Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 14:53

Lợn chết sau khi tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi: Bài học sâu sắc

Sau Bình Định, Phú Yên, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra tình trạng lợn tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn Châu Phi bất ngờ xuất hiện các triệu chứng lạ, hàng trăm con lợn đã chết sau vài ngày tiêm.

Lợn chết sau khi tiêm vắc xin

Theo kết quả điều tra, thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi, tính đến ngày 29/8, tổng số lợn bị sự cố là 767 con, trong đó có 679 con chết và 88 con còn sống nhưng bỏ ăn…

Bà Võ Thị Sơn (thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh), cho biết: Gia đình nuôi 6 con lợn giống. Vừa qua, thấy dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trên cả nước, trong đó có một số địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi cũng xuất hiện dịch nên tôi rất lo lắng, sợ dịch lây lan sang đàn lợn nhà mình. Khi biết thông tin đã có vắc xin phòng DTLCP, tôi liên hệ với thú y đến tiêm phòng. Thế nhưng, sau 5 ngày tiêm, toàn bộ 6 con lợn của gia đình đều có biểu hiện lạ như da tím tái, tiểu ra máu và bỏ ăn.

 

z3722971733219_da0a50734ab4d2deddf87e14300b1845.jpgNhiều hộ dân ở Quảng Ngãi vô cùng lo lắng khi đã có những con lợn bị chết sau khi tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi của NAVETCO.

 

Tương tự, ông Võ Hồng Minh trú cùng địa chỉ với bà Sơn, khi biết một cơ sở bán thuốc thú y ở địa phương đã có vắc xin phòng DTLCP liền gọi điện thú y đến tiêm phòng cho 4 con lợn thịt và 2 con lợn nái đang nuôi (Theo ông Minh, mỗi liều vắc xin được tiêm, gia đình ông phải trả 50.000 đồng).

Tưởng là tiêm vắc xin phòng dịch thì lợn sẽ an toàn. Vậy mà, chỉ mấy ngày sau, hầu hết lợn của gia đình ông tự dưng bỏ ăn, da tím tái. Cho đến thời điểm hiện tại, 3 con lợn thịt, 1 con lợn nái cùng 10 lợn con đang trong thời kỳ bú sữa mẹ đã chết. Ông Minh không khỏi lo lắng khi số lợn còn lại của gia đình cũng đang bỏ ăn.

Theo kết quả điều tra, thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền địa phương về tình hình lợn bị bệnh và chết sau tiêm phòng vắc xin DTLCP tính đến ngày 29/8/2022 như sau:

Qua khai báo của Cửa hàng thuốc thú y T.N. (ở xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi), một số thú y viên cơ sở của xã đăng ký vắc xin DTLCP nên cơ sở có nhập 20 lọ vắc xin nhược độc đông khô DTLCP, chủng ASFV-G-Delta - I 177L do Công ty cổ phần thuốc Thú Y Trung ương Navetco sản xuất mang nhãn hiệu NAVET-ASFVAC; Số lô 01;  NSX 15/02/22;  HSD 14/02/23; SĐK: TWII-171 với quy cách mỗi lọ 25 liều, bào chế ở dạng đông khô có kèm theo nước pha tiêm và đã bán 18 lọ, còn 02 lọ khi xảy ra sự cố công ty đã thu hồi.

Trong 18 lọ vắc xin DTLCP đã sử dụng tiêm được được 767 con (522 con lợn nái, 22 con lợn đực giống, 223 con lợn thịt). Tổng số lợn bị sự cố là 767 con, trong đó có 679 con chết (473 con lợn nái, 20 lợn đực giống, 186 con lợn thịt) và 88 con còn sống nhưng bỏ ăn (49 con lợn nái, 2 con lợn đực giống, 37 con lợn thịt).

Theo nhận định ban đầu của các cơ quan chuyên môn ngành thú y, nguyên nhân xảy ra sự cố sau tiêm vắc xin DTLCP có thể do một số nguyên nhân: Do tiêm phòng vắc xin DTLCP không có sự giám sát của các cơ quan thú y và Công ty Navetco nên thú y cơ sở và người chăn nuôi chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo Công văn số 1060/TY-DT ngày 08/7/2022 của Cục Thú y về việc giám sát sử dụng vắc xin phòng DTLCP, nhất là tiêm phòng ngoài đối tượng tiêm phòng (Chỉ tiêm lợn từ 8 -10 tuần tuổi). Có thể do các đàn lợn đang bị nhiễm vi rút DTLCP thực địa nên khi tiêm vắc xin đã tạo điều kiện cho bệnh phát ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết: Ngày 24/8/2022, khi nhận tin báo của người dân, tại một số hộ trên địa bàn huyện Sơn Tịnh về tình trạng lợn sốt, bỏ ăn rồi chết sau tiêm vắc xin DTLCP, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra và báo cáo kết quả. Số lợn chết, Công ty Navetco, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chính quyền địa phương đang thống kê xác nhận cho chính xác để hỗ trợ đợt 1 cho người dân.

Giải pháp khắc phục

Ngay sau khi có kết quả kiểm tra sự cố xảy ra sau tiêm phòng vắc xin DTLCP, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản tạm dừng sử dụng vắc xin DTLCP của Công ty Navetco cho đến khi có thông báo mới.

Về hướng giải quyết thiệt hại cho người chăn nuôi có lợn chết sau khi tiêm vắc xin DTLCP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Trọng Phương cho biết: Theo Công văn số 1060/TY-DT ngày 08/7/2022 của Cục Thú y về việc giám sát sử dụng vắc xin phòng bệnh DTLCP thì chi phí xử lý sự cố liên quan đến tiêm phòng vắc xin giao Công ty NAVETCO có kế hoạch để khắc phục nên Công ty đã cử người đến lập danh sách số lượng lợn từng hộ đã tiêm phòng để hỗ trợ thiệt hại. 

Cục Thú y cũng đã chỉ đạo Chi cục Thú y Vùng IV vào lấy mẫu xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân nhằm tạo ra vắc xin đạt chất lượng về các chỉ tiêu an toàn, hiệu lực và vô trùng theo tiêu chuẩn quy định để tiêm phòng trong thời gian tới.

Bài học sâu sắc

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y trung ương (Công ty Navetco) sản xuất. Đây là công trình khoa học nghiêm túc của bộ, không chỉ riêng Việt Nam mà phối hợp với Mỹ, do đó trình tự, thủ tục, chất lượng vắc xin đều được đảm bảo, đầy đủ theo quy định.

 

z3722973415288_dff8fcafa4bdc24e5699255e4fd072e3.jpgChi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản tạm dừng sử dụng vắc xin DTLCP phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Công ty Navetco cho đến khi có thông báo mới.

 

3 lô vắc xin mà bộ cho phép sử dụng đều đạt yêu cầu chất lượng về vô trùng, an toàn và hiệu lực bằng phương pháp công cường độc.

“Hiện đã tiêm hơn 21.000 liều, nếu vắc xin kém thì heo chết hết. Nguyên nhân heo chết ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi là do tiêm sai đối tượng heo”, ông Tiến nói và khẳng định không có chuyện lấy heo của dân ra để làm thử nghiệm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu lãnh đạo Công ty Navetco kiểm điểm, rút kinh nghiệm, và hỗ trợ người dân khắc phục sự cố, đồng thời yêu cầu địa phương kiểm điểm các tập thể, cá nhân cung ứng, giám sát việc tiêm vắc xin không đúng quy định. Sau sự cố này, Bộ chỉ đạo các địa phương cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình tiêm do Bộ đưa ra, xem đây là bài học sâu sắc trong việc triển khai.

Ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, sau khi vắc xin DTLCP được cấp phép lưu hành, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép triển khai tiêm 600 nghìn liều vắc xin tại 20 tỉnh, thành phố. Việc tiêm vắc xin được yêu cầu phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Theo đó, bất kỳ hộ chăn nuôi nào có nhu cầu tiêm vắc xin cho lợn cũng đều phải đăng ký và viết cam kết theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Trước khi tiêm, cơ quan thú y cần xuống kiểm tra thực tế đặc điểm đàn lợn, tình hình dịch tễ. Khi tiêm phải có sự giám sát và hướng dẫn của cơ quan thú y cơ sở và cán bộ của Công ty Navetco. Sau khi tiêm, các cơ sở phải theo dõi lâm sàng liên tục tối thiểu 28 ngày.

Ông Long cũng khẳng định, Công ty Navetco và thú y địa phương thực hiện không đúng yêu cầu của Cục Thú y. Cụ thể, Navetco cung cấp vắc xin nhưng không có báo cáo, không giám sát quá trình tiêm vắc xin. 

Về phía Chi cục thú y địa phương, lẽ ra phải cung ứng trực tiếp cho người nuôi hoặc thú y cơ sở để triển khai tiêm, nhưng lại cung cấp cho đại lý, các đại lý bán tự do cho dân, trong khi hiện nay chúng ta chưa cho phép buôn bán như vậy.

Theo ông Long, Công ty Navetco cam kết trước mắt hỗ trợ heo nái, heo đực giống 2 triệu đồng/con, heo thịt 1 triệu đồng/con. Như vậy là có sự chia sẻ, phối hợp khắc phục giữa công ty, địa phương và người chăn nuôi.

 

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top