Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2016 | 2:48

Liên kết nông dân - doanh nghiệp, cơ sở đặc biệt để tái cơ cấu

Thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh xây dựng mối liên kết giữa nông dân và DN được coi là giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công.

Tái cơ cấu nông nghiệp: KHCN phải là động lực

Nông dân Quỳ Hợp (Nghệ An) thu hoạch mía đến đâu là có xe ô tô của nhà máy đến tận ruộng thu gom về nhà máy đến đó.

Những tín hiệu vui

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mấy năm gần đây, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp đã có dấu hiệu tăng, từ 28.859 tỷ đồng (năm 2009) lên 30.419 tỷ đồng (năm 2014). Số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 (năm 2007) lên 3.640 (năm 2015), trong đó DN ngoài nhà nước chiếm phần lớn (khoảng 85%). Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như: Vinamilk, Công ty CP Mía Đường Lam Sơn, TH Truemilk, Tập đoàn Việt - Úc... Hiện, đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) và nhiều DN, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Him Lam, Viettel, FLC... Đây là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp hiện đại với những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, lũy kế các dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực đến tháng 6/2016 hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có 536 dự án, tổng số vốn đăng ký 3.774,9 triệu USD; trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 53,1 triệu USD với 8 dự án cấp mới và 8 dự án tăng vốn, tăng 86,5% về vốn đầu tư và 62,5% về số dự án so với cùng kỳ năm 2015.

Trong một cuộc tọa đàm về chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng có thể sinh lời trong nông nghiệp. “Gần đây, nhiều DN lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp, ví dụ Vingroup đã lập VinEco (số vốn 2.000 tỷ đồng) với chiến lược 2 năm phấn đấu hoàn thành khoảng 300 nhà kính phát triển sản xuất rau sạch; tập trung phát triển chuỗi mặt bằng phân phối nông sản ở các vùng miền. Sau 1 năm, qua quá trình tham quan, một số đã trở thành hiện thực, ví dụ 46 nhà kính ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), đang triển khai ở Hải Phòng và một số nơi. Trong chuỗi sản phẩm về thịt lợn, gà, Tập đoàn DABACO ở Bắc Ninh sản xuất tới 45 triệu con giống/năm, mỗi ngày 1 triệu trứng thương phẩm, 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch. Đây là tín hiệu rất đáng mừng”, ông Cường cho biết.

Chưa tương xứng

Bên cạnh kết quả đạt được, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn khá hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp nước ta. Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành. Đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước (năm 2014). Đầu tư của DN tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định; số lượng DN nông - lâm - thủy sản (NLTS) còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây: Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng số DN NLTS đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng DN nói chung 10,9%/năm; tỷ trọng DN NLTS so với DN cả nước cũng giảm. Trong khi đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của DN về loại hình đầu tư này.

Vốn đầu tư ngoài ngân sách phân bổ không đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền. Trong lĩnh vực trồng trọt, tư nhân có xu hướng tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, hoặc kinh doanh thương mại mà chưa quan tâm đầu tư liên kết theo chuỗi, hoặc đầu tư công nghệ cao, công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng. Việc khai thác, sử dụng đất đai chưa hiệu quả, còn nhiều dự án chiếm diện tích đất khá lớn (trồng rừng, chăn nuôi, cây ăn quả...), nhưng hiệu quả thực tế trên một đơn vị diện tích sử dụng đất thấp. Vốn đầu tư tập trung ở các vùng thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ; các vùng khó khăn hơn như Trung du miền núi phía Bắc, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sự liên kết giữa DNvới các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, DN là hạt nhân cốt yếu, làm nền tảng cho mọi liên kết thực hiện được nền sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, mới có 3.643 DN đầu tư vào nông nghiệp trong tổng số gần nửa triệu DN đầu tư vào ba khu vực nền kinh tế, trong đó 90% số DN đầu tư là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Số DN lớn mang tính đầu tàu còn ít.

Nút thắt đất đai

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay những khó khăn đang kìm hãm DN đầu tư có nhiều, trong đó điển hình là nút thắt đất đai. “Để giải quyết cho DN, nhiều tỉnh đã có những cách làm sáng tạo. Ví dụ như tại Hà Nam, trên cơ sở giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, những nơi nông dân cảm thấy làm hiệu quả không bằng dồn vào một tổ chức thì trên cơ sở dân tự nguyện, tỉnh đại diện giao lại đất cho DN. Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân, chuyển quyền sử dụng trong thời gian nhất định. Hay tại Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền. Hiện nay, quy định hạn điền cho phép DN tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20-50ha nhưng nếu DN tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định.

Tiếp theo là hình thành các hợp tác xã. Nhiều nông dân có cùng nguyện vọng, thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt chẽ với DN để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là một lựa chọn hợp lý”, ông Cường nhấn mạnh.

Được biết, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu như: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, nhất là DN liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, DN chế biến, sản xuất giống, vật tư và DN sử dụng nhiều lao động ở nông thôn. Tập trung đổi mới cách thức tổ chức, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hiệu quả phù hợp với từng ngành hàng, lĩnh vực, đặc biệt đối với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, quán triệt đến các cấp bộ Đảng, từng đảng viên, chính quyền các cấp, DN, người dân về chủ trương, chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã được công khai hoá và đang tiếp tục được điều chỉnh theo hướng ngày càng đơn giản, dễ tiếp cận và không phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế. Về các quy định quản lý chuyên ngành đang được rà soát, chỉnh sửa theo hướng minh bạch và phù hợp với cam kết quốc tế, tháo gỡ khó khăn, ách tắc trước đây cho DN tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng NLTS.

Nâng cao chất lượng quy hoạch sản xuất NLTS; nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Hoàn thành việc rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp theo Quyết định số 124/2012/QĐ-TTg ngày 02/2/2012 để phục vụ tái cơ cấu ngành; rà soát, điều chỉnh và xây dựng mới các quy hoạch sản phẩm chủ yếu phù hợp với cơ chế chế thị trường để làm cơ sở cho việc định hướng và phân bổ hợp lý, hiệu quả các yếu tố đầu vào phục sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo định hướng tái cơ cấu.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách mới thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, gia trại, nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số chính sách về đất đai, khuyến khích tích tụ ruộng đất để khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ DN tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Khánh nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Việt Nam cần làm gì để không bỏ lỡ trên hành trình phát triển xanh?

    Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là một chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học không phải nơi nào cũng có được mà ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là những "kho vàng".

  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top