Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2019 | 13:29

Mặn chát những mùa tôm

Từng hái ra tiền ở mảnh đất “chảo lửa” Hà Tĩnh, từ thập niên 80 của thế kỷ 20, người dân đã đưa tôm sú, tôm thẻ chân trắng vào nuôi trồng, phát triển. Đây cũng chính là đối tượng nuôi chủ lực vùng bãi ngang ở Hà Tĩnh.

 

Thế nhưng đến nay, đại đa số thua lỗ, thất bại, nông dân ôm món nợ lớn vì tôm.

 

tr14.jpg

Nhiều diện tích nuôi tôm ở xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) nay bỏ hoang. 

 

Đâu còn những tỷ phú nuôi tôm?

Năm 2007, khi dự án nuôi tôm trên cát từng được xem là lớn nhất Đông Nam Á do Công ty Công nghệ Việt – Mỹ, một thành viên của Tập đoàn ATI (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư thất bại thì bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà), người  chân ướt chân ráo làm đại lý kinh doanh cho một hãng thức ăn tôm âm thầm nhập cuộc. Quyết định táo bạo của bà khiến ai cũng cảm thấy ái ngại bởi nuôi tôm “có thể từ nhà lầu biến thành nhà lá trong nháy mắt”.

Bẵng đi một vài vụ nuôi, có chút vốn lận lưng, bà Hạnh quyết định thuê lại toàn bộ 115ha/100 hồ của Công ty Công nghệ Việt - Mỹ, đầu tư 20 tỷ đồng nuôi tôm trên cát. Một vụ, hai vụ rồi hàng chục vụ toàn thắng, bà Hạnh trở thành tỷ phú tôm trong sự ngỡ ngàng của  người dân địa phương.

Thành công của “vua tôm” Nguyễn Thị Hạnh mở đường cho hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ “tay ngang” đầu tư nuôi tôm trên cát. Những năm 2010 - 2015, doanh nghiệp, công chức nhà nước nuôi tôm; nông dân trồng lúa, trồng lạc cũng nuôi tôm...

Chính việc phát triển “nóng” diện tích khiến cho môi trường quá tải, ô nhiễm, tôm chế hàng loạt, hàng chục hộ lâm cảnh nợ nần, túng quẫn. Thậm chí người một thời “đãi cát thành vàng”, dày dặn kinh nghiệm như bà Hạnh cũng phải gửi công văn xin dừng dự án vì thua lỗ liên miên.

 

tr14a.jpg
Máy móc thiết bị hư hỏng, chỏng chơ.

 

 Theo bà Hạnh, từ năm 2007 đến đầu 2017, gần như năm nào Công ty Sao Đại Dương cũng nuôi thành công, họa hoằn lắm mới có một vài hồ thất thu. Doanh số mỗi năm ghi nhận trên dưới 50 tỷ đồng, có năm đạt trên 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2017, hễ thả nuôi vụ nào là thất bát vụ đó.

Cụ thể, vụ đông 2017 mất trắng 50 hồ/20ha mặt nước; năm 2018 không cho thu hoạch. Đầu năm 2019, thả 14 triệu con giống, nuôi được một thời gian ngắn, tôm  chết trắng hồ. Ước tổng thiệt hại trong 3 năm qua hơn 10 tỷ đồng.

“Tôi là người đầu tiên vực dậy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nhưng nay phải bỏ của chạy lấy người. Nhìn hàng trăm, hàng nghìn hồ tôm dọc bờ biển Hà Tĩnh bỏ hoang, phơi nắng phơi mưa, tôi buồn lắm”, bà Hạnh bần thần nói.

Với hộ dân ngắn vốn, thiếu cán bộ kỹ thuật chuyển hướng đầu tư vào nuôi tôm hầu hết nay trở về tay trắng, thậm chí nhiều hộ ôm nợ tiền trăm, bạc tỷ.

Năm 2014, anh Đặng Văn Trường (thôn Bắc Thành) cùng hàng chục hộ dân khác ở xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) đang sản xuất lúa, kinh doanh thì đổ xô lên xã, lên huyện xin cấp đất đầu tư nuôi tôm.

Lúc bấy giờ, cả bãi ngang hàng chục hecta nhộn nhịp xe, máy đào ao, lót bạt, lắp hệ thống quạt nước... để kịp xuống giống. Vụ nuôi đầu tiên, anh Trường cùng 3 hộ dân khác là Trần Đình Cảnh, Đặng Đình Bảo, Phan Xuân Cầm đầu tư 2,4 tỷ đồng xây dựng 5 hồ/1,2ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Kết quả thu hoạch, cả vùng tôm thôn Bắc Thành thắng lớn, người thu tiền trăm, người lời bạc tỷ. Cơn sốt nuôi tôm “siêu lợi nhuận” cuốn các hộ dân đổ vốn đầu tư thêm những năm sau đó.

 

tr14b.jpg
Máy móc thiết bị hư hỏng, chỏng chơ.

 

Theo chia sẻ của anh Trường, trong 10 vụ thả giống 5 năm qua, chỉ duy nhất vụ đầu tiên có lãi, còn các năm sau chủ yếu hòa vốn hoặc thua lỗ. “Đến thời điểm này, số vốn đầu tư ban đầu chúng tôi chưa thu lại được đồng nào, gia đình vì nuôi tôm mà mất tong khoảng 700 triệu đồng. Cụt vốn nên 2 năm nay chúng tôi chỉ thả nuôi 1-2 hồ/vụ để giữ ao hồ, vớt vát chút vốn”, anh Trường nói.

Chung số phận, nhiều năm nuôi tôm thua lỗ khiến anh Đặng Quốc Hoạt, cùng ở xã Cẩm Dương, ôm cục nợ hơn 500 triệu đồng. Bây giờ pha tôm 12 hồ thì có đến 11 hồ “đắp chiếu”.

Vì sao thất bại?

Ngày 5/7/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch nuôi tôm trên cát giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đề án, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 có 900ha nuôi tôm trên cát và đến 2030 là 980,2ha. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực cả về mặt kinh tế, môi trường nên cuối năm 2018, địa phương này điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030 giảm xuống còn 694ha (giảm 286ha).

Đề án được kỳ vọng sẽ sử dụng hiệu quả tài nguyên đất cát, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân ven biển, tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, nghề nuôi tôm ở Hà Tĩnh phát triển sớm hơn so với các tỉnh khác trong khu vực nhưng cũng thất bại... sớm hơn.

Ông Lưu Quang Cần, Phó chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh, khẳng định, nuôi tôm không phải nhiều tiền là làm được. Muốn thành công, chủ hồ phải trực tiếp lăn lộn, có trình độ kỹ thuật và đam mê; đặc biệt, cộng đồng nuôi tôm phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để đảm bảo môi trường sạch.

Còn theo Giám đốc Cty TNHH Sao Đại Dương, nguyên nhân thất bại thì nhiều nhưng đầu tiên phải nói đến quy hoạch quá ồ ạt, phát triển nóng trong khoảng thời gian từ 2014 - 2016. “Chỉ 500m bờ biển Thạch Trị nhưng có đến gần 100ha nuôi tôm trên cát. Quy hoạch chi chít như vậy, môi trường làm sao tải nổi”, bà Hạnh bức xúc.

 

tr14c.jpg
Một số hộ cố duy trì 1 -2 hồ/pha để bảo vệ hạ tầng, vớt vát chút vốn.  

 

Đó là chưa kể, ý thức trong việc bảo vệ môi trường của các hộ nuôi nhỏ lẻ trong vùng rất hạn chế. Nhiều hộ ngang nhiên xả thẳng ra môi trường, cả hồ tôm bị chết vì dịch bệnh. Có thể “điểm mặt chỉ tên” những cơ sở nuôi có “thâm niên” vi phạm như: Công ty CP xây lắp Thành Vinh (vùng nuôi xã Thạch Trị); Công ty CP xây dựng Tiến Đạt (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà); hộ ông Nguyễn Viết Khánh (xã Xuân Đan, Nghi Xuân)...

Những diện tích nằm trong quy hoạch đã đành, trước năm 2016, 7 hộ dân ở xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) tự cải tạo 11,8ha đất đầu tư nuôi tôm trên cát. Suốt quá trình nuôi từ đó đến nay, môi trường ở khu vực này thường xuyên bị ô nhiễm. Tuy nhiên, cho rằng đây là sinh kế của dân nên cũng khó xử lý, huyện chỉ còn cách gọi lên nhắc nhở, phạt 1-2 triệu đồng.

Có lẽ chính sự dễ dãi, cả nể, buông lỏng của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước đã tiếp tay cho những hành vi xả thải ra môi trường liên miên của các cơ sở nuôi tôm, khiến dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.

Thất bại liên tục tại các vùng nuôi tôm ở Hà Tĩnh không chỉ làm nghèo xã hội mà còn đẩy người dân vùng bãi ngang lâm cảnh bế tắc trong vòng xoáy nợ nần. Ngoài bất cập về quy hoạch, giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh, năng lực về tài chính, đặc biệt là trình độ kỹ thuật của hộ dân cũng là bài toán cần xem xét lại. Nếu khăng khăng đổ lỗi cho sự thiếu năng lực của người nuôi mà quên đi vai trò định hướng, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn thì thật không công bằng.

Thiết nghĩ, Hà Tĩnh cần nhìn nhận lại những hạn chế từ việc quy hoạch, cấp đất cho đến “chọn mặt gửi vàng” để từ đó xây dựng chiến lược dài hơi, căn cơ nhằm khai thác hiệu quả, bền vững 137km bờ biển.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    UBND thành phố Huế vừa phối hợp cùng với Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã (ĐVHD).

  • Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Trong hai ngày 16-17/3 (nhằm mồng 7 và mồng 8 tháng hai âm lịch) đã diễn ra Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam – Hội An 2024 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với nhiều hoạt động đặc sắc.

  • Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Ngày 15/3, Đoàn bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo Khoa học Thanh niên với chủ đề “Thanh niên ứng dụng chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại”.

Top