Hiện, dọc bờ biển miền Trung vẫn còn nhiều loài cá quý hiếm, tuy nhiên, song song với việc khai thác cần kế hoạch bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Nghệ An: Vào mùa câu cá sủi vòi quý hiếm
Phụ nữ vùng biển Nghệ An đang vào mùa câu cá sủ vòi quý hiếm. Theo đó, cá sủ vòi là loài quý hiếm thường xuất hiện nhiều sau những cơn bão, và thường di chuyển vào các bãi đá ngầm ven biển để kiếm ăn.
Cá sủ phải câu ở sát cạnh bãi đá ngầm, vì chúng di chuyển vào đây để ẩn nấp sau những ngày biển động. Ảnh: Việt Hùng
Nắm bắt cơ hội này, bà con ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã mang đồ nghề ra biển câu cá đem về nguồn thu nhập khá.
Dọc tuyến đê biển đến bãi đá ngầm thuộc thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, những ngày gần đây, thường xuyên xuất hiện từng nhóm người tập trung ở bãi biển, để câu loại cá hiếm mà chỉ có mùa mưa mới xuất hiện.
Tại bãi đá ngầm, các "cần thủ" chủ yếu là chị em, mỗi người cầm trên tay chiếc cần bằng thân tre tự chế, dài khoảng 3 – 4 mét và những chiếc rọ đeo thắt ngang eo để đựng cá.
Chị Nguyễn Thị Mỹ ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) phấn khởi khi vừa đặt cần xuống biển, đã câu được một con cá sủ vòi nặng 700 gam. Chị cho biết: “Sau khi cơn bão số 5 đi qua, từ hôm qua đến nay, người dân đổ xô đến bãi đá ngầm ở xã Quỳnh Long để câu cá. Từ một vài người câu và phát hiện có cá hiếm, nên báo tin cho nhau biết và hôm nay đã có khoảng hơn 10 người đi câu”.
Theo các "cần thủ" nữ, để câu được cá sủ vòi, trước hết chị em phải là người có kinh nghiệm đi câu; riêng với loại cá này phải câu ở sát cạnh bãi đá ngầm, vì chúng di chuyển vào đây để ẩn nấp sau những ngày biển động. Khi câu cần phải kiên trì, bởi cũng có ngày cá di tản nhiều nơi nên không mắc lưỡi câu.
Mồi để dùng cho câu cá sủ vòi là tôm biển, tép biển. Trên mỗi cần câu, người dân dùng 1 đoạn dây cước dài 3 - 5 mét, cột 2 lưỡi câu và một miếng chì để tạo độ chìm khi thả mồi xuống nước.
Các chị em cho biết, nếu gặp may một ngày họ có thể câu được 5 – 6 kg cá sủ vòi; cá này hiện được bán với giá 150.000 đồng/kg, như vậy mỗi “cần thủ” sẽ thu về gần 1 triệu đồng/ngày. Trước đó, đã có người câu được trên 10 kg cho thu nhập khá cao.
Vào tháng 9 – 10 dương lịch, khi cá sủ vòi xuất hiện ở ven bờ, đây cũng là mùa ngư dân vùng biển có thêm thu nhập từ nghề câu cá. Hết mùa, các "cần thủ" này sẽ di chuyển đến vùng biển khác để câu cá mú, cá vược, cá đục...
Sau khi người dân câu được cá lên bờ, những người khách qua đường dừng chân để chọn mua cá về ăn. Được biết, thịt cá sủ vòi khi chế biến thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, cá này thường được các nhà hàng đặt mua, còn trên thị trường rất hiếm.
Bình Định: Cần biện pháp mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ
Thời gian qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được ngành chức năng của tỉnh và các địa phương chú trọng. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản vẫn còn tái diễn, cần phải có biện pháp mạnh để xử lý triệt để vấn đề này.
Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên biển
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện toàn tỉnh có hơn 200 phương tiện công suất nhỏ khai thác thủy sản (KTTS) trên đầm Đề Gi (huyện Phù Cát), đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước), đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ) bằng nghề xung điện, xiếc máy.
Ngoài ra, còn có hơn 700 hộ làm nghề lưới lồng, bơm hút phễnh. Việc KTTS bằng nghề cấm đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản (NLTS), hủy hoại môi trường sinh thái tự nhiên tại vùng đầm, vùng ven biển, gây bức xúc cho ngư dân làm các nghề KTTS khác.
Ông Nguyễn Văn Hai, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), làm nghề lưới gõ trên đầm Thị Nại, bức xúc: “Đầm Thị Nại tập trung nhiều loài thủy sản và là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân, sống ven đầm từ bao đời nay.
Nhưng từ khi nghề xung điện, xiếc máy, hút phễnh, giã cào bay xuất hiện, thì nguồn thủy sản trong đầm suy giảm, ngày càng cạn kiệt. Nếu cứ để những nghề này hoạt động thì thủy sản trong đầm sẽ chẳng còn gì”.
Huyện Tuy Phước là địa phương có phương tiện hoạt động nghề cấm, chiếm số lượng lớn cả tỉnh, tập trung nhiều nhất tại xã Phước Thuận, với cả trăm thuyền xung điện, xiếc máy, lưới lồng, hút phễnh.
Ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: “Dù biết hộ đó làm nghề cấm, nhưng quy định hiện tại chỉ xử lý được phương tiện khi hành nghề, không thể xử lý khi đang neo đậu.
Trong khi họ thường hành nghề vào ban đêm, có bố trí người trong bờ cảnh giới, nếu phát hiện lực lượng chức năng sẽ gọi điện báo cho người trên thuyền, vứt bỏ ngư cụ cấm xuống nước để phi tang, thậm chí có trường hợp còn chống đối lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện”.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành Thủy sản phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động KTTS ven bờ.
Năm 2019, đã tổ chức 47 chuyến tuần tra, phát hiện và xử phạt 71 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 237 triệu đồng. Riêng 8 tháng đầu năm nay, đã tổ chức 7 chuyến tuần tra tại các khu vực biển Nhơn Lý - Nhơn Hải, Nhơn Châu - Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn); vùng biển Phù Cát và đầm Đề Gi; khu vực cảng cá Đề Gi và cảng cá Quy Nhơn.
Qua đó, đã kiểm tra 279 lượt tàu cá, xử phạt 11 trường hợp vi phạm với số tiền 58,5 triệu đồng.
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để nâng cao hiệu quả bảo vệ NLTS ven bờ, tháng 5.2020, Chi cục đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản, Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), UBND TP Quy Nhơn thành lập nhóm cộng đồng bảo vệ NLTS ven bờ và giao quyền quản lý khu vực Bãi Dứa - xã Nhơn Lý.
Hiện, Chi cục đang hướng dẫn các xã Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng xây dựng mô hình đồng quản lý, được giao quyền theo Luật Thủy sản 2017 vào cuối năm nay.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương duy trì hoạt động các nhóm đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ khu vực đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại. Cùng với đó, ngành Thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành danh mục nghề cấm, ngư cụ cấm trình UBND tỉnh ra quyết định để làm cơ sở xử lý .
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: “Sở đã hoàn thiện dự thảo danh mục nghề cấm, ngư cụ cấm và tham mưu UBND tỉnh ban hành; trong đó, có bổ sung các nghề cấm, ngư lưới cụ cấm, như: Nghề hút phễnh, gọng xiếc…
Hiện, UBND tỉnh đã trình Bộ NN&PTNT để tham vấn ý kiến. Danh mục này sau khi được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp nghiêm hơn, đó là xử lý phương tiện, ngư cụ làm nghề cấm từ lúc đang neo đậu, chứ không phải lúc đang KTTS như hiện nay”.
Khánh Hoà: Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động tàu cá 67
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với các địa phương có biển và các sở, ngành liên quan tổ chức rà soát tình hình triển khai chính sách hỗ trợ tàu 67 theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, về một số chính sách phát triển thủy sản, số lượng tàu cá khai thác gần bờ đã giảm, tàu cá khai thác xa bờ tăng lên; điều kiện làm việc, sinh hoạt của thuyền viên được nâng cao.
Tai nạn tàu cá giảm, giúp ngư dân yên tâm sản xuất; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành, phát triển, góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển đảo.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như: Cơ sở hạ tầng nghề cá xuống cấp, quá tải, một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt; việc sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế; đội ngũ thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, sớm khắc phục tồn tại và đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh ven biển thành lập các đoàn công tác liên ngành, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của tàu cá 67 theo từng nhóm nghề, loại vật liệu đóng tàu.
Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng, phân loại các chủ tàu vay vốn gặp khó khăn, không trả nợ được, do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; chủ tàu hoạt động không hiệu quả, nhưng có khả năng đầu tư chuyển đổi nghề phù hợp; chủ tàu hoạt động hiệu quả thấp, nằm bờ; chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ì, không trả nợ, để có giải pháp xử lý cụ thể đối với từng trường hợp.
Kết quả rà soát của các địa phương sẽ là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 trình Chính phủ. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT tổng hợp số liệu, báo cáo tỉnh, Bộ NN-PTNT trước ngày 30/9.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.