Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 4 năm 2017 | 4:7

Liên kết trồng rừng giữa doanh nghiệp và người dân: Bao giờ “thuận buồm xuôi gió”?

Sử dụng sản phẩm gỗ hợp pháp hiện đã trở thành yêu cầu bắt buộc ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Chính vì vậy, việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trồng rừng để trồng rừng có chứng chỉ bền vững (FSC) là hướng đi tất yếu.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay, diện tích rừng đạt được chứng nhận này vẫn còn khá khiêm tốn.

Liên kết trồng rừng giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn gỗ sạch.

Những người tiên phong

Công ty CP Xuất nhập khẩu gỗ Nam Định (NAFOCO) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên liên kết với người trồng rừng nhằm đáp ứng các đơn hàng của Tập đoàn IKEA. Theo đó, từ tháng 4/2016, công ty đã thí điểm mô hình chứng chỉ nhóm hộ tại Yên Bình (Yên Bái) với quy mô khoảng 1.000 - 3.000ha, 494 hộ tại 53 thôn thuộc 5 xã của huyện tham gia. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 1.737ha.

 Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đánh giá, NAFOCO còn hỗ trợ một phần kinh phí trang thiết bị văn phòng cho Ban đại diện nhóm (khoảng 120 triệu đồng), cam kết hỗ trợ vốn hoặc tạm ứng cho các hộ trồng keo chứng chỉ từ năm thứ 6 trở đi nhằm tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn. Công ty cũng cam kết sẽ mua gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC cao hơn ít nhất 10% so với giá bán trung bình cùng loại trên thị trường vào thời điểm giao dịch. Tháng 12/2016, tức ngay sau khi được cấp chứng chỉ, một hộ gia đình tham gia các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Yên Bình đã khai thác 1,5ha rừng keo 9 tuổi bán cho NAFOCO. Giữ đúng cam kết, NAFOCO thu mua gỗ có đường kính đầu nhỏ từ 14cm trở lên cao hơn 150.000 đồng/m3, đồng thời hỗ trợ thêm 100.000 đồng/m3 tiền vận chuyển. So sánh với giá bán gỗ không có chứng chỉ tại thời điểm giao dịch với gỗ cùng kích thước là 1,4 triệu đồng/m3, NAFOCO đã trả cao hơn 10,7%.

 Được biết, khoảng 90% sản phẩm của NAFOCO được bán cho Tập đoàn IKEA. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của NAFOCO đạt khoảng 36 triệu USD.

Cũng là nhà cung cấp chính của IKEA, từ năm 2016, Công ty Woodsland đã ký thỏa thuận liên kết trồng keo có chứng chỉ FSC với 197 hộ dân tại 3 xã Công Đa, Phú Thịnh và Tiến Bộ của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) với diện tích 848,09ha. Hiện toàn bộ diện tích này đã được cấp chứng chỉ FSC.

Công ty Scansia Pacific cũng là nhà cung cấp của IKEA tại Việt Nam. Hiện công ty có 3 nhà máy chuyên chế biến đồ gỗ xuất khẩu đóng tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Thừa Thiên-Huế, với tổng số khoảng 2.000 công nhân. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 32 triệu USD, trong đó bao gồm 25 triệu USD là các sản phẩm xuất cho Tập đoàn IKEA.

Tại  Quảng Trị, Công ty Scansia Pacific liên kết với 564 hộ trồng rừng tại 7 huyện, thị xã và thành phố, đồng thời ký thỏa thuận bao tiêu nguồn gỗ nguyên liệu với các nhóm hộ trồng rừng. Công ty đã tài trợ cho các nhóm hộ ở đây một phần chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC; cam kết cho các hộ dân trồng keo có chứng chỉ FSC có tuổi cây keo từ năm thứ 6 trở đi vay tối đa 4 triệu đồng/ha/năm với lãi suất thấp hơn 0,2%/năm so với mức lãi suất trung bình năm của các ngân hàng thương mại trong nước tại thời điểm vay để giúp các hộ kéo dài chu kỳ trồng cây, tạo nguồn gỗ lớn; cam kết mua gỗ keo có chứng chỉ FSC cao hơn tối thiểu từ 15-18% so với giá thị trường của gỗ không có chứng chỉ tại thời điểm giao dịch.

Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là 3 trong số rất ít các doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trồng rừng bền vững. Theo thống kê của Tổ chức FSC. Đến hết ngày 1/3/2017, tổng diện tích rừng có chứng chỉ được cấp cho các nhóm hộ trồng rừng ở Việt Nam là 6.311ha, tương đương 4% trong tổng số 152.136ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ ở Việt Nam.

Làm sao phát triển bền vững?

Theo nghiên cứu của TS.Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend, một trong những lý do khiến mô hình này chưa được nhân rộng là do các chi phí liên quan khá cao, nếu không có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức thì một mình nông dân không làm được. Hiện, toàn bộ các mô hình liên kết hiện nay đều có sự trợ giúp của công ty tham gia liên kết, hoặc các nguồn lực từ bên ngoài. Các hỗ trợ này tập trung vào các khâu khác nhau, bao gồm các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính nhằm hình thành và vận hành các tổ, nhóm hộ trồng rừng, trực tiếp hướng dẫn các hộ tuân thủ theo các yêu cầu của FSC, chi phí đánh giá chứng chỉ. Hiện các chi phí này chưa được tính vào trong cơ cấu giá thành sản xuất của hộ. Thông tin từ các hộ cho biết, với mức giá bán gỗ như hiện nay, các hộ sẽ không sẵn sàng tham gia mô hình nếu phải tự mình chi trả các chi phí này. Nói cách khác, mô hình liên kết trồng rừng có chứng chỉ giữa công ty chế biến gỗ và hộ trồng rừng sẽ có thể không hình thành nếu các hộ phải tự đầu tư các chi phí liên quan đến làm chứng chỉ.

Cũng theo ông Phúc, liên kết này cũng tiềm ẩn một số rủi ro cho cả 2 phía tham gia liên kết. Về phía công ty, các rủi ro có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ hợp tác với các hộ trồng rừng. Liên kết giữa 2 bên được hiện thực hóa bởi những hợp đồng kinh tế có tính chất ràng buộc tương đối lỏng lẻo, với mỗi hợp đồng có sự tham gia của nhiều hộ gia đình. Trong điều kiện các hộ không tuân thủ các điều kiện của hợp đồng (ví dụ hộ bán gỗ ra ngoài, thay vì bán cho công ty; hộ bán gỗ trước thời điểm quy định, thay vì giữ rừng với chu kỳ dài nhằm tạo rừng gỗ lớn), công ty sẽ khó có thể khởi kiện tập thể các hộ.

Về phía các hộ trồng rừng, rủi ro có thể xảy ra khi lợi ích kinh tế từ việc tham gia mô hình trồng rừng có chứng chỉ nhỏ hơn lợi ích từ trồng rừng không có chứng chỉ (theo cách truyền thống). Bên cạnh đó, yêu cầu về chủng loại và chất lượng gỗ của công ty tham gia liên kết đối với nguồn cung gỗ từ các hộ cũng là nguyên nhân hình thành lo lắng của nhiều hộ gia đình khi công ty chỉ đồng ý mua các loại gỗ có chất lượng tốt, gỗ lớn và không chịu trách nhiệm về các loại gỗ còn lại. “Điều này phần nào phản ánh tính thiếu bền vững của mô hình liên kết”, ông Phúc nói.

Đồng quan điểm, bà Đào Thị Tâm, đại diện nhóm hộ trồng rừng tại huyện Yên Bình, cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ thu mua các loại gỗ đạt tiêu chuẩn, còn lại người nông dân vẫn phải loay hoay tự tìm thị trường. Nếu doanh nghiệp có cơ chế thu mua tất cả các sản phẩm gỗ thì người dân sẽ yên tâm gắn bó với liên kết”. 

Hiện, nguồn cung gỗ lớn rừng trồng trong nước ngày càng quan trọng, trực tiếp góp phần giảm sự phụ thuộc của ngành chế biến gỗ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Sử dụng nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu còn giúp giảm thiểu rủi ro trong việc nhập khẩu các loài gỗ bất hợp pháp, thông qua đó nâng cao vị thế của ngành trên trường quốc tế. Chính vì vậy, việc liên kết giữa công ty chế biến và các hộ trồng rừng không chỉ tạo ra nguồn gỗ sạch mà còn giúp hộ vượt qua được các hạn chế về trình độ thâm canh và nguồn lực đầu tư - các hạn chế mang tính chất hệ thống đối với nhiều hộ gia đình hiện nay.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, các mô hình liên kết hiện nay cho thấy liên kết chỉ có thể hình thành khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương không nên trực tiếp tham gia vào các hoạt động của liên kết mà nên coi liên kết như là một loại hình đầu tư và môi trường thể chế cần thông thoáng, đặc biệt là các quy định có liên quan đến sử dụng và quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, để có thể thu hút các doanh nghiệp và người dân cùng tham gia đầu tư, hình thành liên kết. Chính quyền cũng cần có những cơ chế nhằm tạo lòng tin cho doanh nghiệp, bao gồm cả những biện pháp chế tài đủ mạnh, nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra khi hộ phá vỡ hợp đồng; cũng cần thiết lập các biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo lợi ích công bằng cho người dân khi tham gia liên kết. “Liên kết sẽ phát triển và bền vững nếu được vận hành bởi quan hệ cung - cầu, gắn kết thông qua hệ thống giá trị lòng tin và chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên tham gia, trong môi trường thế chế minh bạch, thông thoáng và mang tính phục vụ”, ông Phúc khẳng định.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh: “Việc liên kết giữa doanh nghiệp và chủ trồng rừng là rất quan trọng. Bởi, việc liên kết sẽ giải quyết được ba vấn đề cơ bản là nguồn cung nguyên liệu gỗ được đáp ứng, đảm bảo nguồn gốc gỗ, truy xuất gỗ một cách dễ dàng và lợi nhuận của các bên đều đạt được. Việc liên kết này là xu thế tất yếu trên thế giới và của Việt Nam trong tương lai vì liên quan đến sản xuất theo chuỗi”.

Tuy nhiên, để đảm bảo liên kết phát triển bền vững, theo ông Quyền, cần giải quyết dứt điểm vấn đề về đất đai, khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún hiện nay, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp khi xây dựng mối liên kết.

Theo ông Tô Xuân Phúc, thiếu liên kết làm lãng phí nguồn lực trong đầu tư, đặc biệt trong khâu dự trữ nguyên liệu của các doanh nghiệp (DN) chế biến. Hiện nay, hầu hết các DN trong ngành chế biến đều phải dự trữ nguyên liệu gỗ đầu vào. Thông tin từ một số DN cho thấy, khoảng 60-70% vốn của DN chế biến được dành cho khâu dự trữ nguyên liệu; 30-40% vốn còn lại tập trung vào khâu từ khi đưa cây gỗ vào chế biến đến khi ra sản phẩm.

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top