Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có quy mô 186,49ha đang được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối tiêu thụ nông sản, kho vận của các tỉnh phía Bắc.
Mong mỏi dự án sớm hoàn thành
Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường có quy mô lập quy hoạch 186,49 ha.
Trong đó, đất thuộc phạm vi dự án gồm: 92,99 ha đất xây dựng thương mại đô thị; 32,62 ha đất xây dựng Chợ đầu mối nông sản thực phẩm; 17,41 ha đất xây dựng hệ thống kho vận; 11,15 ha đất xây dựng Chợ điện tử, vật liệu xây dựng.
Dự án nằm sát tuyến đường lớn nối thị trấn Thổ Tang ra ngã tư Vĩnh Tường, thuộc địa phận 3 xã: Tân Tiến, Lũng Hòa và Yên Lập của huyện Vĩnh Tường, do Công ty Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư.
Dự án với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi về tiêu thụ nông sản cho các xã, thị trấn ở phía Bắc. Góp phần ổn định thị trường nông sản, hình thành nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa. Với sự đầu tư bài bản, Chợ đầu mối nông sản có hệ thống kho vận, khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu về kho bãi, vận chuyển hàng hóa, giải quyết thủ tục hải quan của các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Được biết, dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn nhân dân trong huyện, dịch chuyển mạnh cơ cấu nền kinh tế. Ông Kháng Đức Toàn (thôn Đông, xã Lũng Hòa) cho biết, nhà ông có 2 sào ruộng (khoảng 600m2) nằm trong diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án. Ngoài hỗ trợ theo khung giá của nhà nước, nhà đầu tư còn hỗ trợ thêm cho mỗi hộ gia đình một khoản để hỗ trợ an sinh. Ông Toàn kể: Nhà có 5 người con, ngoài 1 con gái đi lấy chồng ở xa thì cả 4 người con đều đang buôn bán ở Thị trấn Thổ Tang. “Các cháu rất mong khu chợ mới sớm được xây dựng, khi đó việc kinh doanh chắc chắn sẽ thuận lợi hơn, kinh tế gia đình khấm khá hơn”, ông Toàn cho hay.
Ông Phùng Thành Công, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết thêm, địa bàn có khoảng 40ha nằm trong dự án chợ đầu mối. Diện tích lớn nhưng được sự đồng thuận của người dân nên đến nay diện tích GPMB đã hoàn thành trên 98%. Những hộ chưa GPMB xong chủ yếu do tranh chấp đất trong gia đình. Theo lãnh đạo xã Yên Lập, dự án sẽ mang lại sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Đến nay, bà con đã không còn quan niệm “bờ xôi ruộng mật”, nhiều người đi làm kinh doanh thu nhập khá, người đi làm Cty lương ít nhất cũng được 6 triệu đồng/tháng… nhờ đó kinh tế địa phương đang dần đổi thay.
Có quy hoạch 1/500 không phải xin phép xây dựng
Thực tế, dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại tại huyện Vĩnh Tường đã được Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho chủ trương từ năm 2009. Tuy nhiên, sau thời gian dài hoàn thiện hồ sơ, đến năm 2017 có nhà đầu tư mới tham gia vào dự án.
Sau hơn 1 năm, chủ đầu tư tập trung hoàn tiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để thực hiện dự án. Trong đó có Quyết định 1858 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 30/6/2017 về việc chấp thuận đầu tư nội dung Khu đô thị Thương mại Vĩnh Tường thuộc dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 1616 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2/6/2017 về việc Phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 cho Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, đây là một dự án lớn của huyện nên huyện đã rà soát rất kỹ thủ tục, căn cứ pháp lý của dự án. Trước khi triển khai, UBND huyện đã gửi thông tin dự án bao gồm căn cứ pháp lý, hiệu quả của dự án đến toàn bộ người dân. Chính việc công khai, minh bạch thông tin từ đầu nên người dân hiểu và đồng thuận với dự án.
Qua giám sát, hiện đang có công trình nhà cấp 4 xây dựng trên đất dự án. Vị lãnh đạo huyện khẳng định đây là sàn giao dịch của dự án, mục đích để quản lý điều hành, giới thiệu dự án. Điều 89 Luật Xây dựng 2014 cũng chỉ rõ, trong Khu đô thị đã có quy hoạch 1/500 thì nhà ở dưới 500m2, dưới 7 tầng thì không cần cấp phép xây dựng.
“Đến thời điểm này, 189ha đất GPMB không có bất kỳ đơn thư khiếu kiện liên quan đến việc GPMB cũng như việc huy động vốn bất hợp pháp của chủ đầu tư”, lãnh đạo huyện khẳng định.
Chủ đầu tư mong muốn sớm thực hiện nghĩa vụ tài chính
Đại diện Cty CP đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long cho biết, là đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh nên công ty luôn coi trọng công tác an sinh xã hội ở địa phương. Trong công tác GPMB, doanh nghiệp luôn đưa mức hỗ trợ người dân tốt nhất, đồng thời bỏ vốn xây dựng các công trình phúc lợi như: Nghĩa trang nhân dân, nhà văn hóa, tượng đài liệt sĩ…
Đối với thông tin cho rằng, doanh nghiệp không nộp thuế sử dụng đất của dự án, Cty khẳng định: “Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, chúng tôi đã có văn bản gửi cơ quan chức năng xin nộp tiền thuế đất”. Cụ thể, ngày 6/6/2018, Công ty đã có công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Sở TN&MT Vĩnh Phúc xin xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp cho nhà nước theo Quyết định giao đất của UBND tỉnh. Vị này cũng khẳng định sẽ hoàn tất nghĩa vụ tài chính ngay khi có thông báo của cơ quan thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.