Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, do sản lượng thanh long ngày càng tăng trong khi thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, chưa bền vững, nên giá thanh long thời gian qua thiếu ổn định.
Tại hội nghị, các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng bàn bạc, thỏa thuận phương thức hợp tác và ký kết một số hợp đồng tiêu thụ thanh long. Các doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn về thông quan ở cửa khẩu, có luồng hàng riêng cho trái cây tươi, hỗ trợ kinh phí giúp doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong khu vực và thế giới.Cả nước hiện nay có khoảng 37.000 ha thanh long với sản lượng 630.000 tấn/năm; tập trung phần lớn tại Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Riêng tỉnh Bình Thuận có 26.500 ha, sản lượng 500.000 tấn/năm. Trong đó, khoảng 15-20% tiêu thụ nội địa, còn lại 80-85% xuất khẩu qua 19 nước, nhưng phần lớn tiêu thụ qua đường biên mậu với thương nhân Trung Quốc.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, mở rộng thị trường nội địa và tìm kiếm thêm các thị trường khác ngoài Trung Quốc là hết sức cần thiết cho thanh long vào lúc này.
“Cần tăng cường kích cầu nội địa, mở rộng các hướng xuất khẩu. Hiện nay, thanh long xuất khẩu được 19 nước trên thế giới nhưng xu hướng tiến tới vẫn cần làm tìm mọi cách để mở rộng thị trường xuất khẩu nhiều hơn và mở rộng sản lượng xuất khẩu”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nêu rõ.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ thanh long giữa Sở Công Thương 3 tỉnh trồng thanh long là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với Sở Công Thương các địa phương là thị trường tiêu thụ; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến thanh long với các nhà phân phối; giữa các nhà sản xuất thanh long với các thương nhân xuất khẩu trong và ngoài nước./.