Tại Hội nghị về thị trường bất động sản (BĐS) do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia đều chung nhận định phải tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để giúp thị trường BĐS phát triển minh bạch, bền vững.
Mặt khác, xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, thời gian qua, tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, khó lường, tác động tới nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại. Mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kiểm soát tốt lạm phát đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn (xuất - nhập khẩu, thu chi, lương thực, năng lượng và lao động).
Theo Thủ tướng Chính phủ, đây là những nền tảng rất cơ bản để phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực đúng hướng, bền vững, mặt khác tuyệt đối không được chủ quan, lơ là để xử lý các vấn đề đặt ra, vượt qua các khó khăn, thách thức.
Nhấn mạnh về những ưu tiên hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: Cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đạt mức tăng trưởng theo chỉ tiêu Quốc hội giao.
Trong đó, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường.
Cũng theo Thủ tướng, thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.
Hội nghị được Chính phủ tổ chức nhằm đánh giá thực trạng thị trường BĐS, khẳng định và phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, nêu rõ, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, những vấn đề nổi lên. Tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế, từ đó đề xuất giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ… đối với lĩnh vực BĐS và các lĩnh vực liên quan để đảm bảo thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, với tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý, bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả.
Tạo cơ chế cho doanh nghiệp BĐS được tiếp cận vốn tín dụng
Tại hội nghị này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu đưa ra nhiều kiến nghị. Trong đó có việc tạo cơ chế cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% mức đầu tư dự án có sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15% mức đầu tư dự án có sử dụng đất từ 20ha trở lên. Có nghĩa là, chủ đầu tư có thể cần phải huy động vốn đến 80 - 85% tổng mức đầu tư của dự án có sử dụng đất.
Trong quá trình triển khai dự án (chưa đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai), việc chủ đầu tư rất cần các nguồn vốn bổ sung, nhất là nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có BĐS. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại đang có xu hướng “siết” tín dụng đối với BĐS, do đó, doanh nghiệp BĐS đặt kỳ vọng vào việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Cùng với những khó khăn trên, ở Việt Nam, thời điểm hiện tại, thị trường vốn vẫn chưa phát triển đầy đủ, các quỹ đầu tư BĐS, Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) quá nhỏ bé, nên các doanh nghiệp BĐS phải dựa vào việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm khoảng 38% GDP. Do đó, việc Nhà nước “siết” tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ ”đứt gãy” dòng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ ”ngộp thở”, nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm.
Nếu thị trường BĐS bị suy thoái thì có thể kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế vì BĐS có liên quan mật thiết đến hơn 35 ngành, lĩnh vực, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động, đồng thời có thể tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho tầng lớp người yếu thế trong xã hội.
Trước vấn đề này, HoREA kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và “nắn” dòng vốn tín dụng chứ không nên “siết” tín dụng và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với các chủ đầu tư có uy tín và dự án có tính khả thi và cho cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở, để xây dựng, sửa chữa nhà ở, đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro trong đó có BĐS. Theo đó, đến tháng 09/2023 (mà nên kéo dài đến hết năm 2023) thì các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
HoREA thống nhất với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng chấn chỉnh, uốn nắn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ, nhằm làm tăng tính minh bạch, lành mạnh và bổ sung các biện pháp về đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu, để thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn xã hội hoá hiệu quả, lành mạnh cho nền kinh tế và thị trường BĐS.
Mặt khác, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét bổ sung thêm đối tượng được áp dụng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 15.000 tỷ đồng đối với 02 đối tượng sau:
Thứ nhất, hiện nay đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, trong lúc gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31/12/2023, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép người mua, thuê mua nhà ở xã hội theo phương thức vay thương mại (với lãi suất khoảng 9-10%/năm) thì được thanh lý hợp đồng vay thương mại và phần vốn mua nhà ở xã hội, còn lại được chuyển sang vay vốn ưu đãi (lãi suất 4,8%/năm) tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thứ hai, HoREA kiến nghị bổ sung đối tượng là chủ nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê ở được xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm để cải tạo, nâng cấp nhà trọ, phòng trọ hiện hữu.
Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153
Trước những kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong nước và quốc tế; kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Mặt khác, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường. Trong đó, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Đồng thời, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm hoạt động vi phạm pháp luật của các sàn giao dịch BĐS; các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.