Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 10 năm 2021 | 10:52

Liên kết chăn nuôi gia cầm công nghệ cao: Lợi ích kép

Trong khi nhiều người gặp khó vì chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì gia đình chị Trần Thị Thủy Triều ở thôn An Hòa, xã Phú An (Đak Pơ - Gia Lai) có nguồn thu ổn định từ liên kết và phát triển chăn nuôi gia cầm.

 

1.jpgViệc ứng dụng công nghệ cao đã giúp chị Trần Thị Thủy Triều tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Hiền.

 

Với mong muốn làm giàu trên quê hương mình, chị Trần Thị Thủy Triều chọn nghề chăn nuôi heo để phát triển kinh tế. Trong quá trình chăn nuôi, chị gặp không ít khó khăn, nhất là ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chưa kể mấy năm gần đây, giá cả cũng lên xuống thất thường, có đợt giá heo xuống thấp khiến việc tái đàn gặp nhiều trở ngại. Không chịu từ bỏ, giữa năm 2020, chị Triều khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh và sang Đắk Lắk tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Sau đợt tham quan này, chị Triều quyết định chuyển sang chăn nuôi gia cầm theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Theo đó, chị lựa chọn Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam để ký kết hợp đồng chăn nuôi gà gia công. Cụ thể, phía công ty sẽ đầu tư con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; còn gia đình chị đầu tư chuồng trại, công chăm sóc. Sau mỗi lứa nuôi, công ty sẽ trả chi phí công nuôi cho gia đình, tùy theo khối lượng sản phẩm.

Tháng 11/2020, sau khi vay vốn ngân hàng, chị Triều xây dựng chuồng trại khép kín rộng hơn 2.000m2 với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng và tổ chức nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Chị cho biết, chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học rất phù hợp với điều kiện của gia đình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

“Trong chuồng trại có hệ thống phun sương hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh thâm nhập; nền chuồng cao ráo với mức nhiệt độ giữ ổn định 27-30 độ C nhờ hệ thống bioga sưởi ấm và máy lạnh. Bên cạnh đó, chuồng có gắn camera an ninh, máng ăn tự động nên dễ kiểm soát, điều chỉnh lượng thức ăn, nước uống cho phù hợp với đàn gà. Tôi ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi nên rất tiện lợi. Nếu có đi đâu xa, chỉ cần qua điện thoại là đã theo dõi được tình hình của đàn gà để điều chỉnh cho phù hợp”, chị Triều chia sẻ.

Cuối năm 2020, chị Triều xuất bán lứa gà nuôi đầu tiên với 20.000 con. Trừ chi phí, chị thu về 150 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả bước đầu từ mô hình này, chị tiếp tục đầu tư 1,4 tỷ đồng xây thêm  chuồng nuôi 2.000m2. Hiện, gia đình chị Triều có 2 chuồng gà  diện tích 4.000m2, quy mô 40.000 con.

Chị Triều cho biết: “Với 2 chuồng, chúng tôi đã nuôi được 6 lứa, thu được gần 1 tỷ đồng tiền vốn bỏ ra xây dựng chuồng. Theo tính toán, nếu tình hình chăn nuôi thuận lợi, đến cuối năm 2022, tôi sẽ thu lại được toàn bộ số vốn bỏ ra đầu tư cơ sở vật chất ban đầu và sẽ có lời ở những năm sau đó. Hiện nay, tôi đang nuôi lứa mới”.

Theo bà Trương Thị Thiên Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ: “Chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn có tính bền vững khi ổn định được đầu ra, cũng như giá cả, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định. Một trong những gia đình tiêu biểu trong mô hình liên kết là hộ chị Trần Thị Thủy Triều. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân học hỏi, mở rộng mô hình liên kết này để có thu nhập ổn định hơn”.

 

THIÊN DI - NGUYỄN HIỀN
Ý kiến bạn đọc
Top