Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, liên kết là con đường tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Nhưng rất tiếc, thành phần quan trọng của mối liên kết này, là các tổ hợp tác, hợp tác xã lại chưa được coi trọng.
Khi hợp tác xã thực sự là “nhà”
Ông Võ Kim Cự thăm mô hình xây dựng nông thôn mới tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh).
Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển của các hợp tác xã (HTX) hiện nay?
Vai trò của HTX trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã được khẳng định. Trong từng giai đoạn lịch sử, HTX đã thể hiện được sứ mệnh lịch sử của mình, HTX không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn góp phần làm ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
Vai trò quan trọng là vậy nhưng phần lớn HTX của chúng ta vẫn có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa kết nối thành chuỗi giá trị phát triển bền vững; quy mô phát triển của HTX rất khiêm tốn với lượng vốn nhỏ bé, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên chưa thu hút được nhân dân tham gia vào phát triển kinh tế tập thể, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Đặc biệt, khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương vừa được ký kết, các thành phần kinh tế sẽ đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn về khả năng cạnh tranh. Vì vậy, nếu không tự đổi mới, các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể cạnh tranh được về chất lượng và giá thành. Trước yêu cầu của hội nhập, hơn lúc nào hết, bà con cần liên kết lại, từ cá thể thành tổ hợp tác, HTX, liên hiệp hợp tác và cùng với đầu kéo doanh nghiệp để có đủ nguồn lực khi hội nhập sâu rộng, từ đó cùng tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, HTX chưa phát triển đúng với tiềm năng, chưa đúng với sứ mệnh vốn có của nó. Hiện nay, liên kết tiêu thụ nông sản chủ yếu là giữa nông dân với doanh nghiệp, còn liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX rất hạn chế, hơn 90% số HTX nông nghiệp hiện nay chưa tham gia vào các hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản.
Nhìn chung, khối các HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp chưa phát huy được vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp, sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Một số mặt hàng tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3-15%.
Đây cũng chính là lý do để Bộ Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX Việt Nam và các bộ ngành liên quan đang xây dựng đề án về xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị bền vững. Theo đó, các chuỗi giá trị được xây dựng với các loại nông sản chủ lực trên quy mô lớn. Tôi cho rằng, chỉ có con đường đó mới giúp kinh tế hợp tác phát triển, địa phương nào có HTX phát triển mới thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bởi trong tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác là tiêu chí quan trọng kéo theo 7 tiêu chí khác, vừa là gốc của sản xuất, tạo ra của cải, nâng cao đời sống nhân dân, vừa góp phần giảm nghèo, ổn định xã hội.
Trên cơ sở đó, Liên minh HTX Việt Nam cùng với các bộ sẽ ưu tiên nguồn lực để xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, có thị trường, công nghệ và vốn sẽ thu hút bà con tham gia vào HTX. Chúng tôi đang kiến nghị cần ưu tiên nguồn vốn xây dựng 20 chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm, với các cây - con chủ lực như chè, càphê, ca cao, lợn,… Các hộ cá thể, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp cùng sản xuất một loại giống, áp dụng một công nghệ để tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng. Chỉ có duy nhất một con đường xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị để giảm chi phí, áp dụng công nghệ hiện đại, từ đó giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh. Thực tế, một số mô hình đã thành công ở các địa phương cho thấy đây là hướng đi tất yếu.
Có một thực tế là, chúng ta không thiếu những chính sách hỗ trợ HTX phát triển nhưng một trong những tồn tại lớn nhất của các HTX hiện nay là khó tiếp cận các cơ chế, chính sách. Tại sao lại có nghịch lý này, thưa ông?
Trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ được thống kê mỗi năm, cao nhất mới có khoảng 3%, thấp nhất chỉ 0,13% số HTX tiếp cận được. Những nhóm chính sách quan trọng để hỗ trợ các HTX thực hiện tốt vai trò trong việc giúp nông dân liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, an toàn và có giá trị cao như hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ khoa học công nghệ, sơ chế và chế biến sản phẩm hay tiếp thị sản phẩm… đều đạt tỷ lệ rất thấp. Đó là chưa kể, trong số nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến HTX, rất nhiều trong số đó chồng chéo, không mang tính khả thi vì xa rời thực tiễn.
Xã viên HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang - Bắc Giang) làm giàu nhờ mô hình trồng hoa.
Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống văn bản thiếu đồng bộ, có ngành mở, có ngành thắt lại, quản lý nhà nước chưa có sự thống nhất đối với lĩnh vực kinh tế tập thế. Hệ thống chính trị các cấp chưa thực sự tâm huyết và máu thịt, có trách nhiệm cao với kinh tế tập thể và HTX, trong khi thực tế đầu tư vào kinh tế tập thể, vào HTX thu hiệu quả nhanh nhất. Thực tế, trong 3 năm qua, con số đầu tư cho HTX chỉ là 1.030 tỷ đồng. Tôi cho rằng, đây là con số rất ít ỏi, hầu như không đáng kể. Cần lưu ý rằng, đầu tư vào HTX nguồn vốn không mất đi bởi theo điều lệ, vốn này vẫn tồn tại và là vốn chung để phục vụ cho hàng triệu con người.
Theo ông, làm thế nào để HTX thực sự là mái nhà của nông dân?
Để nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, phát huy vai trò của HTX, các địa phương cần tiếp tục chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang kiểu mới, đảm bảo quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tăng được tỷ suất lợi nhuận, lợi ích của người lao động. HTX kiểu mới phải có chiến lược phát triển cụ thể, quy mô lớn, xây dựng được các chuỗi giá trị khép kín để thu hút nông dân tham gia.
Bên cạnh đó, các bộ ngành Trung ương cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý để đảm bảo được sự công bằng giữa doanh nghiệp và HTX. Hiện nay, tôi cảm thấy ở đâu đó chưa có sự đối xử công bằng và bình đẳng giữa hai đối tượng này. Cần phải quy hoạch vùng và liên vùng, tùy điều kiện, khả năng, nguồn lực, địa lý để phát triển chứ không áp đặt theo mệnh lệnh hành chính, cơ chế cho các HTX phải đảm bảo sự thông thoáng. Phải có thêm các cơ chế hỗ trợ vì HTX đang là đối tượng yếu thế, yếu cả về kiến thức, năng lực, vốn và thị trường. Cả cơ thể đang ốm yếu thực sự cần phải có 1 liều thuốc đủ mạnh để tăng tốc phát triển. Tất nhiên, chúng ta hỗ trợ không có nghĩa là bao cấp hoàn toàn, nhưng vai trò “bà đỡ” của Nhà nước là không thể thiếu.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải có nghị quyết riêng, chính sách ưu tiên phát triển HTX, phải có quy hoạch cây - con chủ lực để bà con có định hướng phát triển. Muốn HTX phát triển, yếu tố con người là rất quan trọng. Vì vậy, phải chọn đội ngũ lãnh đạo có tâm huyết, phải quyết liệt máu lửa, xây dựng HTX phát triển cho con cháu muôn đời chứ không phải chỉ trong thời gian ngắn.
Trên thực tế, không có một mẫu số chung cho quá trình đổi mới của HTX. Mỗi vùng miền, địa phương phát triển mô hình theo cách khác nhau, dựa vào trình độ sản xuất, thâm canh của người dân. Nhưng dù là loại hình nào thì cũng phải phát huy được vai trò kết nối được nông dân và doanh nghiệp để tiến đến sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Hiện, chính sách hỗ trợ HTX phát triển hạ tầng, công nghệ, thị trường rất thiếu và yếu. Tôi hy vọng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, hệ thống chính sách dành cho kinh tế hợp tác, HTX sẽ hoàn thiện và dành nhiều ưu tiên hơn. Giai đoạn 2015-2020, cả nước sẽ cơ bản tiến hành chuyển đổi 10.336 HTX nông nghiệp sang tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012. Cùng với đó, sẽ thúc đẩy thành lập mới 2.000 HTX theo hướng ưu tiên các HTX sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Còn khoảng 2.500 HTX hoạt động không hiệu quả thì sẽ nhanh chóng giải thể để thực hiện lành mạnh hóa các hoạt động của các HTX hiện nay. |
Anh Thơ (ghi)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.