tế Việt Nam, bệnh nhân viêm phổi lạ đầu tiên được ghi nhận hôm 12/12/2019 tại chợ hải sản thuộc thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Số ca bệnh tăng dần, đỉnh điểm là đến cuối tháng 12/2019, sang tháng 1/2020, nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa chợ, khi số ca mắc tăng lên và hầu hết bệnh nhân là chủ các quầy hàng tại chợ. Dù vậy, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng đến 5/1 vừa qua.

Tính tới trưa 16/1, mới ghi nhận 2 trường hợp nhiễm chủng coronavirus mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Theo hãng tin Kyodo, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ở Nhật là một công dân Trung Quốc đã tới Vũ Hán. Đây là một thanh niên độ tuổi 30 sống tại tỉnh Kanagawa, phía nam thủ đô Tokyo. 

Anh này bị sốt cao ngày 3/1 khi đang ở Vũ Hán. Sau đó 3 ngày, anh từ Vũ Hán về lại Nhật và tới ngày 10/1 thì nhập viện. Ngày 15/1 người bệnh này đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Nhật, thông tin đáng chú ý trong ca bệnh duy nhất ghi nhận ở đây là người bệnh đã không hề tới khu chợ hải sản đầu mối ở Vũ Hán, nơi phát dịch đầu tiên. Do đó, khả năng lớn nhất là người này đã có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh viêm phổi trong thời gian ở Vũ Hán. Thông tin này tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về khả năng lây nhiễm từ người sang người của chủng coronavirus mới.

Trước Nhật Bản 1 ngày, Thái Lan cũng thông báo xác nhận trường hợp đầu tiên bị viêm phổi có nguyên nhân từ chủng coronavirus mới tại Vũ Hán. Người nhiễm bệnh cũng là một khách du lịch Trung Quốc từ Vũ Hán tới Thái Lan. Người này đã được điều trị cách ly.

Biểu hiện viêm phổi lạ khác gì những bệnh tương tự?

Theo ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, về lâm sàng không dễ phân biệt bệnh viêm phổi mới này với các bệnh lây qua đường hô hấp có biểu hiện tương tự. Nhìn chung bệnh nhân bị bệnh có ho, sốt, sổ mũi, viêm phổi... tùy mức độ nhẹ đến nặng.

Việc xét nghiệm xác định bệnh nhân có phải mắc bệnh viêm phổi mới này hay không hiện cần gần 3 ngày, nhưng thời gian xét nghiệm sẽ rút ngắn xuống rất nhanh trong thời gian tới bởi hiện các nhà khoa học quốc tế đang nỗ lực để sớm rút ngắn thời gian xét nghiệm.

Về phòng bệnh viêm phổi lạ cũng như bệnh cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp, các chuyên gia khuyến cáo không tiếp xúc gần với người đang có ho, hắt hơi, sổ mũi... Nếu trường hợp bắt buộc, nên đứng/ngồi song song và khoảng cách tối thiểu là 2m, nguy cơ lây bệnh sẽ giảm xuống rất thấp.

Chỉ đảm bảo ngăn được 60% nguy cơ

Mặc dù đã có 3 quốc gia ghi nhận bệnh nhân viêm phổi lạ, nhưng có 2 yếu tố khiến giới y khoa có thể khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng. Thứ nhất, chứng viêm phổi do chủng coronavirus mới hiện có biểu hiện trên lâm sàng không phải là quá nặng, có một bệnh nhân tử vong nhưng bệnh nhân đó có bệnh cảnh nền, là yếu tố làm tăng nặng biểu hiện bệnh. Thứ hai, hiện chưa có bằng chứng rõ rệt về việc lây truyền từ người sang người.

Vì vậy, giới chức y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, như thường xuyên rửa tay sạch, sát trùng đường mũi họng, không tiếp xúc gần với người đang gặp các chứng viêm đường hô hấp cấp tính, nếu cần thiết thì cần đứng/ngồi song song và khoảng cách tối thiểu 2m như hướng dẫn trên.

 

dich-2.jpg

Ngôi chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán - nơi bùng phát dịch bệnh - hiện đã bị đóng cửa - Ảnh: GETTY IMAGES

 

Theo số liệu từ Bộ Y tế Việt Nam, thành phố Vũ Hán có 17 triệu dân, Việt Nam cũng đang duy trì hoạt động của hàng chục đường bay quốc tế, việc phòng ngừa, giám sát với những người có sốt, có biểu hiện bệnh chỉ đảm bảo ngăn được 60% nguy cơ, còn 40% là "khoảng trống nguy cơ". 

Trong dịp tết tới đây, khi giao thương, đi lại tiếp tục tăng, Bộ Y tế cho rằng nếu có các trường hợp mắc bệnh/nghi mắc bệnh, việc cách ly sẽ thực hiện như với người mắc bệnh cúm và viêm đường hô hấp thông thường.

Phòng bệnh thế nào?

Tuy các biểu hiện lâm sàng không nặng nề như SARS, cúm A/H5N1 và tỉ lệ tử vong chưa phải là cao (đến nay có một bệnh nhân tử vong), có những dấu hiệu cho thấy không thể chủ quan với căn bệnh này: có chùm ca bệnh, có dấu hiệu cho thấy có thể lây từ người sang người, các ca bệnh cho đến nay đều xuất phát từ Vũ Hán trong khi đây lại là đầu mối giao thương lớn.

Đặc biệt, hiện chưa rõ nguồn gốc của bệnh: Từ động vật hay từ đâu? Loài động vật nào? Trong 20 năm qua, các bệnh mới phát sinh trên người đều có nguồn gốc từ động vật và đều rất nguy hiểm, như cúm gia cầm H5N1, SARS, MERS- CoV...

Phát biểu tại phiên họp ngày 15/1 của Bộ Y tế, các chuyên gia cho biết có 2 yếu tố khiến họ nhận định chưa bùng phát dịch, do chưa có bằng chứng rõ nét lây từ người sang người và các dấu hiệu lâm sàng của bệnh không quá nặng nề. Trường hợp tử vong đầu tiên ngoài mắc chứng viêm phổi lạ còn có bệnh cảnh nền làm biểu hiện bệnh nặng thêm.

Tuy nhiên, ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay do mùa tết lưu lượng giao thương đi lại, du lịch rất lớn, thành phố Vũ Hán là đầu mối giao thông. Một chuyên gia khác cũng nhận định việc giám sát thông qua máy đo thân nhiệt và các biện pháp khác cũng chỉ ngăn chặn được 60% nguy cơ, 40% còn lại là "khoảng trống" đáng lo ngại.

Chính vì vậy, đã có 3 kịch bản đối phó với viêm phổi lạ được đặt ra, nhất là khi đã có những bệnh nhân đầu tiên đến Việt Nam từ Vũ Hán được đưa vào diện phải giám sát. Dù sắp đến dịp nghỉ Tết, nhưng chống dịch thì không nghỉ.

 

dich.jpg

 

Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh viêm phổi lạ và các bệnh lây qua đường hô hấp, cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc (khoảng cách tối thiểu là 2m), hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

Cục cũng yêu cầu những người trở về từ thành phố Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại Vũ Hán, hoặc có sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn sức khỏe.

Không để dịch bệnh xâm nhập vào nước ta

Về dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc và khả năng lây lan vào Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1696/TTg-KGVX ngày 17/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào nước ta.

Bộ Y tế khẩn trương ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo quy định và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh.

 

Diễn biến bệnh viêm phổi lạ

Ngày 12/12/2019: Ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Ngày 1/1/2020: Đóng cửa chợ hải sản, nơi xuất hiện các ca bệnh.

Ngày 11/1: Trung Quốc xác nhận đã có ca tử vong do bệnh.

Ngày 13/1: Thái Lan thông báo có bệnh nhân mắc bệnh.

Ngày 15/1: Nhật Bản xác nhận ca bệnh.

Ngày 16/1: tổng cộng 61 bệnh nhân ở 3 nước.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top