Nếu không liên kết sản xuất lớn, phát triển nông nghiệp giai đoạn tới sẽ không thể thành công được.
Đây là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển mới, vươn ra tầm quốc tế. (Ảnh: Hồng Quang) |
Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là nghị quyết đúng và trúng yêu cầu thực tiễn, tạo ra bước ngoặt về phát triển nông nghiệp. Sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương đã tạo sự lan tỏa tới cộng đồng, các thành phần kinh tế xã hội, giúp huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp.
Đáng chú ý, trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2017, toàn xã hội đã huy động được khoảng 1,7 triệu tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 28%, người dân và cộng đồng đóng góp 15,82%.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển mới, vươn ra tầm quốc tế. “Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có sức sản xuất nông nghiệp lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân mà còn đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.”
Đánh giá về vấn đề nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Nông dân Việt Nam đã trưởng thành, rất nhiều mô hình trang trại, nhiều nông dân đã liên kết với doanh nghiệp và hợp tác xã, tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, nhiều người nông dân đã mạnh dạn xây dựng trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ…
“Điều rất phấn khởi là thu nhập của người nông dân tăng lên rõ rệt, vượt xa mục tiêu Nghị quyết đề ra”, Bộ trưởng nói.
Thu nhập của người dân vùng nông thôn đã tăng 3,6 lần, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. (Ảnh: Phan Ánh/VOV - ĐBSCL) |
Nghị quyết đặt ra mục tiêu khái quát là trong vòng 10 năm, tăng 2,5 lần mức thu nhập của người dân ở vùng nông thôn. Vào năm 2008, thu nhập trung bình của người dân vùng nông thôn là 9,1 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2017, mức thu nhập đã đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 3,6 lần so với năm 2008. Ước tính con số này sẽ tăng lên 36 - 37 triệu đồng/người/năm trong năm 2018.
Đối với phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Nhiều khả năng chúng ta sẽ vượt mục tiêu (đến năm 2020, 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới), bởi ước tính năm 2019, sẽ có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.”
Liên kết sản xuất lớn ra sao?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vấn đề quan trọng đặt ra là phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam thời gian tới ra sao, trước những cơ hội và thách thức từ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Xuân Cường nhận định, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội rất tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa.
Song hành với các cơ hội là đầy rẫy những thách thức. Hội nhập toàn cầu cũng đặt ra mặt trái thách thức, gây áp lực cho sản xuất nông nghiệp trong nước. “Nếu không cố gắng, chúng ta sẽ bị thua trên sân nhà, mất thị trường 100 triệu dân ngay trên sân nhà”, Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải tổ chức thật nhanh, thật hiệu quả sản xuất quy mô nhỏ thành liên kết sản xuất lớn, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân trong tổ chức sản xuất. “Nếu không có yếu tố này, không thể thành công được.”
Trong 10 năm qua, một số tập đoàn lớn của Việt Nam đã ưu tiên phát triển nông nghiệp và đồng hành cùng bà con nông dân. Tuy nhiên, để thu hút thêm đầu tư vào nông nghiệp, nhất là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân các vùng miền, cần làm tốt Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, sớm sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để đẩy mạnh chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tháo gỡ các nút thắt cho đầu tư nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tùy vào từng giai đoạn phát triển cụ thể để xác định ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bởi đây là khu vực yếu thế, khu vực dễ tổn thương, rất khó làm và nhiều rủi ro.
Nguồn lực ở đây không chỉ là ưu tiên về kinh tế mà phải bằng sự chỉ đạo, cơ chế, chính sách để khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã ra đời và liên kết chặt chẽ với người nông dân./.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.