Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 2 năm 2021 | 19:13

Miền Trung tăng cường phòng, chống dịch cho gia súc

Hiện nay, miền Trung xuất hiện nhiều bệnh dịch dễ lây lan trên đàn gia súc như: dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi...

Hà Tĩnh xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò
 
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, 23 xã, phường, thị trấn có bệnh dịch chưa qua 21 ngày.
 
Các xã xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò là Mai Phụ, Thạch Châu, Phù Lưu, Hộ Độ, Thạch Mỹ, Tân Lộc, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà); xã Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Sơn, thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà); xã Cẩm Mỹ, Cẩm Thịnh, Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Yên Hòa, Nam Phúc Thăng, Cẩm Duệ, thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên); phường Hưng Trí (TX. Kỳ Anh); phường Đại Nài (TP. Hà Tĩnh).
 
ảnh-1.jpg
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò
 
Ngành chuyên môn khuyến cáo, dịch bệnh viêm da nổi cục sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, các địa phương chủ động thực hiện theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh để khoanh vùng, hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh; kiểm tra hoạt động ở khu giết mổ, hoạt động buôn bán ở chợ dân sinh, điểm nhỏ lẻ trong thời điểm cận tết; không khuyến khích người dân tái đàn tại vùng đã xuất hiện dịch và vùng phụ cận trong điều kiện hiện nay.
 
Hiện nay, 2 huyện Thạch Hà và Lộc Hà đã hoàn thành việc tiêm thí điểm vắc-xin viêm da nổi cục. Kết quả theo dõi ban đầu tại địa phương, số gia súc được tiêm phòng sức khỏe tốt, đang phát triển ổn định.
 
ảnh-2.jpg
Rắc vôi bột khử trùng nơi có dịch

 

Trước đó có 11 hộ chăn nuôi ở xã Mai Phụ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) có số bò bị bệnh lạ với những triệu chứng như: sốt cao, chướng bụng, nổi nhiều cục sần trên toàn thân, có những nốt sần lâu ngày bị hoại tử.
 
Theo phản ánh của người dân, qua hàng chục năm chăn nuôi trâu bò trên địa bàn nhưng chưa bao giờ thấy đàn gia súc có biểu hiện bệnh như thế. Ban đầu, chỉ có dấu hiệu nhẹ nên bà con nghĩ đơn thuần là ký sinh trùng gây bệnh. Để cứu chữa đàn vật nuôi, các hộ tự điều trị bằng thuốc tím và các loại thuốc trợ sức, trợ lực nhưng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp hơn.
 
ảnh-3.jpg
Đặt biển cảnh báo khu vực có dịch

 

Theo ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về các biện pháp phòng, chống. Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD), còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò, không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.
 
Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; quá trình vận chuyển trâu, bò mang mần bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp...
 
Virus viêm da nổi cục tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 15%, tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%, thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.
 
Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu dưới đây: sốt cao, có thể trên 41 độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu; giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt.
 
Đặc biệt, vật nuôi hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử, cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.
 
Nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao vì một số lý do sau đây: Bệnh lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam chưa có vắc - xin phòng bệnh (vắc - xin phải tiến hành nhập khẩu từ nước ngoài nhưng 2 - 3 tuần nữa mới có tại Việt Nam), chưa có phác đồ hướng dẫn điều trị cụ thể.
 
Dịch bệnh được đánh giá là dễ lây lan nhanh do có nhiều véc tơ truyền bệnh, khó khống chế (gồm muỗi, ve, mòng hút máu,…).
 
ảnh-4.jpg
Tiêm phòng cho trâu, bò 

 

Các địa phương, người chăn nuôi cần phải chủ động, chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch như: Kiện toàn lại ban chỉ đạo chống dịch ở các địa phương đã xuất hiện dịch; tổ chức cách ly toàn bộ trâu, bò có biểu hiện của dịch bệnh viêm da nổi cục; chính quyền cấp xã theo dõi thường xuyên đối với những trường hợp này.
 
Tiến hành cấp phát hoá chất đầy đủ, hướng dẫn các hộ dân có gia súc đã bị dịch và vùng lân cận phun tiêu độc khử trùng, diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,…; chủ động khoanh vùng dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào.
 
Xuất hiện mới 1 ổ dịch tả lợn châu Phi ở Cẩm Xuyên
 
Ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại hộ chăn nuôi của gia đình chị Hàn Thị Lan - thôn Lạc Thọ, xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vào ngày 30/1 với 6 con lợn bị mắc bệnh chết và phải tiêu hủy.
 
Nhằm khống chế, bao vây ổ dịch, huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo địa phương đang có dịch thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý.
 
ảnh-61.jpg
Lợn mắc bệnh dịch TLCP tại Cẩm Xuyên 

 

Theo đó, chính quyền xã Cẩm Lạc đã tiến hành vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trong vùng dịch và khu vực liên quan.
 
Ngoài ra, địa phương cũng tiến hành rà soát nắm tổng đàn, số hộ, trang trại chăn nuôi lợn; đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn.
 
Vào cuối năm 2020 dịch tả lợn Châu phi cũng đã bùng phát tại một số huyện trên địa bàn của tỉnh Hà Tĩnh như xã Quang Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Khánh Vĩnh Yên, Trung Lộc (Can Lộc); xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Hà, Cẩm Vịnh, Cẩm Thịnh, Cẩm Dương, Cẩm Duệ, Cẩm Hưng, Cẩm Mỹ, thị trấn Cẩm Xuyên (Cẩm Xuyên); phường Hưng Trí, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh); xã Đức Liên (Vũ Quang); xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh); phường Văn Yên, xã Thạch Bình, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh); xã Sơn Trường, Tân Mỹ Hà (Hương Sơn).
 
Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh khuyến cáo, các địa phương tập trung đồng bộ mọi biện pháp theo hướng dẫn của UBND tỉnh để khoanh vùng, hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh; siết chặt công tác kiểm tra tại khu vực chăn nuôi, khu giết mổ, hoạt động buôn bán ở chợ dân sinh; không khuyến khích các hộ chăn nuôi trong vùng đã xuất hiện dịch và vùng phụ cận tái đàn trong điều kiện hiện nay.
 
Quảng Bình: Nam huyện Quảng Ninh tăng cường phòng dịch, ổn định tổng đàn
 
Năm 2020, do ảnh hưởng của lũ lụt, tổng đàn gia súc trên địa bàn các xã vùng Nam sụt giảm, đặc biệt là chăn nuôi lợn thịt cung ứng cho thị trường Tết. Để ổn định tổng đàn, các xã hiện đang tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
 
Năm 2020, tổng đàn trâu, bò xã Vạn Ninh trên 1.000 con, đạt 82% kế hoạch năm; đàn lợn chỉ còn 7.750 con, đạt 69,6%. Tổng sản lượng gia súc xuất chuồng 2.713 tấn, đạt 89,45%. Không chỉ gia súc sụt giảm, đàn gia cầm, thủy cầm của xã Vạn Ninh chỉ đạt 82% kế hoạch với trên 91.000 con; sản lượng xuất chuồng 507 tấn, bằng 77,9% kế hoạch.
 
Xã An Ninh, một trong những địa phương từng bị ảnh hưởng dịch LMLM do lây lan từ Vạn Ninh sang, cho đến nay tổng đàn gia súc chỉ còn 856 con trâu bò; 3.155 con lợn và trên 27.000 con gia cầm, thủy cầm. “Tổng đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh so với những năm trước”-Chủ tịch xã An Ninh Trương Văn Long chia sẻ-“Trong trận lũ lịch sử vừa qua, toàn xã có 7 con trâu, 13 con bò chết. Đặc biệt, đàn lợn thiệt hại rất nặng nề với 1.693 con”.
 
Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết: “Quyết tâm của xã là phải bảo đảm duy trì ổn định tổng đàn, nhất là đàn lợn. Mục đích giúp người chăn nuôi phục hồi kinh tế sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh trên đàn gia súc, do đại dịch Covid-19, bị thiên tai, lũ lụt đe dọa. Trước hết là nhằm cung ứng một lượng thịt lợn ra thị trường Tết Nguyên đán, sau đó là duy trì các nái đẻ, bảo đảm cung cấp con giống tái đàn cho những năm tiếp theo”.
 
Năm 2020, xã Vạn Ninh đã tiêm phòng LMLM cho 775 con trâu bò, tiêm tụ huyết trùng 650 liều; tiêm vắc-xin dịch tả lợn 11.465 lượt liều; tiêm vắc-xin cúm gia cầm 69.200 lượt liều. Xã An Ninh tiêm phòng 650 liều vắc-xin LMLM cho trâu bò cùng 550 liều vắc-xin tụ huyết trùng; tiêm 10.500 lượt liều vắc-xin cúm gia cầm và 3.500 lượt liều vắc-xin dịch tả lợn.
 
Ngoài các loại vắc-xin được Nhà nước hỗ trợ, trong quá trình chăn nuôi, người dân còn chủ động mua vắc-xin ngoài thị trường để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Mặc dù vậy tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc ở vùng Nam Quảng Ninh vẫn chưa cao. Đơn cử, tại xã Vạn Ninh, tiêm phòng LMLM mới đạt 91%, tụ huyết trùng 89%, dịch tả lợn 76%, cúm gia cầm 71,7%. Tại xã An Ninh, tỷ lệ thấp hơn, tiêm phòng LMLM đạt 76%, tụ huyết trùng 64%, cúm gia cầm chỉ đạt 39%...
 
Để ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, các xã vùng Nam Quảng Ninh chú trọng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng chống dịch theo nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top