Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 2 năm 2019 | 15:47

Lo ngại dịch sởi bùng phát trên diện rộng do "tẩy chay" vaccine

Tại Việt Nam, từ cuối năm 2018 đến nay, bệnh sởi bắt đầu có xu hướng gia tăng, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương.

“Anti vaccine” khiến dịch sởi tại TP. HCM chưa thể hạ nhiệt

Dịch sởi gia tăng tại TP. HCM từ tháng 8/2018 đến nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một phần nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng là do trào lưu “anti vaccine” của một số bà mẹ dẫn tới không đi tiêm phòng sởi cho con, là nguồn lây lan bệnh trong cộng đồng.

Có mặt tại Trạm Y tế phường Tân Thới Nhất, Quận 12 TP. HCM vào buổi sáng đúng ngày tiêm chủng, chúng tôi thấy rất đông các ông bố bà mẹ đưa con đến tiêm ngừa cho con. Khi được hỏi về lợi ích của tiêm phòng, các bậc phụ huynh đều cho biết lo sợ con bị mắc nhiều bệnh nên đi tiêm chủng theo khuyến cáo và yêu cầu của các y bác sĩ trạm y tế.

Thế nhưng, không phải bậc phụ huynh nào cũng ý thức được việc tiêm ngừa đầy đủ cho con mình. So với những ngày tiêm chủng khác thì số người đưa con đi tiêm ngừa lần này tại trạm y tế phường Tân Thới Nhất chỉ đạt 1/4.

Bác sĩ Trương Minh Thống Nhất, trưởng trạm y tế phường cho biết, đầu năm 2019, tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn chỉ có 56%, đây là một tỉ lệ rất thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Rất nhiều lần trạm y tế mời phụ huynh đến tiêm phòng cho con nhưng nhiều người không đưa trẻ đến. Tại phường cũng vừa có một chùm ca bệnh sởi với 2 trường hợp mắc là 2 bệnh nhi chưa đến tuổi chích ngừa sởi (9 tháng tuổi).

Ngay từ đầu năm 2019, trạm y tế phường Tân Thới Nhất đã thực hiện ngay việc tiêm vét sởi để đạt mục tiêu tỉ lệ tiêm sởi trên địa bàn phải đạt 90 - 95%. Các y bác sĩ liên tục nhắc nhở phụ huynh đưa bé ra trạm, ghi chú cụ thể các mũi tiêm tiếp theo, không để sót mũi tiêm sởi nào, đặc biệt là trong tình hình sởi gia tăng như hiện nay. Các bác sĩ cũng đã dành một ngày tại mỗi trường học để tổ chức tiêm vét ngay tại chỗ, nhằm tránh tình trạng mời phụ huynh nhưng họ bận rộn, không đưa con tới tiêm ngừa.

Đối với các trẻ không đến trường, bác sĩ Nhất cho biết: “Chúng tôi tổ chức chích ngừa tại cộng đồng và có thư mời tiêm phòng. Có những trẻ 9 tháng và 12 tháng tuổi chưa gửi trường học, chúng tôi kết hợp với ban điều hành khu phố, gửi thông báo xuống các tổ trưởng. Các tổ trưởng thông báo xuống các tổ dân phố có những bé đủ 9 tháng chưa tiêm sởi thì gửi thư mời đến để đi tiêm”.

 

soi-vn.png
Hiện, dịch sởi ở Việt Nam vẫn chưa hạ nhiệt

 

Tỷ lệ tiêm chủng tại cộng đồng chưa cao là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện nhi luôn quá tải các ca mắc sởi. Riêng tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM hiện có gần 20 trẻ bị sởi đang điều trị, trong đó có nhiều trẻ bị nặng, đã biến chứng viêm phổi, tiêu chảy...

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, việc các phụ huynh không cho con tiêm ngừa ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ tiêm chủng, hoặc con đang ốm lặt vặt cũng không cho trẻ tiêm vaccine, không phân biệt vaccine nào có tác động mạnh tới bé, vaccine nào an toàn và không có biến chứng sau khi tiêm.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, số bệnh nhi bị sởi nhập viện tại khoa vẫn từ 15 - 20 ca mỗi ngày, chứng tỏ vẫn còn rất nhiều trường hợp mắc sởi trong cộng đồng và việc tuyên truyền chích ngừa vẫn chưa được nhiều người thực hiện. Khi đã mắc sởi, việc điều trị rất vất vả vì phải cách ly, có những bệnh nhi mang bệnh lý mãn tính nên chữa trị gặp khó khăn hơn.

Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Vaccine sởi là loại vaccine an toàn và hiệu quả rất cao, được sản xuất bởi công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản. Nếu tiêm ít nhất 2 mũi và tiêm đúng thời gian thì trẻ sẽ không mắc sởi. Đặc biệt, các trẻ tiêm mũi sởi dịch vụ phải lưu ý tuân thủ mũi 9 tháng, mức độ lặp lại mũi thứ 2 đúng khoảng cách, đừng để đến lúc 12 tháng mới tiêm mũi 1, rồi chờ thời gian vài năm mới tiêm mũi nhắc lại, sẽ là khoảng trống để virus sởi xâm nhập”.

Hiện bệnh sởi trên địa bàn TP. HCM đang diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 978 ca mắc bệnh sởi. Hiện tại bệnh sởi đã có mặt tại 24/24 quận - huyện. Trong tổng số ca mắc sởi có đến 95% là chưa tiêm phòng vaccine.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế dự phòng, tình hình bệnh sởi đang có chiều hướng gia tăng, một số địa phương khác trong nước và nước ngoài cũng đang gia tăng số ca mắc bệnh sởi. 

Lo ngại bùng phát trên diện rộng 

Cụ thể, năm 2018 cả nước có hơn 9.700 người sốt phát ban nghi sởi (tăng hơn 20 lần so năm 2017), trong đó có 1.963 người dương tính bệnh sởi (tăng 13 lần so năm 2017). Ðáng lo ngại, hơn 50% số ca mắc sởi là do chưa tiêm vaccine sởi, số còn lại do không tiêm đủ mũi, tiêm không đúng lịch.

Bộ Y tế cho biết, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Bên cạnh đó, thời gian qua cũng ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) cho biết, nhiều người lớn mắc sởi là do họ chưa từng tiêm sởi, chưa đáp ứng miễn dịch hoặc nhiều người chưa được tiêm phòng đầy đủ. Do đó, những đối tượng người lớn này khi nằm trong vùng có sởi sẽ dễ mắc sởi.

Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi. Cụ thể, tổ chức chiến dịch tiêm sởi - rubella tại 33 huyện của 6 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La trong tháng 8/2018 cho 261.331/264.462 trẻ từ 1-5 tuổi, đạt tỷ lệ 96,15%. Bên cạnh đó, triển khai tiêm vaccine sởi tại 55 huyện thuộc 13 tỉnh nguy cơ cao.

Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 -2019, cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.

"Để có thể phòng chống được sởi cho các đối tượng cả trẻ em, người lớn, khuyến cáo chung của ngành y tế là mọi đối tượng cần tiêm chủng đầy đủ, ít nhất hai mũi trở lên. Chúng tôi khuyến cáo người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vaccine nhất định như sởi - rubella để trong thời gian mang thai có sinh miễn dịch, kháng thể miễn dịch được truyền cho con. Vì vậy, trẻ trong vòng chín tháng đầu sẽ tránh được sởi"- ông Đặng Quang Tấn cho biết.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên quy mô lớn. Đặc biệt, trong năm 2018 vừa qua, số trường hợp mắc bệnh sởi đã gia tăng hơn năm 2017.

Trên thế giới trong năm 2018 bệnh sởi vẫn ghi nhận tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại khu vực châu Âu, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Sởi bùng phát do “tẩy chay” vaccine

Giới chuyên gia y tế cảnh báo, tỷ lệ tiêm vaccine tại nhiều thành phố ở châu Âu đang giảm đáng báo động, cộng với việc tiếp nhận dòng người di cư, có thể khiến dịch sởi bùng phát nghiêm trọng trong những năm tới.

 

soi-chau-au.jpg

Theo các chuyên gia, nguy cơ dịch sởi bùng phát ở ngay tại thủ đô Berlin của Đức và Warsaw của Ba Lan, giống như dịch bệnh xảy ra tại “Vành đai Kinh Thánh” tại Hà Lan. Khu vực này đã chứng kiến ba đợt bùng phát dịch sởi nghiêm trọng kể từ năm 1977 do tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng bệnh thấp. Dịch sởi quay lại “Vành đai Kinh Thánh” theo chu kỳ khoảng 12 năm, với số ca nhiễm bệnh ở người trưởng thành rất cao và nguy hiểm hơn.

Các chuyên gia y tế cảnh báo tỷ lệ tiêm vaccine thấp trong dòng người di cư tới Berlin và Warsaw, cũng như các đô thị khác tại châu Âu mang theo nguy cơ khiến bệnh sởi lây lan.

Theo nhóm nghiên cứu tại Đại học Y khoa Jagiellonia, Hà Lan, do Tiến sĩ Bartosz Lisowski dẫn đầu, virus sởi lây lan rất mạnh, gây ra nhiều mối đe dọa với cộng đồng. Do đó, chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn là cần thiết để giảm nguy cơ dịch sởi, vốn được ví như “kỷ nguyên đen tối”, quay trở lại.

“Đây là một xu hướng đáng lo ngại và dịch sởi có thể bùng phát nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục giảm. Như vậy, thế giới hiện đại sẽ bước lùi một bước về lại “kỷ nguyên đen tối”. Virus sởi có thể tiến hóa khiến cho dịch bệnh bùng phát quy mô lớn hơn và kéo dài dai dẳng hơn”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Tại thủ đô Warsaw, nơi có 5% dân số Ba Lan sinh sống và có hàng trăm trường học, xu hướng “tẩy chay vaccine” đang gia tăng. Số liệu các nhà nghiên cứu đăng trên Tạp chí khoa học Biosystems cho thấy, phạm vi tiêm chủng tại Ba Lan đang “giảm không phanh” và gần đây đã thậm chí đã giảm xuống dưới mức cơ bản 95%-97%”.

Giới chuyên gia khuyến cáo, Ba Lan phải có kế hoạch khuyến khích người dân tiêm vaccine và triển khai chương trình tiêm chủng quy mô lớn tại thủ đô Warsaw, cũng như các thành phố khác, nếu họ muốn tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi.

Trong khi đó, tại thủ đô Berlin của Đức, dịch sởi bùng phát mới đây nhất vào năm 2015, với hơn 1.243 trường hợp nhiễm bệnh. Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát là do các bậc phụ huynh từ chối tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, những người nhập cư và người tị nạn chưa được tiêm chủng cũng là một phần nguyên nhân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc sởi đã gia tăng 30% trên toàn thế giới, đặc biệt việc bỏ qua tiêm chủng là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019.

Từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2018, WHO thống kê được có khoảng 41.000 trường hợp nhiễm sởi tại Liên minh châu Âu (EU), trong đó 40 trường hợp đã tử vong.

10 bang tại Mỹ đã ghi nhận 101 ca mắc sởi, bao gồm cả 4 bang Colorado, Oregon, Texas và Washington - là những nơi cho phép miễn tiêm chủng.

Liều vaccine sởi đầu tiên được tiêm tại Mỹ vào năm 1963 và đến năm 2000, bệnh sởi được tuyên bố “xóa sổ”. Tuy nhiên, Mỹ đang chứng kiến dịch sởi bùng phát trở lại.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, hầu hết những ca mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi và tất cả đều không tiêm phòng.

CDC xác nhận từ ngày 1/1/2019, sởi đã xuất hiện tại 10 bang của Mỹ, gồm California, Colorado, Connecticut, Georgia, Illinois, New Jersey, New York, Oregon, Texas và Washington. Đặc biệt trong đó, bang Washington và New York đang gặp khó khăn trong nỗ lực kiểm soát dịch sởi.

Giới chức y tế các bang này cho rằng, cách duy nhất để đặt dấu chấm hết cho cuộc “khủng hoảng dịch sởi” là bãi bỏ hoàn toàn quy định miễn tiêm chủng.

Tháng trước, chính quyền bang Washington đã công bố “tình trạng khẩn cấp y tế” sau khi dịch sởi bùng phát, với 53 trường hợp nhiễm bệnh ở Hạt Clark. 47 người trong số này đã không tiêm phòng và 38 trường hợp là trẻ em 10 tuổi và nhỏ hơn.

Tại Hạt Clark, gần 8% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ miễn tiêm phòng trong năm học 2017-2018. Khoảng 1,2% trong số này có lý do về y tế, phần còn lại là do phong trào “tẩy chay vaccine” của các bậc phụ huynh.

Thực tế quá rõ ràng trước việc dịch sởi quay trở lại một phần do phong trào “tẩy chay vaccine”. Rất nhiều bậc phu huynh tại Mỹ tin rằng vaccine đi kèm những tác dụng phụ, như gây ra bệnh tự kỷ. Do đó, họ đã từ chối tiêm phòng cho trẻ nhỏ và tin vào cơ chế miễn dịch tự nhiên của con người.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ tại Mỹ, khi đủ 18 tuổi đã tự mình quyết định đi tiêm liều vaccine đã để lỡ khi còn nhỏ.

Trong đó, Ethan Lindenberger, 18 tuổi, tại Norwalk, bang Ohio, đã có những mũi tiêm phòng đầu tiên để ngừa 6 bệnh, trong đó có quai bị và viêm gan.

“Cuối cùng tôi cũng đã tiêm phòng khi 18 tuổi. Bố mẹ tôi không cho tôi tiêm vaccine khi còn nhỏ vì lo sợ các mũi tiêm sẽ gây tổn thương não và gây ra bệnh tử kỷ”, Ethan cho biết.

Khi bước sang tuổi 18, Ethan tự quyết định mình sẽ đi tiêm phòng sau khi tham khảo các bằng chứng khoa học về tác dụng của vaccine.

Mayci, 18 tuổi, tại Augusta, bang Georgia cũng đã đi tư vấn tiêm phòng sau khi mẹ cô từ chối tiêm vaccine cho Mayci khi còn nhỏ.

Nhiều bậc phụ huynh cũng đang dần thay đổi định kiến “tẩy chay vaccine” của mình. Chị Kristina Kruzan, tại Seabeck, bang Washington, đã không tiêm phòng cho 3 đứa con của mình trong suốt 15 năm. Nhưng chị đã thay đổi khi hiểu rằng: “Vaccine không chỉ bảo vệ những đứa trẻ của chị mà còn bảo vệ cả cộng đồng”.

 

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine. Đây là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất.

Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

Để phòng bệnh sởi, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, mầm bệnh. Đặc biệt, với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vaccine phòng bệnh người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine theo lịch.

 

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top