Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 3, sáng nay (15/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Tờ trình của Chính phủ với thời hạn miễn thuế cho các đối tượng được bổ sung từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
Số tiền không lớn nhưng "khoan thư sức dân"
Nhìn chung các ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, giảm chi phí quản lý hành chính, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần “khoan thư sức dân”, khuyến khích tích tụ ruộng đất, sản xuất cánh đồng mẫu lớn, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước.
Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước.
Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng đồng ý với Tờ trình của Chính phủ vì cho rằng thu nhập nông dân rất thấp, giá thành sản phẩm bấp bênh ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân nên việc có chính sách ưu đãi là điều rất tốt.
“Tôi tính 34 tỷ đồng tiền thuế nếu có thu của nông dân mà đem so sánh với số tiền thất thoát trong vụ án Phạm Công Danh là 300 năm (đại án hơn 9000 tỷ - PV), vụ Trịnh Xuân Thanh là 100 năm (hơn 3.200 tỷ - PV)” – ông Võ Trọng Việt nêu ví dụ và nhấn mạnh nếu làm tốt phòng chống tham nhũng, chưa nói lãng phí tiêu cực thì số tiền vào ngân sách rất lớn so với thu từ người nông.
Cũng đồng tình quan điểm bổ sung đối tượng được miễn thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng điều này góp phần động viên nhân dân lao động sản xuất, ổn định lương thực. Tuy nhiên, ông Tỵ đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về hiệu quả sử dụng dất nông nghiệp của đối tượng này.
“Có lẽ hiện tượng tương đối phổ biến bây giờ là các hộ do khó khăn nên cho thuê, cho mượn, bán đất rồi đi làm thuê ngay trên chính mảnh ruộng của mình. Nên có đánh giá, tổ chức để sản xuất của người nông dân có hiệu quả” – ông Đỗ Bá Tỵ lưu ý.
Lợi dụng chính sách rồi bỏ đất hoang hoá thì cần xử lý
Liên quan đề nghị miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm, nhất là đất nông, lâm trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm về đất nông, lâm trường. (Ảnh: Quốc hội) |
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, hiện nay nhiều nông, lâm trường, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật để trục lợi...
“Thực tế có việc sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng trái phép gây lãng phí nguồn lực nhà nước, trục lợi. Diện tích này lớn, nếu không quản lý được mà còn miễn giảm thì tạo ra kẽ hở lớn trong quản lý đất đai. Chính phủ cần có khảo sát đánh giá thực trạng để xem có nên miễn giảm cho đối tượng này hay không” – ông Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến.
Ở góc độ khác, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị chú ý các đối tượng được miễn giảm không chỉ là nông dân mà ai sử dụng đất nông nghiệp là thuộc đối tượng được hưởng chính sách, vì chúng ta đang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
“Đằng sau đấy phải giải quyết câu chuyện miễn thuế nhưng đất bỏ hoang, cũng như với chính sách xoá đói giảm nghèo thì có hiện tượng ỷ lại, trông chờ, không chủ động phát triển. Cứ lợi dụng chính sách mà để đất bỏ hoang thì cũng phải có chế tài xử lý. Rồi có chuyện phát canh thu tô, lợi ích nhóm” – ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ rà soát để đảm bảo chính sách vào cuộc sống, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng người sản xuất nông nghiệp không hẳn là nông dân vì chúng ta đang quy hoạch phát triển sản xuất, thu hút đầu tư nên cần nghiên cứu thêm về đối tượng được hưởng chính sách. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nên có chế tài xử lý bỏ đất hoang hoá, sử dụng sai mục đích./.