Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của các vùng chuyên canh cây ăn trái, nông dân nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp thúc đẩy việc tiêu thụ trái cây. Tuy quy mô còn nhỏ nhưng đây được coi là tín hiệu tích cực để hình thành các chuỗi sản xuất khép kín.
Xoài cát và quýt hồng Lai Vung là hai đặc sản trái cây nổi tiếng của Đồng Tháp.
Nông dân - doanh nghiệp cùng có lợi
Tỉnh Tiền Giang hiện có 72.850ha cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 1,3 triệu tấn quả/năm. Trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm (dứa) Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, bưởi long Cổ Cò, nhãn Nhị Quí, chôm chôm Tân Phong, sơ ri Gò Công…
Đến thời điểm này, Tiền Giang đã thành lập được 13 hợp tác xã (HTX), 33 tổ hợp tác sản xuất (THTSX) tiêu thụ trái cây. Các HTX và tổ hợp tác bước đầu đã gắn kết nhà vườn, doanh nghiệp tổ chức sản xuất và tiêu thụ một số cây ăn trái hiệu quả như xoài, sầu riêng, thanh long, khóm, vú sữa, bưởi, sa pô (hồng xiêm)... Điển hình như HTX xoài Hòa Lộc, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp, HTX sản xuất và tiêu thụ thanh long xã Mỹ Tịnh An, HTX nhãn Nhị Quý, HTX Khóm Quyết Thắng, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim...; THTSX ổi, cam sành Mỹ Lợi A, THTSX sa pô Mặc Bắc Kim Sơn, THTSX chôm chôm Tân Phong,...
Hàng năm, các HTX và THT chuyên canh trái cây đặc sản trên địa bàn tỉnh đều ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ trái cây các loại. Riêng trong năm 2015, 10/13 HTX đã ký hợp đồng với các đối tác như: Công ty TNHH Thịnh Phát, Tập đoàn Metro Cash & Carry, Công ty TNHH Phương Anh (Hà Nội),... với sản lượng tiêu thụ 638 tấn/năm. Tuy nhiên, các HTX này chỉ cung cấp theo mùa vụ, không có hợp đồng ràng buộc cụ thể.
Bến Tre là tỉnh đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long về diện tích cây ăn trái với cơ cấu, chủng loại khá phong phú. Các mô hình THT sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu trái cây của Bến Tre. Đến nay, toàn tỉnh có 102 THT sản xuất cây ăn trái, trong đó có 25 mô hình sản xuất được cấp chứng nhận GAP, gồm 3 mô hình GlobalGAP và 22 mô hình VietGAP.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất xoài như vườn xoài kiểu mẫu, sản xuất xoài theo hướng an toàn, sản xuất xoài rải vụ, sản xuất xoài thâm canh, mô hình xoài đạt chuẩn VietGAP (46,3ha), Global GAP (43,709ha); đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, bao trái, rải vụ …; tiến bộ kỹ thuật đã được đa số nhà vườn trồng xoài áp dụng. Trên địa bàn tỉnh cũng có 31 vựa mua bán xoài và 1 chợ đầu mối trái cây. Xoài chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước, phần lớn là ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, một số lượng nhỏ tham gia thị trường xuất khẩu. Một tín hiệu đáng mừng là, trong năm 2015, HTX xoài Mỹ Xương và các chủ vựa trên địa bàn huyện đã tổ chức liên kết tiêu thụ được 956 tấn xoài (xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc) với giá trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg; cao hơn thị trường cùng thời điểm 3.000 - 5.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp như Goodlight, Yasaka, Lan Anh đã thu mua khoảng 10 tấn xoài của nhà vườn trên địa bàn thành phố Cao Lãnh xuất sang Nhật, Hàn Quốc, New Zeland.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như: Chanh không hạt của HTX nông nghiệp Thạnh Phước với hơn 13ha, bưởi Năm Roi Phú Hữu (quy mô 54ha) đã được Công ty The Fruit Republic (Hà Lan) bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hay sản phẩm khóm Cầu Đúc đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, ngoài việc tiêu thụ tươi thì tỉnh đã có một nhà máy chế biến khóm đóng hộp nên đầu ra luôn ổn định. Quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, xoài cát Hòa Lộc,... là những sản phẩm trái cây nổi tiếng của Hậu Giang đã khẳng định được thương hiệu và đang hình thành những chuỗi sản xuất - tiêu thụ bền vững.
Tại Long An, ngành nông nghiệp đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương, tập thể, hộ nông dân sản xuất xây dựng mối quan hệ liên kết sản xuất - tiêu thụ, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực đang tập trung hỗ trợ phát triển: bưởi, cam, nhãn, chôm chôm, xoài. Tuy nhiên, kết quả liên kết này còn ở diện hẹp, chưa có nhiều mô hình liên kết đúng nghĩa có tính pháp lý (hợp đồng kinh tế) và sự liên kết chưa thật sự bền vững. Việc liên kết phổ biến tại địa phương được phân thành hai phân khúc: đại diện THTSX/thương lái hợp đồng (thỏa thuận miệng) với nông dân thu mua sản phẩm, đại diện THTSX/thương lái hợp đồng (miệng/văn bản) cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp theo mùa vụ với giá ổn định (giá chết) hoặc giá thị trường tại thời điểm cung ứng. Không chỉ sản phẩm được sản xuất theo quy trình truyền thống mà các sản phẩm GAP cũng được tiêu thụ bằng hình thức này.
Tại tỉnh Vĩnh Long, bước đầu có một số mô hình thực hiện được sự liên kết sản xuất-tiêu thụ bằng hợp đồng, hình thành kênh tiêu thụ riêng, mang lại hiệu quả cho nhà vườn, như: Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ bưởi Năm roi ở Mỹ Hòa, Bình Minh. Công ty TNHH Thương mại MTV Hương Bưởi Mỹ Hòa sau khi tham gia thực hiện chương trình GlobalGAP của dự án với vai trò là chủ thể đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động tổ viên 2 THT sản xuất bưởi Năm Roi ấp Mỹ An và ấp Mỹ Thới của xã tham gia chương trình với hợp đồng liên kết hỗ trợ sản xuất - thu mua sản phẩm trong mô hình (39 ha) theo giá thị trường, đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng/tấn cho bưởi loại 1 (xuất khẩu). Trong năm 2015, công ty đã thu mua 900 tấn bưởi các loại cho nhà vườn ở Mỹ Hòa, trong đó sản lượng đạt GAP xuất khẩu khoảng 250 tấn. Đầu tháng 3/2016, qua công ty liên kết, Công ty đã xuất được 1 container (17 tấn) sản phẩm bưởi Năm roi đạt GAP sang châu Âu.
Mô hình liên kết sản xuất - thu mua xoài Xiêm núm ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm (diện tích 48ha) với sự tham gia của DNTN Bình Long cũng thu được kết quả khả quan khi thông qua một công ty Hàn Quốc, Bình Long đã hỗ trợ không hoàn lại túi bao trái để nhà vườn ứng dụng. Chính quyền xã hỗ trợ THT ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp đồng được thực hiện trong 6 tháng, từ tháng 2-8/2016, với giá bán loại 1 đạt tiêu chuẩn chất lượng là 32.000 đồng/kg, loại 2 là 22.000 đồng/kg. Theo nông dân, có thời điểm, so với giá bán trên thị trường, bán theo liên kết giá cao hơn gấp 3 lần.
Củng cố các hình thức sản xuất tập thể
Tuy đã gặt hái được một số kết quả khả quan nhưng thực tế hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây ở các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập như: liên kết vẫn còn ở quy mô nhỏ, sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, HTX, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau khi gặp biến động thị trường. Thanh toán trễ của doanh nghiệp cũng đang là một thực trạng ảnh hưởng đến mối liên kết. Vì hợp đồng liên kết chưa ổn định, chưa hình thành hợp đồng dài hạn, chủ yếu là thỏa thuận miệng nên tính pháp lý thấp. Năng lực quản lý sản xuất, giao dịch với doanh nghiệp của ban quản lý các Tổ HTSX, HTX còn yếu. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất và bán sản phẩm theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Vì vậy, để đẩy mạnh mối liên kết sản xuất - tiêu thụ trái cây giữa nông dân và doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cần tổ chức lại sản xuất, xây dựng, củng cố các hình thức sản xuất tập thể. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất và kỹ năng tiếp cận nhà thu mua, kỹ năng giao dịch mua bán của ban quản lý THT, HTX cho phù hợp với trình độ lao động và yêu cầu của doanh nghiệp.
Tăng cường công tác chuyển giao và tuyên truyền ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho nhà vườn nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị kinh tế sản phẩm trái cây tươi, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung tạo vùng nguyên liệu cung cấp ổn định sản lượng lớn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh; nhất là trái cây chủ lực đã có tiếng trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến như: hội chợ, hội thảo, cơ hội giao thương, sàn giao dịch. Thành lập các HTX sản xuất cây ăn trái đủ lớn, mạnh để tự tìm kiếm và ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ hoặc tự xuất khẩu sản phẩm của HTX mình sản xuất được nhằm tránh việc tiêu thụ sản phẩm qua nhiều khâu trung gian.
Khánh Nguyên
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.