Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2019 | 13:30

Mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Trồng rừng gỗ lớn hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Hiệu quả là vậy, song khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để chuyển hóa.


Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến còn những hạn chế nhất định, cần phải khắc phục để đưa nước ta thành công xưởng chế biến của thế giới.

 

1.jpg

Đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp Kiểm tra hiện trường rừng trồng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tuyên Bình (Tuyên Quang).

 

Đưa ngành chế biến gỗ tiến xa hơn

Việt Nam có hơn 14,4 triệu hecta rừng,  đứng thứ 5  thế giới, thứ 2 châu Á, đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó, có trên 1.800 doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 864 triệu USD, tăng 7,3% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 7, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,69 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,8%; sang Nhật Bản đạt 735 triệu USD, tăng 18,3% và sang Trung Quốc đạt 642 triệu USD, tăng 1,7%;... Hằng năm chúng ta phải nhập gỗ nguyên liệu trên 2 tỷ USD.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, là nước nông nghiệp nhiệt đới, Việt Nam mới chiếm 6% thị phần gỗ thế giới thì đây là mức thấp; sản phẩm đồ gỗ còn chưa đa dạng, hấp dẫn.

Thủ tướng đặt hàng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trong 10 năm tới, Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu để Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo nguồn nguyên liệu. Muốn đủ nguyên liệu, phải phát triển rừng gỗ lớn.

Điểm qua giải pháp ở vài địa phương

Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp cho người dân, từ cuối năm 2015, Công ty CP Sơn Thủy triển khai chương trình hợp tác với nông dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC - mô hình trồng rừng  đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, môi sinh, tăng thu nhập cho nông dân trồng rừng. Công ty hỗ trợ hồ sơ, thủ tục, hỗ trợ kinh phí để các chuyên gia sang đánh giá và cấp giấy chứng nhận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn FSC.  Khi đạt chứng chỉ rừng FSC, giá trị gỗ sẽ cao hơn cách trồng rừng truyền thống, nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp. Đến nay, diện tích hợp tác trồng rừng của Công ty có khoảng 5.000ha tại các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy...

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, cho biết: Hòa Bình đặt mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có chiều sâu, hàm lượng công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa, với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản lượng đủ lớn để xuất khẩu.

Tại Nghệ An, dựa trên kế hoạch “Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2011 - 2020”, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ 50% giá trị cây giống cho các hộ dân trồng rừng bằng cây gỗ lớn và trồng rừng bằng cây bản địa.

Cùng với đó, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt “Quy hoạch phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2025”, mục tiêu thực hiện là 168.915ha, bao gồm 81.042ha khai thác và trồng lại, 75.376ha trồng mới, 12.407ha chuyển hóa.

 

tr14.jpg
“Chúng ta cần biến Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

 

Qua rà soát thực tế, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt  hơn 8.000ha, trong đó, 1.803,6ha được trồng theo chính sách hỗ trợ, số còn lại từ vốn đầu tư của các danh nghiệp và người dân.

Tỉnh Yên Bái đang triển khai Đề án "Hỗ trợ phát triển các vùng trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030 hình thành vùng kinh doanh gỗ lớn với quy mô 11.875ha đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu; đưa năng suất bình quân rừng trồng chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn đạt từ 12 m³/ha/năm trở lên. Đồng thời, tăng tỷ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ xẻ có đường kính>15cm) từ 30-40% hiện nay lên 50 - 60% vào năm 2020 và trên 60% từ năm 2020 trở đi.

Tỉnh hỗ trợ về cây giống keo nhập ngoại (Úc) với mức 3 triệu đồng/ha cho các hộ gia đình, cá nhân có diện tích trồng từ 5 ha trở lên; hoàn thiện việc giao cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp ổn định lâu dài theo quy định của Luật Đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân.

Thực hiện tốt các chính sách về khuyến nông, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cây gỗ lớn nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được thuê đất, liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng các nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Hiệu quả của rừng gỗ lớn

Trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng rừng gỗ nhỏ nên nhiều địa phương có kế hoạch chuyển hóa từ nhiều năm nay.

Ông Quách Văn Phương, Trưởng thôn Bản Đông, xã Xuân Thọ (Như Thanh - Thanh Hóa) tâm sự, trước đây, tôi có gần 2,5ha keo thử nghiệm trồng rừng gỗ lớn. Do chưa tìm hiểu rõ nên trồng 8 năm đã bán nhưng cũng được gần 350 triệu đồng. Trừ chi phí lãi gần 250 triệu đồng. Nếu để đến 10 - 12 năm mới thu hoạch thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.  Từ đó tôi chuyển dần 4,3ha keo sang trồng rừng gỗ lớn.

Theo các chuyên gia nông - lâm nghiệp, cùng 1ha cây keo, với chu kỳ khai thác đến năm thứ 6 thì giá trị chỉ đạt khoảng 80-90 triệu đồng/ha. Nếu để 10-14 năm mới khai thác, đường kính cây trung bình đạt trên 18cm, sẽ bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến, cộng với tỉa thưa cây hàng năm, giá trị nâng lên khoảng 250 triệu đồng/ha, thâm canh tốt có thể đạt 500 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Chí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, cho biết, ngoài hiệu quả kinh tế tăng nhiều lần so với trồng rừng gỗ nhỏ thì việc trồng rừng gỗ lớn còn giúp giảm số lần khai thác, giảm xói mòn đất, ô nhiễm môi trường được kiểm soát, thay đổi tư duy người dân và phát triển rừng theo hướng bền vững…

“Để thúc đẩy, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, trong các năm 2016, 2017, 2018, từ ngân sách tỉnh và lồng ghép các chương trình dự án, mỗi năm, UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ người trồng rừng hơn 50 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa có trên 55.000ha rừng gỗ lớn…”, ông Dũng nói.

Nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, năm 2014, tỉnh này trồng, chuyển hóa 9.557,8ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, trong đó có 24,8ha được chuyển hóa; 8.221,6ha trồng mới và 1.311,5ha trồng lại.

Đến năm 2018, diện tích rừng trồng, chuyển hóa giảm xuống còn 2.129,3ha, trong đó, không có diện tích rừng nào được chuyển hóa, diện tích trồng lại 1.490,3ha, trồng mới là 639ha. Dự báo trong năm 2019, diện tích này tiếp tục giảm xuống còn 2.100ha, trong đó, 1.500ha trồng lại, khoảng 600ha rừng được trồng mới.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương - Tuyên Quang) là đơn vị đầu tiên thực hiện thử nghiệm trồng, chuyển hóa 20ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Sau 5 năm triển khai, công ty vẫn chưa mở rộng thêm được diện tích. Nguyên nhân do thời gian cho khai thác gỗ lớn từ 10 - 15 năm, trong khi nguồn kinh phí để trả lương cho công nhân vẫn còn khó khăn.

Từ năm 2014 đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn (Yên Sơn - Tuyên Quang) chỉ duy trì được 40ha rừng trồng gỗ lớn mà không mở rộng thêm  diện tích. Nguyên nhân lớn nhất cũng là thiếu kinh phí để đầu tư và duy trì.

Ông Đỗ Xuân Thuận ở thôn Đồng Cầu, xã Tứ Quận (Yên Sơn) vừa khai thác diện tích rừng trồng được 5 năm tuổi cho biết, dù nằm trong kế hoạch trồng rừng gỗ lớn nhưng do thiếu vốn cộng với thời điểm trồng rừng gia đình không chọn được cây giống chất lượng, quá trình sinh trưởng, phát triển, nhiều cây bị sâu, bệnh nên đành chấp nhận bán non với giá thấp.

Theo ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, thời gian tới, Chi cục tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài khó khăn về nguồn vốn để chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn thì ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ở nước ta cũng đang còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục.

Ngành chế biến mới chỉ đạt được giá trị sản xuất ở mức trung bình vì năng suất lao động chưa cao, chất lượng chưa ổn định do trình độ tổ chức, công nghệ và kỹ năng lao động chưa tốt. Việc đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng, đảm bảo yêu cầu về chứng chỉ phát triển rừng bền vững còn nhiều khó khăn.

Tính liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp và thị trường còn yếu; công nghệ và quản trị doanh nghiệp, giá cả và mẫu mã chưa cạnh tranh. Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia cũng chưa chú trọng đúng mức, thực hiện chưa hiệu quả…

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top