Những căn nhà mới khang trang tại Khu tái định cư Hương Sơ, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) đã mở ra tương lai mới cho các hộ dân trước đây sống “tạm bợ” trong Di tích Kinh thành Huế.
Cuộc sống khác trong ngôi nhà mới
Cuối năm 2020, 25 ngôi nhà tại Khu tái định cư Hương Sơ dành cho các hộ nghèo sinh sống tại Di tích Kinh thành Huế đã được hoàn thành. Những ngôi nhà này được chính quyền địa phương xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” và đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ trao đến cho người dân.
Cùng với đó, hàng trăm hộ dân khác sinh sống “tạm bợ” tại Di tích Kinh thành Huế đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng ở Khu tái định cư Hương Sơ. Sau khi hoàn thành ngôi nhà hằng mơ ước bao năm qua, họ đã chuyển đến nơi ở mới với tâm thế háo hứng và phấn khởi.
Ông Lê Văn Ten, 60 tuổi, có nhà tại lô E52 Khu tái định cư Hương Sơ, nhớ lại, ông từng tham gia bộ đội tại chiến trường Bình Trị Thiên từ năm 1966, sau đó cưới vợ và sống cùng gia đình nhà vợ tại Khu di tích Kinh thành Huế (đoạn qua phường Thuận Thành, thành phố Huế).
“Tôi không nhớ rõ là nhà vợ tôi đã ở đó từ khi nào, chỉ biết là đời ông nội của vợ đã ở đó, đến đời bố mẹ vợ tôi cũng ở đó, rồi sau này vợ chồng và con cái chúng tôi cũng ở đó. Nếu ước tính thì chúng tôi đã ở ngôi nhà cũ rộng hơn 50m2 tại Kinh thành Huế đến cả trăm năm rồi”, ông Ten kể lại.
Được biết, vợ chồng ông Ten sinh được 4 người con, 2 người trong số đó đã lập gia đình và có nhà riêng để ở. Khi thực hiện Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, ông Ten cùng người con út được cấp lô đất E52 với diện tích hơn 60m2. Cùng với đó, một người con khác cũng được cấp đất để xây nhà ở tại Khu tái định cư Hương Sơ.
“Như đổi đời chú ơi. Ngôi nhà mới này đẹp, khang trang gấp cả 20 - 30 lần so với chỗ ở cũ của chúng tôi. Giờ đây, vợ chồng tôi sinh sống cùng vợ chồng đứa út tại ngôi nhà này quá sức khang trang, đường sá thì rộng rãi, sáng sủa… đến giờ này tôi vẫn chưa tin là mình lại được đổi đời hay vậy”, ông Ten xúc động chia sẻ.
Con trai út của ông Ten chia sẻ thêm, 2 vợ chồng đều đang làm công nhân cho một công ty may tại thị xã Hương Thủy, sau khi chuyển đến nhà mới họ thấy hết sức phấn khởi và có động lực để cố gắng hơn nữa sao cho cuộc sống gia đình ngày càng được cao hơn.
Ông Đỗ Trọng Luận, 54 tuổi, đang sinh sống tại lô D 09 Khu tái định cư Hương Sơ cho biết, những đợt dịch bệnh và lũ lụt trong năm 2020 khiến gia đình gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, việc được chuyển đến nơi ở mới khang trang cũng chính là động lực để vợ chồng ông nỗ lực hơn trong ổn định cuộc sống.
Bà Lê Thị Thu cùng 4 người con đã được chuyển đến ngôi nhà mới có địa chỉ tại lô E30. Ngay sau khi đến nơi ở mới, bà Thu đã mở lại quán bún để bán cho người dân ăn sáng. Bà Thu chia sẻ, trước đây đã bán bún được mấy chục năm rồi nên giờ ra đây mở quán lại cũng nhanh. Có điều, dân ở đây vẫn còn ít nên sức mua chưa bằng quán cũ của dì. Mong là năm mới khi người dân ra sinh sống nhiều hơn thì bán được hơn con à.
Trả lại vẻ đẹp cho Kinh thành Huế
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND phường Hương Sơ Lê Kim Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 550 hộ từ khu vực Kinh thành Huế chuyển đến sinh sống trên địa bàn theo đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống Di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố Đô Huế.
Trong khoảng thời gian vừa qua, địa phương hết sức quan tâm, hỗ trợ người dân đến sinh sống tại Khu tái định cư Hương Sơ trong việc phát triển sinh kế cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Thời gian tới, khi các hộ dân chuyển hộ khẩu đến địa phương thì công tác quản lý, điều hành sẽ được thuận lợi nhiều hơn, ông Nam chia sẻ.
Nhân viên Công ty Cây xanh chăm sóc cảnh quan tại Khu tái định cư Hương Sơ.
Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế là một trong những sự kiện nổi bật nhất năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề án được chia thành 02 giai đoạn, cụ thể: Từ năm 2019 - 2021 (giai đoạn 1) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh Thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ). Và, từ năm 2022 - 2025 (giai đoạn 2) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 04 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).
Tham dự bữa cơm tất niên, đón giao thừa vào tối 30 Tết vừa qua cùng với người dân khu tái định cư Hương Sơ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ bày tỏ sự hân hoan khi thấy người dân có nơi ở mới khang trang, sạch đẹp. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là cái Tết có ý nghĩa to lớn đối với người dân Khu tái định cư Hương Sơ nói riêng và đối với tỉnh nhà nói chung. Đây sẽ là bước ngoặt lịch sử không chỉ với người dân Thượng Thành mà còn với tỉnh nhà khi trả lại được mặt bằng cho kinh thành Huế, phát huy giá trị di sản.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.