Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 11 năm 2020 | 12:7

Kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu: Làm giàu cho mình, tạo việc làm cho xã hội

Anh Nguyễn Hồng Sơn ở xóm 4, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc - Nghệ An) đã là chủ danh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

t26.jpg
Cơ sở của anh Sơn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng với nghị lực và quyết tâm vươn lên làm giàu, giờ đây, anh Nguyễn Hồng Sơn ở xóm 4, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc - Nghệ An) đã là chủ danh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Đam mê đồ gỗ

Nuôi ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương cùng với niềm đam mê đồ gỗ, anh Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1982) là người đầu tiên đưa nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ về địa phương. Từ mô hình sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, mỗi năm gia đình anh thu lãi tiền tỷ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trải qua hơn 10 năm gắn bó và phát triển, giờ đây anh Sơn đã tạo dựng cho mình cơ sở sản xuất có quy mô nhà xưởng khang trang với diện tích hơn 6.000m2, gần 100 công nhân. Sản phẩm của công ty anh sản xuất như đũa, môi muỗng và các dụng cụ nhà bếp rất được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, hàng năm xuất khẩu đạt hàng chục tỷ đồng.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, bản thân anh đã có thời gian học hỏi gắn bó 10 năm với việc sản xuất các mặt hàng gỗ, mỹ nghệ như đũa, môi muỗng, các dụng cụ xào nấu nhà bếp… tại Công ty sản xuất TMDV Toàn Năng ở TP. Hồ Chí Minh.

Anh Sơn chia sẻ: Thời gian đầu xưởng sản xuất của anh gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện cho thuê đất làm nhà xưởng tại cụm công nghiệp; hơn nữa, mặt hàng này ít chịu sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Các công đoạn làm ra sản phẩm khá tỉ mỉ nhưng không quá khắt khe về công nghệ, máy móc nên bất kỳ người nông dân nào cũng có thể làm được và tận dụng được nguồn nguyên liệu (gỗ nhãn) sẵn có tại địa phương.

Tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi

Từ sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường đến đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của anh Sơn ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường với mẫu mã đẹp, chất lượng mặt hàng đặt lên hàng đầu. Đa số các sản phẩm của cơ sở sản xuất đều thuộc hàng cao cấp, chuyên dụng dùng cho các nhà hàng, khách sạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giá bộ sản phẩm rẻ nhất bán ra 10 ngàn đồng/cái, bộ sản phẩm muôi muỗng, dụng cụ xào nấu cao cấp giá bán 150 - 250 ngàn đồng/bộ, bộ chén bát cao cấp giá bán 700-800 ngàn/ bộ. Bình quân cơ sở xuất khẩu gần 700 ngàn sản phẩm/năm.

Cứ thế, sau 10 năm hoạt động với nguồn nhân lực dồi dào tại địa phương, anh đã giúp mở thêm 10 hộ kinh doanh trên địa bàn xã, tạo công ăn việc là cho gần 300 lao động với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người. Đặc biệt, năm 2019, sản phẩm của công ty anh vinh dự được chọn làm tặng phẩm cho các đại biểu về dự lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Nghi Lộc.

Anh Sơn chia sẻ thêm: Thời gian tới, rất mong chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện về mặt bằng, vốn để các hộ dân có khả năng, nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, mong UBND xã triển khai các giải pháp để nghề mộc mỹ nghệ xuất khẩu được công nhận làng có nghề để nghề ngày càng phát triển, thu hút được ngày càng nhiều lao động trên địa bàn, sản xuất nhiều mặt hàng cao cấp và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top