Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 8 năm 2017 | 8:1

Lại lùi thời hạn hoàn thành sửa chữa tàu vỏ thép bị hư hỏng, miền Tây đón lũ đẹp

KTNT- Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục kiểm tra việc sửa chữa tàu vỏ thép bị hư hỏng, lần đầu tiên có Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội, Đồng bằng sông Cửu Long vui mừng vì lũ đẹp,... là những điểm nhấn của ngành nông nghiệp trong tuần.

Trà, cà phê cũng bị thuế tiêu thụ đặc biệt?

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng được cho là không hợp lý. Ảnh: thanhnien.vn

Theo đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến tại dự án luật sửa đổi 5 luật thuế vừa công bố, các loại nước ngọt sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), gồm các loại nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, thể thao; trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt. Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thuế suất: một là áp mức thuế 10% từ năm 2019 và hai là áp thuế 20% từ năm 2019. Tuy nhiên, cơ quan này nghiêng về phương án đầu tiên hơn. 

Đề xuất trên của Bộ Tài chính khiến nhiều người dân, đặc biệt là dân văn phòng tỏ ra khá ngạc nhiên. Lâu nay trà, cà phê là những sản phẩm mà nhiều người thường dùng giúp tỉnh táo hơn khi làm việc. Đó cũng là đồ uống rất đỗi dân dã, bình thường, không có gì nguy hại như bia, rượu, thuốc lá để có thể đánh thuế TTĐB.

Tăng thuế thì tăng giá, mà tăng giá thì đều tính vào chi phí giá thành dịch vụ, người dân khó thể chấp nhận.

Trước câu hỏi, có nước nào đánh thuế TTĐB với trà, cà phê gói không, một cán bộ của Bộ Tài chính thừa nhận các nước chỉ thu thuế TTĐB với nước ngọt có ga hoặc nước ngọt không có ga, theo tỷ lệ khác nhau mức thuế suất thấp là 10%. Các nước ASEAN có Thái Lan đã thu đối với nước ngọt, còn một số quốc gia khác thì đang đề xuất, chứ không có quy định cụ thể là trà hay cà phê.

Lùi thời hạn hoàn thành sửa chữa tàu vỏ thép

Thời hạn sửa chữa tàu vỏ thép bị hư hỏng lại bị lùi.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu vừa làm việc với UBND tỉnh Bình Định về việc khắc phục tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 bị hư hỏng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định, đến nay đã có 12 tàu cá vỏ thép hư hỏng được Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) kéo lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) để sửa chữa.

Công ty Nam Triệu kéo lên đà 7 tàu nhưng trong quá trình sửa chữa tàu bị chậm so với kế hoạch nên đã có văn bản xin lùi thời hạn hoàn thành sửa chữa từ ngày 30/8 sang ngày 30/9. Công ty Đại Nguyên Dương cũng đã kéo 5 tàu lên đà để sửa chữa. Trong đó, tàu cá BĐ 99018 TS có 2 mẫu thép đều đạt chuẩn MAC A đã được UBND tỉnh Bình Định đồng ý phương án sửa chữa.

Đối với 4 tàu còn lại có mẫu thép không đạt chuẩn MAC A, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đề nghị Bộ NN-PTNT cho ý kiến về 2 phương án sửa tàu: Phương án 1 là thay thế các tấm thép trên vỏ thép không đạt chuẩn MAC A hoặc thay thế toàn bộ vỏ thép bằng thép Hàn Quốc đạt chuẩn MAC A theo hợp đồng; phương án 2 là sửa chữa, sơn lại tàu theo đúng quy trình và công ty trả lại tiền chênh lệch về vỏ tàu cho ngư dân.

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, không đồng ý với 2 phương án này. “Nếu thực hiện phương án thứ 2 mà thép trong vỏ tàu không đạt, chúng ta lại cào lớp gỉ sét ra sơn lại thì đi biển được mấy lần? Còn thực hiện phương án 1 thì biết tấm nào không đạt chất lượng mà tháo ra để thay thế? Công ty Đại Nguyên Dương làm ăn như vậy là không được, lấy tiền của ngư dân xong rồi đóng tàu gian dối, không đạt chất lượng. Tôi đề nghị Công an tỉnh phải vào cuộc làm cho rõ vấn đề này. Làm ăn kiểu này thì chỉ có gây hại cho đất nước”, ông Châu kiên quyết.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định là người quyết định phương án sửa chữa cuối cùng đối với 4 tàu vỏ thép của Công ty Đại Nguyên Dương. “Tôi gợi ý UBND tỉnh Bình Định nên mời chuyên gia có chuyên môn sâu về vật liệu để giám định chất liệu đóng tàu rồi đưa ra ý kiến tư vấn. Đồng thời, căn cứ vào thực tiễn và các quy chuẩn mà Bộ NN-PTNT đưa ra, UBND tỉnh Bình Định chọn phương án sửa chữa tàu vỏ thép sao cho nhanh nhất để ngư dân ra khơi nhưng phải đảm bảo chất lượng con tàu”, ông Tám nói.

Lần đầu tiên có Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội 

Nhãn lồng Hưng Yên đang được quảng bá ở Hà Nội. Ảnh: Văn Phúc.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên và Central Group Việt Nam, Big C Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện “Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội năm 2017” nhằm quảng bá trái Nhãn lồng Hưng Yên đến người tiêu dùng trên cả nước. Chương trình diễn ra sáng 25/8, tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) và kéo dài đến hết ngày 31/8.

Đây là lần đầu tiên Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội được tổ chức, qua đó giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận trái nhãn lồng có thương hiệu, đóng gói với đầy đủ thông tin như chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, in logo với nhãn mác bắt mắt...

Nhãn lồng Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00055 theo quyết định 186/QĐ-SHTT áp dụng cho 4 khu vực là TP Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động, huyện Tiên Lữ. Đây cũng là cơ sở thuận lợi để nhãn lồng Hưng Yên khẳng định thương hiệu trên thị trường, từ đó nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Hải Phòng: Nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, kế hoạch được triển khai thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy việc xây dựng, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ phát triển, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, nông dân trong việc đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp.

Kế hoạch tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã: Xây dựng các văn bản, hướng dẫn và khuyến khích phát triển hợp tác xã; công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác; xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và các hoạt động liên quan khác nhằm hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp; các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

ĐBSCL vui vì lũ sớm

ĐBSCL đang đón một mùa lũ như mơ.

Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL hết sức phấn khởi vì mùa lũ năm nay nước lên sớm và rất đẹp, dù có không ít lo lắng. Lũ là hiện tượng tự nhiên xảy ra hàng năm, nó gắn liền với lịch sử phát triển của ĐBSCL, người dân vùng ngập lũ đã chủ động hạn chế được lũ dữ và khai thác lũ hiền, lũ đẹp một cách hiệu quả nhằm cải thiện cuộc sống. Phấn khởi là bởi vì sau trận lũ lịch sử năm 2011, 4 năm sau đó có đỉnh lũ nhỏ là các năm 2012, 2015 và 2016 có mực nước thấp hơn mức báo động I, năm 2014 có mực nước thấp hơn mức báo động II.

Đã 5 năm qua Đồng Tháp và nhiều tỉnh khác không có lũ đẹp về để người dân vùng lũ đón nhận và tận dụng những lợi thế mà thiên nhiên mang lại như dòng chảy lũ đem theo lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng. Lượng phù sa này không những được lắng đọng lại giữa đồng bằng, mang đến những vụ lúa bội thu sau đó, mà còn vệ sinh môi trường đồng ruộng. Mùa lũ do ngập nước đã làm cho tính chất của nước ở Đồng Tháp Mười thay đổi, độ pH tăng (pH xấp xỉ 6), lượng oxy hòa tan tăng, nguồn thức ăn phong phú là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản, phát triển, sinh trưởng của các loài cá thiên nhiên và các loài thủy sinh vật khác như điên điển, ấu, rau nhút, sen, súng... Từ đó góp phần cải thiện đời sống cho cư dân bản địa qua việc đánh bắt thủy sản tự nhiên; trồng các loài thủy sinh, phát triển các ngành nghề đan lờ, lợp, lưới, đóng xuồng...

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, điều kiện nguồn nước và hiện trạng sản xuất, các địa phương trong vùng ĐBSCL giới thiệu một số mô hình sản xuất hiệu quả trong mùa lũ để đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, như mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ cá tự nhiên: Cá (cá tự nhiên hoặc cá nuôi) được nuôi kết hợp với lúa hè thu và thu hoạch trước khi bắt đầu vụ đông xuân. Mô hình này thích hợp cho vùng lũ cao, lũ vừa, vẫn giữ sản xuất lúa hè thu. Kế đến là mô hình 2 vụ lúa và 1 vụ tôm càng xanh (có thể nuôi ở vùng nước lũ thấp): Sau khi thu hoạch lúa hè thu, tôm được thả nuôi trong mùa lũ đến đầu vụ lúa đông xuân thì thu hoạch để cải tạo ruộng trồng lúa đông xuân. Mô hình này có thời gian nuôi ngắn nên phải tuân thủ đúng thời vụ và phải thả tôm giống có kích cỡ lớn.

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top