Trước thông tin hơn 1.400 giáo viên tại Cà Mau bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng, UBND huyện Thới Bình thừa nhận có sai sót trong việc ký hợp đồng. Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thông tin cắt hợp đồng hơn 1.400 giáo viên là không chính xác.
Mới đây, hơn 1.400 giáo viên tại tỉnh Cà Mau bất ngờ bị các trường tiểu học và THCS cắt hợp đồng lao động. Việc bất ngờ bị cho nghỉ dạy khiến nhiều giáo viên lâm vào tình trạng hoang mang. Đặc biệt, hầu hết các giáo viên bị cắt hợp đồng đều có hoàn cảnh khó khăn lại quá tuổi để xin việc nên đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Trao đổi với báo chí về việc này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thừa nhận, do việc tuyển dụng của huyện chưa đúng quy trình. Trước đây, UBND huyện cho chủ trương để phòng giáo dục ký hợp đồng. Tuy nhiên, chủ trương này chưa đúng, dẫn đến các chế độ chính sách gặp khó khăn.
Như vậy, phần lỗi là do UBND huyện Thới Bình khi ký hợp đồng với giáo viên không xin phép UBND tỉnh. Hậu quả là hàng loạt giáo viên bị cắt hợp đồng lao động.
Về vấn đề này, theo Sở GD&ĐT, mặc dù tỉnh có chủ trương là chấm dứt hợp đồng với giáo viên do các trường tự ký. Nhưng làm việc này cần phải có lộ trình hợp lý, minh bạch và linh hoạt, ở một số nơi việc thực hiện bị quá cứng nhắc.
Tuy nhiên, ngày 7/11, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thông tin cắt hợp đồng hơn 1.400 giáo viên ở Cà Mau là không chính xác.
Trước đây, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố nhất quán quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau việc rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên trên cơ sở đảm bảo đúng theo lộ trình, khách quan, minh bạch và hợp lý.
Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho rằng, thông tin về việc tỉnh Cà Mau cắt hợp đồng 1.400 giáo viên đã gây sự hiểu nhầm trong dư luận. Kết quả bước đầu triển khai việc sắp xếp trường lớp, giáo viên đã có sự ổn định, đa số giáo viên yên tâm công tác...
Đến ngày 30/10/2018, trên địa bàn Cà Mau còn 230 giáo viên Tiểu học thuộc diện tự hợp đồng và THCS còn thừa 31 giáo viên. Nhưng toàn tỉnh Cà Mau còn thiếu 110 giáo viên dạy môn tiếng Anh và 74 giáo viên dạy môn Tin học.
Sau kiến nghị của sở GD&ĐT Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đồng ý cho UBND các huyện, thành phố tiếp nhận số giáo viên kể trên vào 328 vị trí còn thiếu.
Miễn xử phạt 90 triệu đồng cho ông Nguyễn Cà Rê
Ngày 7/11, thông tin từ UBND TP. Cần Thơ cho biết, đã có quyết định miễn toàn bộ tiền phạt 90 triệu đồng cho ông Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) liên quan đến vụ việc thu đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực.
Được biết, quyết định miễn toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Cà Rê đều do ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký.
Quyết định của UBND TP. Cần Thơ miễn xử phạt 90 triệu đồng cho ông Nguyễn Cà Rê
Quyết định cũng nêu rõ, ông Rê không thuộc trường hợp được trả lại tang vật vi phạm hành chính.
Trả lại 20 viên kim cương cho tiệm vàng Thảo Lực
Mới đây, UBND TP. Cần Thơ đã thống nhất hủy một phần biên bản xử phạt VPHC và trả lại 20 viên kim cương đã thu giữ của tiệm vàng Thảo Lực.
Về 20 viên kim cương, lúc đầu ông Lê Hồng Lực, Giám đốc Công ty Thảo Lực khai nhận gia công, sau đó ông Lực thay đổi lời khai là mua kim cương không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên Công an TP. Cần Thơ trình UBND TP ra quyết định xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sau khi bị lập biên bản, ông Lực có đơn trình bày cho rằng số kim cương và gần 20.000 hột đá nhân tạo là tài sản riêng của gia đình nên không có hóa đơn chứng từ. Các cơ quan chức năng nhận thấy giải trình của ông Lực có căn cứ, nên đồng ý hủy việc xử phạt VPHC đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và trả lại số kim cương, hột đá nhân tạo cho ông Lực.
Trước đó, anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện, ngụ Ninh Kiều) được người thân cho tờ 100 USD, anh Rê ra tiệm vàng ở phường Cái Khế đổi thì bị lực lượng chức năng lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 90 triệu đồng.
Lý do anh Rê bị xử phạt 90 triệu đồng do có hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Ngoài số tiền bị phạt, anh này còn bị phạt bổ sung là tịch thu gần 2,3 triệu đồng.
Chủ tiệm vàng nơi anh Rê đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt hành chính Tổng số tiền tiệm vàng bị phạt là 295 triệu đồng. Ngoài ra, có hình phạt bổ sung là tịch thu 100 USD (2,3 triệu đồng), 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.
Cà Mau: Thu mua cá lìm kìm gai với giá cao bất thường
Những ngày gần đây tại tỉnh Cà Mau đang xảy ra việc một số thương lái tập trung thu mua cá lìm kìm gai với giá cao bất thường.
Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện việc thương lái thu gom cá lìm kìm gai với giá 750.000-800.000 đồng/kg cá tươi. Sau đó, chủ các cơ sở thu mua phơi khô, bán cho đầu mối với giá từ 2,7-3 triệu đồng/kg.
Cá lìm kìm gai phơi khô bán với giá 3-4 triệu đồng/kg (ảnh news.zing)
Cũng theo ông Lâm, Chi cục Thủy sản đã lấy mẫu cá lìm kìm mà thương lái đang thu mua gửi về Đại học Cần Thơ để kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của loại cá đối với môi trường, từ đó, có cơ sở định hướng cho người dân.
Cá lìm kìm sống tại vùng nước lợ, trong ao đìa, kênh rạch đều có nhưng số lượng không nhiều. Trước nay, loại cá này không có giá trị, ít ai buôn bán. Thương lái thu mua giá cao như vậy là bất thường, ông Lâm cho biết thêm.
Trước sự việc bất thường trên, UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường quản lý, rà soát, nắm kỹ thông tin về việc thương lái thu mua cá lìm kìm trên địa bàn. Từ đó, có định hướng kịp thời.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.