Tận dụng tiềm năng sẵn có, Cà Mau đã tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) giúp người dân liên kết với doanh nghiệp trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm sinh thái.
Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Trồng lúa hữu cơ để có tôm sinh thái
Gia đình ông Trần Văn Thiệt, ở xã Trí Lực (Thới Bình), có 1,5ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Hằng năm, cứ đến mùa mưa, gia đình ông lại cải tạo đất để cấy lúa. Sau nhiều năm, đất bị nhiễm mặn nặng nên khó trồng lúa, nuôi tôm cũng thất bát.
Để tìm hướng đi mới, gia đình ông tham gia HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa - tôm Trí Lực (HTX Trí Lực). Từ đó, ông và bà con trong HTX bắt đầu thực hiện theo quy trình trồng lúa hữu cơ để xuất khẩu. Hộ tham gia phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất từ việc cải tạo đất đến xử lý sâu bệnh. Bà con cũng chuyển từ làm các giống lúa chất lượng thấp sang trồng giống lúa cao sản ST24 và không được sử dụng bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào. “Gia đình tôi làm 2 vụ lúa, năng suất cao hơn trước khoảng 10%. Bên cạnh đó, vụ đầu được bao tiêu cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg, vụ tiếp theo là 700 đồng/kg nên lợi nhuận tăng thêm 20-30%”, ông Thiệt chia sẻ.
Năm 2018, HTX Trí Lực được thành lập với 15 thành viên, khoảng 50ha đất canh tác. Từ thành công của các xã viên ban đầu, người dân địa phương thấy được hiệu quả nên đã liên kết cùng thực hiện. Chỉ sau 1 năm, HTX đã có 117ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ và khoảng 700ha đạt chứng nhận lúa sạch. Năm nay, đã có 540 hộ dân cùng với HTX thực hiện quy trình trồng lúa hữu cơ để cung cấp cho một doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường EU, Nhật Bản.
Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Trí Lực, cho biết: “Trồng lúa hữu cơ không sử dụng thuốc hóa học, chỉ dùng phân vi sinh. Từ đó, không chỉ đạt năng suất cao hơn mà còn có môi trường sạch để nuôi tôm. Cũng nhờ trồng được vụ lúa mà các vụ nuôi tôm thuận lợi. Con tôm nuôi trong mô hình đạt các chứng nhận để xuất khẩu đi bất kỳ thị trường nào, từ đó giúp người dân có thu nhập cao hơn trên cùng đơn vị diện tích”.
Không chỉ HTX Trí Lực ngày càng mở rộng làm lúa theo quy trình hữu cơ mà trên địa bàn huyện Thới Bình, nhiều tổ hợp tác, HTX khác cũng đã và đang thực hiện. Trên cơ sở đó, năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và theo kế hoạch đến năm 2025 toàn huyện có khoảng 5.000ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ.
Mở hướng tái cơ cấu nông nghiệp
Mới đây, ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cùng lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời khảo sát thực tế và có những thống nhất để hợp tác phát triển sản xuất tôm - lúa trên địa bàn tại huyện Thới Bình.
Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ giúp người dân đạt lợi nhuận tốt hơn. Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ quyết tâm cùng người dân Cà Mau “nâng tầm” mô hình tôm - lúa và cho biết, “sự phối hợp, liên kết sẽ dựa trên nguyên tắc vì lợi ích của người dân và các bên liên quan”.
Ba bên đã thống nhất với nhau nhằm hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để tỉnh Cà Mau quy hoạch lại vùng phát triển mô hình tôm - lúa. Bên cạnh đó, đồng ý với chủ trương để 2 công ty kết hợp với huyện Thới Bình và các huyện khác trong tỉnh xây dựng thí điểm mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Quân cũng chỉ đạo UBND huyện Thới Bình phối hợp với doanh nghiệp thực hiện mô hình thí điểm liên kết sản xuất tại ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng với diện tích khoảng 75ha, 35 hộ tham gia. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ là đầu mối điều phối, hỗ trợ chuyên môn, chính sách để triển khai các mô hình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Quá trình hợp tác cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững, hướng tới giải quyết bài toán tổng thể về thích ứng biến đổi khí hậu.