Những hiệp định toàn diện chưa từng có

Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Với những hiệp định này, Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong số này, có những hiệp định FTA thế hệ mới có “độ mở” lớn nhất trong số tất cả các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta tham gia, ký kết, gia nhập từ trước đến nay, điển hình là TPP và Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu.

Theo ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), đặc trưng của các hiệp định FTA thế hệ mới nằm ở mức độ cam kết, mức độ toàn diện và cơ chế giám sát.

 

Những con tàu chở nặng công-ten-nơ hàng Việt Nam chờ xuất bến xuất khẩu ra thế giới tại Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.          

Về mức độ, trước đây, các hiệp định FTA mà không hề có yêu cầu ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ đưa thuế suất về 0%, mà Việt Nam đều theo lộ trình giảm dần. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới yêu cầu mức độ cao hơn. Cụ thể, với TPP, Việt Nam cam kết đưa thuế suất của 65% các mặt hàng về 0% ngay khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, mức độ giảm của Việt Nam như vậy vẫn còn thấp so với các nước thành viên khác của TPP. Mức độ thấp thứ hai cao hơn Việt Nam 10%, ở mức 75%. Ca-na-đa cam kết cao nhất với 95% các mặt hàng đưa thuế suất về 0% ngay khi TPP có hiệu lực. Ông Tùng đánh giá, điều đó thể hiện Việt Nam đã rất thành công trong đàm phán, nhưng cũng là thước đo phản ánh trình độ phát triển của mỗi nước. Chẳng hạn, thuế suất nhập khẩu bình quân tất cả các mặt hàng vào Việt Nam là khoảng 13%, nhưng ở những nước phát triển thì thuế suất trung bình chỉ 4-5%. Như vậy, việc họ giảm từ 4-5% về 0% dễ dàng hơn rất nhiều so với Việt Nam giảm từ 13% về 0%. Vì thế, thời gian thực hiện với Việt Nam đòi hỏi phải dài hơn.

Về cơ chế giám sát, các hiệp định FTA thế hệ mới có yêu cầu về tính thực thi cao hơn, chặt chẽ hơn. Ông Tùng lấy ví dụ về quy tắc xuất xứ từ sợi trong TPP. Theo quy tắc này, sản phẩm may mặc của Việt Nam phải được làm từ vải được dệt từ sợi do Việt Nam sản xuất mới được hưởng ưu đãi từ các nước thành viên TPP. Trong quá trình thực hiện TPP, nếu các nước đối tác phát hiện ra mặt hàng nào đó xuất khẩu với số lượng ồ ạt từ một nước có năng lực sản xuất còn hạn chế, họ sẽ thành lập đoàn kiểm tra. Nếu bị phát hiện vi phạm, nước vi phạm sẽ bị trừng phạt rất nặng.

Về cơ chế pháp lý, các hiệp định FTA thế hệ mới nêu rất rõ quy chế giải quyết tranh chấp bằng việc Nhà nước kiện Nhà nước hoặc nhà đầu tư kiện Nhà nước mà các hiệp định FTA thế hệ cũ không có. Ngoài ra, TPP cũng yêu cầu xóa bỏ thuế xuất khẩu, bởi việc áp dụng thuế xuất khẩu cũng là một biện pháp có thể “bóp méo” thị trường. Ví dụ, việc áp thuế xuất khẩu sẽ khiến chi phí nhập khẩu của các nhà nhập khẩu từ các nước đối tác tăng lên, làm giá bán sản phẩm tại thị trường nhập khẩu cũng cao hơn…

Sức ép cạnh tranh ngày một rõ nét

Với độ mở của các hiệp định FTA thế hệ mới lớn như vậy, bên cạnh những cơ hội lớn rõ ràng cho trong việc mở rộng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn hơn.

Ông Tùng cho biết, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cam kết đưa thuế suất nhập khẩu của 99% mặt hàng về 0%. Đến nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng, được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018. Còn lại 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan, bao gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được phép duy trì thuế suất ở mức 5% như: Gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường.

Cách đây khoảng 5 năm, sức ép cạnh tranh hàng hóa từ khu vực ASEAN chưa rõ rệt vì Việt Nam còn trong giai đoạn thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình. Tuy nhiên, sau khi đưa thuế suất nhập khẩu về 0% với 90% các mặt hàng theo cam kết ATIGA, sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã rất rõ ràng. Ông Tùng nêu ví dụ về ngành sản xuất ô tô, sau khi thuế suất nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN vào Việt Nam được cắt giảm theo lộ trình, lượng ô tô nhập khẩu từ Thái Lan tăng đột biến, gây sức ép rất lớn tới ngành sản xuất ô tô Việt Nam. Ngành sản xuất điện tử của Việt Nam cũng ở tình trạng phải chịu sức ép cạnh tranh tương tự.

Với các hiệp định FTA thế hệ mới, sức ép cạnh tranh lên hàng hóa Việt Nam sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Tuy sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho lần “vượt vũ môn” hội nhập sâu, rộng chưa từng có này. Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, đón nhận các hiệp định FTA, đặc biệt là các hiệp định FTA thế hệ mới, để không bị lùi lại phía sau, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư phát triển, nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội. Một lần nữa, tinh thần doanh nhân, bản lĩnh vượt khó cũng như khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam lại bừng dậy và các doanh nghiệp, doanh nhân đã có những nỗ lực phi thường, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, ông Phòng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam: “Kinh nghiệm từ trong khó khăn cho thấy tinh thần đột phá sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tính kiên trì và nghị lực phải được hỗ trợ và trụ vững trên nền tảng quản trị doanh nghiệp tốt và chất lượng của nguồn nhân lực. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành để những thành tựu kinh doanh và giá trị doanh nghiệp được duy trì bền vững”.

Phải thừa nhận, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã thấy trước được cơ hội và thách thức trong “kỷ nguyên FTA thế hệ mới”, nhưng cũng còn không ít doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thờ ơ với điều này. Ngay trong diễn đàn "Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới" do VCCI phối hợp với Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức, ngày 23-6, nhiều doanh nhân thể hiện rõ “lối sống ảo” khi chỉ chăm chú chụp ảnh bản thân trong khung cảnh hội nghị mà gần như không quan tâm tới bất kỳ phần trình bày nào của các diễn giả và doanh nhân khác. Với thái độ thờ ơ với thời cuộc và với “lối sống ảo” như vậy, liệu các doanh nghiệp ấy có thể trụ vững qua vòng xoáy có thể đưa một doanh nghiệp lên tầm cao mới hoặc cũng có thể đưa một doanh nghiệp xuống đáy vực phá sản của “kỷ nguyên FTA thế hệ mới”?

Theo Chiến Thắng (QĐND)