Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 5 năm 2021 | 15:22

Miền Trung: Không được lơ là trong công tác chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Song song với việc phòng chống dịch Covid-19, thì công tác khoanh vùng, ngăn chặn lây lan của dịch viêm da nổi cục ở trâu bò cũng rất cần thiết. Đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung khi nền kinh tế nông nghiệp chiếm chủ đạo.

Mới đây nhất tại Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã ghi nhận 116 con bê chết vì nhiễm dịch viêm da nổi cục. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chưa được tiêm vắc-xin phòng dịch.

Theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ. Tính cho đến nay, trên địa bàn huyện có 194 con trâu, bò chết do nhiễm bệnh viêm da nổi cục (VDNC). Trong đó, số lượng 116 con bê dưới 3 tháng tuổi mới đây bị chết do nhiễm dịch chiếm tỷ lệ khoảng 60%.

 

80d2111003t34941l0.jpg
Lực lượng chức năng huyện Đức Thọ mổ con bê 3 tháng tuổi bị nhiễm dịch. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Trước tình hình trên, sáng ngày 4/5 Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ đã tiến hành mổ khám nghiệm 1 con bê dưới 3 tháng tuổi bị chết do nhiễm bệnh VDNC của một hộ dân trên địa bàn để kiểm tra.

Qua kiểm tra giám định, cơ quan chuyên môn đã nhận định và cho biết, triệu chứng xuất hiện trên con bê là những biến chứng của bệnh VDNC do không được tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Trao đổi thông tin với lãnh đạo của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: Thời gian qua, bê, nghé dưới 3 tháng tuổi là đối tượng chưa được khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng dịch VDNC tại Hà Tĩnh nói chung và Đức Thọ nói riêng. Do vậy, số lượng bê dưới 3 tháng tuổi bị nhiễm bệnh và chết nhiều là điều tất yếu. Điều này cũng chứng minh rằng, việc tiêm vắc-xin là hết sức cần thiết để hạn chế thấp nhất tình trạng trâu, bò chết do bệnh VDNC.

Tình trạng trâu bò chết do nhiễm dịch viêm da nổi cục không chỉ có ở Hà Tĩnh, mà ngay ở Nghệ An tình trạng này cũng đáng báo động. Điều đáng nói là chính quyên nơi đây lại đang có phần “thờ ơ” trước thực trạng trên.

Vào cuối tháng 4 vừa qua, một con bò gần 3 tạ tại gia đình của anh Nguyễn Đình Phong, một hộ dân sống ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) có dấu hiệu mắc viêm da nổi cục. Mặc dù gia đình đã ra sức cứu chữa, tuy nhiên do bị viêm nhiễm nặng và sức đề kháng yếu. Con bò của hộ gia đình anh Phong trên đã chết vài ngày sau đó.

Để tránh việc dịch viêm da nổi cục lây lan trên địa bàn, gia đình anh Phong đã báo cáo lên xóm và chính quyền xã Quỳnh Châu để xin giải pháp tiêu hủy. Tuy nhiên, thay vì đưa ra các biện pháp tiêu hủy hiệu quả, tránh lây nhiễm diện rộng thì lãnh đạo xã Quỳnh Châu lại vô cảm, không hề cử lực lượng chuyện môn xuống phối hợp cùng gia đình anh Phong đi tiêu hủy bò bị nhiễm dịch mà chỉ đạo gia đình tự đi chôn bò.

Trước sự việc trên, anh Phong cùng các hộ dân trên địa bàn vô cùng bức xúc với chỉ đạo của lãnh đạo xã Quỳnh Châu. Bởi lẽ, việc để người dân tự ý chôn gia súc bị nhiễm dịch khi chưa có kiến thức chuyên môn hay quy trình tiêu hủy để đảm bảo an toàn sẽ để lại những nguy hại khôn lường. Chưa kể đến việc nếu không tiêu huy đúng quy trình sẽ gây ô nhiễm môi trường và không hạn chế được sự lây lan của dịch.

 

bna_image_1003656_552021.jpg
Vị trí tiêu hủy bò bị nhiễm dịch của gia đình anh Phong. Ảnh: Báo Nghệ An

Trao đổi vấn đề này, ông Vũ Văn Thưởng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu cho rằng: Đối với trường hợp bò chết do nhiễm dịch viêm da nổi cục của gia đình anh Phong là xã đã giao cho cán bộ nông nghiệp đến kiểm tra, cấp vôi bột, hóa chất khử trùng. Tuy nhiên, việc tiêu hủy, gia đình tự thực hiện trong khu vườn rừng của gia đình ông Phong. Sau khi tiêu hủy xong, ông Thưởng có nắm được thông tin phản ánh của người dân việc ông Phong tiêu hủy bò không đảm bảo. Tuy nhiên, ông Thưởng thừa nhận đến nay bản thân ông vẫn chưa biết vị trí tiêu hủy con bò của gia đình anh Phong ở đâu, tiêu hủy như thế nào.

Tính cho đến ngày 4/5, trên địa bàn huyện đã có 91 con bò nhiễm dịch viêm da nổi cục. Trong đó, 32 con bị chết và tiêu hủy. Điều đáng lo ngại, tại xã Quỳnh Châu, số lượng bò bị nhiễm dịch viêm da nổi cục bị chết nhiều nhất huyện, với 7 con chết và tiêu hủy và hiện vẫn còn 19 con bò đang nhiễm bệnh. 

Nhiều năm quá, Nghệ An và các tỉnh miền Trung luôn đi đầu trong công tác phòng chống sự lây lan của dịch. Điển hình như công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm,… Trong sự việc lần này, phải chăng lãnh đạo của xã Quỳnh Châu đã có phần “tắc trách” trong công tác cùng người dân phòng chống dịch viêm nhiễm nổi cục ở trâu, bò. Nên khiến cho dịch có dấu hiệu bùng phát trên diện rộng.

Mong rằng, sự việc trên chỉ là sự hy hữu trong công tác phòng chống dịch của các lãnh đạo xã Quỳnh Châu nói riêng và của tình Nghệ An nói chung. Hy vọng chính quyền các cấp sẽ lưu tâm hơn, tránh để dịch bệnh bùng phát đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc của người dân.

 

 

 

Công Ngọc (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top