“Xây dựng vườn mẫu ở Hà Tĩnh đã trở thành phong trào rộng khắp, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả cao, hài hòa hơn về kinh tế - xã hội - môi trường, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng nông thôn mới (NTM) bền vững”.
Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch HLV và Trang trại Hà Tĩnh khi nói về kết quả xây dựng kinh tế vườn từ tiêu chí 20 trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh.
Nhân dịp Đại hội HLVVN lần thứ VII, PV Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Tình - người khởi xướng vườn mẫu ở Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh là địa phương duy nhất có tiêu chí thứ 20 trong XDNTM (xây dựng vườn mẫu). Nhiệm kỳ qua, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã có những đóng góp gì trong phong trào này, thưa ông?
Qua thực tiễn xây dựng NTM, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh nhận thấy một số bất cập trong phát triển kinh tế với đảm bảo môi trường, văn hóa, an ninh trật tự; nói cách khác là chưa thật sự rõ về chiều sâu và tính bền vững chưa cao. Trước thực trạng đó, Hội đã mạnh dạn tham mưu UBND tỉnh, Văn phòng điều phối NTM tỉnh nghiên cứu, xây dựng thí điểm 240 vườn mẫu đại diện cho 3 vùng sinh thái.
Cùng với ban hành bộ tiêu chí vườn mẫu, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã tham mưu tỉnh có chính sách hỗ trợ xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm. Phần vốn hỗ trợ chủ yếu cho các nội dung như: Quy hoạch, làm hàng rào xanh, hỗ trợ giống cây, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất (hệ thống tưới tiết kiệm, chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...).
Hiện nay, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách thưởng theo kết quả đầu ra, mỗi khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn 50 - 300 triệu đồng; vườn mẫu đạt chuẩn thưởng 5 - 30 triệu đồng.
Chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu nhanh chóng được người dân hưởng ứng, tự giác tham gia và dần trở thành phong trào có sức lan tỏa nhanh, trên diện rộng. Từ xây dựng mô hình điểm, đến nay Hà Tĩnh có 431 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; 5.244 vườn mẫu đạt chuẩn; thu nhập bình quân/vườn ở vùng đồng bằng đạt trên 70 triệu đồng/năm, miền núi và bán sơn địa trên 150 triệu đồng/năm; trên 1.200 vườn doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 261 vườn doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Thành công đó đã giúp Hà Tĩnh trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng NTM. Hội Làm vườn Việt Nam, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh tổ chức thành công chuyến tham quan mô hình vườn mẫu và hội thảo với nội dung “Chia sẻ kinh nghiệm làm vườn mẫu xây dựng NTM” được Trung ương đánh giá rất cao, chỉ đạo nhân rộng trên cả nước.
Thưa ông, trong quá trình thực hiện, Hội có gặp khó khăn gì không?
Hà Tĩnh là “vùng chảo lửa, túi mưa”, lại chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Từ trong khó khăn, người dân Hà Tĩnh đã phải nỗ lực rất lớn để phát triển kinh tế, xây dựng vườn mẫu. Tiêu chí xuyên suốt là nâng cao đời sống, vật chất tinh thần. Từ quy hoạch đến khâu tổ chức thực hiện quy hoạch đều hết sức khoa học, tâm huyết. Đặc biệt, phong trào vườn mẫu đã huy động sự chung tay, vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội cùng đồng hành giúp đỡ người dân. Bên cạnh đó, sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí của tỉnh để người dân xây dựng vườn mẫu cũng hết sức quan trọng.
Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện 5 tiêu chí vườn mẫu ở Hà Tĩnh là tiêu chí sản phẩm từ vườn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời phải giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Để đảm bảo vườn mẫu đạt 5 tiêu chí một cách trọn vẹn, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã sớm ứng dụng công nghệ E - GAP, tổ chức sản xuất rau củ quả VietGAP, hữu cơ vào phát triển kinh tế vườn, kết nối với các tổ chức, cá nhân để tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm từ vườn mẫu nói riêng.
Nhiệm vụ chính của Hội thời gian tới là gì, thưa ông?
Những kết quả, hiệu quả trong xây dựng vườn mẫu mới chỉ là kết quả bước đầu, nhưng có thể khẳng định, hiệu quả và ý nghĩa thực tiễn việc xây dựng vườn mẫu mang lại là rất lớn.
Việc cải tạo, xây dựng vườn mẫu, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới đối với nhiều địa phương lâu nay còn bế tắc, lúng túng trong thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đa dạng hóa thu nhập, hoàn thiện thêm tiêu chí thu nhập. Đội ngũ cán bộ qua thực tiễn chỉ đạo xây dựng vườn mẫu đã lăn lộn, sát thực tiễn, trưởng thành, gắn bó với nhân dân hơn.
Với những kinh nghiệm và kết quả đạt được, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh luôn xác định xây dựng vườn mẫu là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Thời gian tới, Hội sẽ đồng hành cùng tỉnh tiếp tục kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ các vườn mẫu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, kết nối để đưa sản phẩm từ vườn vươn xa hơn.
Đồng thời, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ tới các vườn mẫu mới. Xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, coi đây là hướng đi tất yếu trong phát triển kinh tế vườn, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao sức khoẻ cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh NTM trước năm 2025.
Xin chân thành cảm ơn ông!.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.